Đến hết năm 2009, thành phố Lào Cai có 101 ha rau an toàn. Toàn bộ diện tích rau này đã được các hộ dân tham gia sản xuất theo đúng quy trình, kỹ thuật canh tác; các chỉ tiêu xét nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm đều đảm bảo các chỉ số an toàn và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau an toàn theo quy định...
Đề án sản xuất rau an toàn, hoa chất lượng cao thành phố Lào Cai giai đoạn 2006 - 2010 với mục tiêu hình thành vùng sản xuất rau an toàn 25 ha, duy trì sản xuất rau tăng vụ 100 ha/năm, trồng 6 ha hoa cao cấp, trong đó có 2 ha mô hình ứng dụng công nghệ cao.
|
Trồng rau sạch ở Nam Cường - TP Lào Cai. Ảnh: Báo Lào Cai |
Với tổng nguồn vốn đầu tư trong 3 năm là gần 20 tỷ đồng, UBND thành phố đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch sản xuất cụ thể từng năm, cho từng lĩnh vực, trong đó giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, cơ sở tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân triển khai thực hiện. Đồng thời chỉ đạo lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, kịp thời khuyến khích, hỗ trợ cho nhân dân về giống, vốn, kỹ thuật, vật tư nông nghiệp… để đảm bảo phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề án. Trên cơ sở lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh; thành phố đã xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân dân về giống, tập huấn kỹ thuật, vật tư nông nghiệp. Đối với việc thâm canh tăng vụ, năm 2006 thực hiện 213 ha, năm 2007 thực hiện 226 ha, năm 2008 thực hiện 258 ha, năm 2009 triển khai thực hiện 281,5 ha. Về trồng hoa tập trung, hiện đã có 2 mô hình trồng hoa cao cấp, với diện tích 6,5 ha tại phường Bắc Cường (Công ty TNHH Thuỳ Dung 3,6 ha, Tổng Công ty cổ phần Linh Dương 2,9 ha), được đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà kính, phun tưới bán tự động; trồng các loại hoa cao cấp như hoa ly, hoa huệ tây, hoa đồng tiền… bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 450.000 bông hoa các loại. Về sản xuất rau an toàn, đến hết năm 2009 đã có 101 ha rau an toàn tại các xã Vạn Hoà, Tả Phời và các phường Nam Cường, Bắc Cường, Bình Minh; toàn bộ diện tích rau này đã được chỉ đạo, tổ chức sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật; các chỉ tiêu xét nghiệm, phân tích mẫu đất, mẫu nước và mẫu sản phẩm đều đảm bảo các chỉ số an toàn và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số tồn tại. Sản phẩm rau chưa được đóng gói, dán tem nhãn theo quy định. Việc giới thiệu và cung cấp sản phẩm ra thị trường chưa rộng rãi, người tiêu dùng chưa có cơ sở để phân biệt giữa rau an toàn và rau chưa an toàn. Chưa có nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng hoa cao cấp, sản phẩm hoa chưa đa dạng và chưa đứng vững trong thị trường. Việc đầu tư trồng hoa cao cấp có mức đầu tư lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao, trong khi chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước cho lĩnh vực này hầu như không có. Mặt khác, chủng loại hoa, giá thành hầu như chưa cạnh tranh được với hoa của Trung Quốc, Sa Pa.
Để duy trì sản xuất ổn định 101 ha rau an toàn, thành phố cần triển khai thực hiện mở rộng mạng lưới giới thiệu, quảng bá và kinh doanh sản phẩm rau cho nông dân, xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn, hoa chất lượng cao. Tập trung mời gọi các doanh nghiệp, HTX tham gia vào lĩnh vực này, xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa người sản xuất với cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm và đơn vị tham gia cung ứng sản phẩm. Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho việc trồng hoa cao cấp như hỗ trợ giống hoa gốc, công nghệ xử lý giống, cơ sở hạ tầng… tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân đầu tư trồng hoa cao cấp tại các khu tái định cư nông thôn và khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao Bắc Cường. Tiếp tục vận dụng, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách, nguồn đầu tư của Nhà nước và các thành phần kinh tế cho phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.
Theo Báo Lào Cai (Phúc Toàn)