Những năm gần đây, kết quả thực hiện Dự án trồng rừng 661 trên địa bàn huyện Tuần Giáo đạt thấp và liên tục giảm, dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn tại kho bạc.
Các chỉ tiêu, kế hoạch của Dự án chưa thực sự thu hút sự quan tâm của cấp chính quyền; người dân không tha thiết với việc trồng rừng, nên tiến độ triển khai dự án tại cơ sở gặp nhiều vướng mắc.
|
Năm 2007, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Tuần Giáo được thành lập, dựa trên bộ máy hoạt động của Lâm trường huyện, đảm nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên diện tích rừng và đất rừng được giao thuộc 2 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay, BQLchưa được giao đất lâm nghiệp tại thực địa. Sau nhiều năm triển khai, do công tác tuyên truyền chưa thấu đáo, dẫn đến các chính sách ưu đãi của Nhà nước về Dự án 661 chưa đến được với người dân. Dự án 661 đang bước vào thời điểm “nước rút”, trong khi đó khối lượng công việc ngày càng khó triển khai tại cơ sở. Năm 2009, được đánh giá là năm “tụt dốc” của Dự án 661 tại Tuần Giáo: Diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh năm thứ nhất đạt 376,9/3.500ha (đạt 10,8% kế hoạch). Diện tích rừng trồng mới thực hiện 81,2/600ha, đạt 14% kế hoạch. Trong đó, diện tích trồng rừng phòng hộ là 9,9ha/250ha (đạt 4% kế hoạch); trồng rừng sản xuất 71,3/350ha (đạt 20% kế hoạch).
Qua trao đổi với ông Lò Văn Du, Giám đốc BQL rừng phòng hộ Tuần Giáo, được biết, đơn vị gặp nhiều vướng mắc trong điều tra, khảo sát, chuẩn bị đất thiết kế trồng rừng. Riêng diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh năm thứ nhất không đạt chỉ tiêu do không có diện tích rừng thuộc đối tượng để thiết kế khoanh nuôi tái sinh. Trong khi chỉ tiêu giao quá cao so với thực tế. Hiện nay, trên địa bàn 2 huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng không còn quỹ đất để thiết kế trồng rừng. Phần lớn diện tích quy hoạch trồng rừng rơi vào đất canh tác nương, nằm xa khu dân cư, độ dốc lớn, không có đường giao thông để vận chuyển cây giống, phân bón phục vụ trồng rừng. Do đó, công lao động chí phí cho trồng rừng tương đối cao; suất đầu tư hiện tại thấp; nhất là chính sách hưởng lợi không phù hợp nên người dân không muốn trồng rừng theo Dự án 661, mà quan tâm trồng rừng kinh tế theo các chương trình khác, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn.
Làm việc với chính quyền xã Quài Cang về công tác triển khai Dự án 661 trên địa bàn được biết, lý do không khuyến khích được nông dân trồng rừng, là do họ lo lắng sản phẩm từ rừng khó tiêu thụ; thời gian đầu tư cho sản xuất lâm nghiệp kéo dài từ 5 - 10 năm mới cho thu hoạch, nên bà con tận dụng đất nương để sản xuất cây lương thực mà chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài từ phát triển rừng. Tình trạng nhiều nhóm hộ và gia đình đăng ký trồng rừng, đơn vị tiến hành thiết kế nhưng sau đó dân lại không mặn mà vẫn xảy ra. Điển hình tại xã Quài Cang, trong năm 2009, BQL rừng phòng hộ đã tổ chức thiết kế 17,7ha, song đến mùa trồng rừng, nông dân không tham gia dự án. Do vậy, kế hoạch trồng rừng ở đây vẫn chỉ là con số “nằm trên giấy”.
Do không hoàn thành kế hoạch được giao nên tình trạng vốn kết dư của Dự án 661 tại huyện Tuần Giáo ngày một tăng. Năm 2008, diện tích trồng rừng tập trung của Dự án đạt 13,1%; trồng rừng sản xuất đạt 30,4%; vốn kết dư gần 2 tỷ đồng. Năm 2009, Dự án 661 tiếp tục đạt thấp, vốn kết dư tại kho bạc trên 1 tỷ đồng. Năm 2010, BQL rừng phòng hộ Tuần Giáo giao nhiệm vụ bảo vệ rừng trồng và rừng tự nhiên 10.309ha; khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên 5.693ha; trồng mới 200ha rừng phòng hộ và 350ha rừng sản xuất. Đây quả là nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi đất quy hoạch trồng rừng ngày càng khan hiếm. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, BQL hoàn thiện bộ máy hoạt động của 5 cụm thuộc các xã của huyện Mường Ảng và Tuần Giáo; phân công trách nhiệm cho cán bộ phụ trách địa bàn vận động nhân dân tham gia trồng rừng. Bên cạnh đó, BQL đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để thu hút sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như người dân trong việc thực hiện Dự án. Hiện nay, đơn vị chuẩn bị giống, vật tư, phương tiện phục vụ trồng rừng và bảo vệ rừng có hiệu quả, để Dự án 661 thực sự đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Theo Báo Lào Cai (Hồng Hải)