Bảo hiểm NN: Sẽ chuyển một phần rủi ro nông nghiệp ra nước ngoài

02/03/2010

Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền TGĐ ABIC trả lời phỏng vấn Báo Kinh tế nông thôn về hoạt động bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp…

Nhằm giúp nông dân tránh được rủi ro trong sản xuất khi thiên tai xảy ra, đồng thời để bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước, tới đây Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC) sẽ tung ra thị trường một số sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) mới. Điều đáng chú ý là Công ty có ý định chuyển những rủi ro trong loại hình bảo hiểm này ra nước ngoài. Làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Đỗ Minh Hoàng (ảnh), quyền Tổng giám đốc ABIC.

Thời gian qua, có nhiều đơn vị đã triển khai BHNN nhưng hầu hết đều thất bại. Vậy tại sao ABIC vẫn tiếp tục tham gia vào lĩnh vực mạo hiểm này, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của các đơn vị triển khai BHNN như: không có thị trường truyền thống nên số lượng người tham gia ít, dẫn tới mức phí bảo hiểm cao; thiếu kênh phân phối phù hợp; phí bảo hiểm cao; và Nhà nước chưa có cơ chế bắt buộc nông dân tham gia BHNN...

Cả nước hiện có 13 triệu hộ, trong đó 10 triệu hộ là khách hàng của Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank). Hiện, mỗi hộ nông dân được vay tối đa 30 triệu đồng bằng tín chấp mà không phải thế chấp tài sản. Vì vậy, nếu họ gặp rủi ro, Nhà nước sẽ mất khoản tiền cho vay đó. Vì thế Agribank quyết định thành lập ABIC nhằm mục đích bảo toàn nguồn vốn.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phát triển BHNN, trong khi Bảo Việt, Bảo Minh đã triển khai thử nghiệm nhưng không thành công... Để có thể triển khai BHNN, chúng tôi đã làm việc với nhiều đối tác như Trung tâm Bảo hiểm Vi mô Thế giới, các cố vấn cấp cao của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài có nhiều kinh nghiệm...

Xin ông cho biết, thời gian tới ABIC sẽ triển khai những loại hình BHNN nào?

Trên thế giới có 3 dòng sản phẩm BHNN. Một là bảo hiểm truyền thống. Theo đó, đối tượng bảo hiểm là giá trị sản phẩm thu hoạch trong nông nghiệp như cây, con. Giá trị thiệt hại bao nhiêu, công ty bảo hiểm sẽ phải trả cho họ bấy nhiêu.

Hai là bảo hiểm theo chỉ số thời tiết. Đây cũng là loại hình bảo hiểm mà chúng tôi nhận được nhiều ý kiến tư vấn nhất. Thực chất của loại hình này là bảo hiểm theo chỉ số lũ lụt đã triển khai ở Đồng Tháp. Hàng năm, khu vực sông Mêkông bị tàn phá nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt, trong khi đây là khu vực sản xuất lúa hàng hoá lớn nhất ở nước ta. Bình thường lũ lên 1m sẽ không vấn đề gì nhưng nếu cao thêm 1m nữa, lúa sẽ hỏng. Do đó, khi nào lũ dâng lên từ 1-2m thì nông dân sẽ được bảo hiểm toàn bộ. Tức là bảo hiểm sẽ phải trả cho nông dân bằng sản lượng lúa thu hoạch hàng năm.

Dòng sản phẩm thứ 3 là bảo hiểm theo chỉ số sản lượng. Ví dụ, giống IR23 có năng suất 7 tấn/ha. Do bất kỳ một thiên tai, dịch bệnh nào đó tác động lên đám lúa đó làm sụt giảm sản lượng, thì phần chênh lệch giữa sản lượng lúa và thu hoạch thực tế sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ chỉ tính đơn vị rủi ro ở cấp huyện. Tức là chỉ bảo hiểm mang tính thảm họa cho một vùng rộng lớn, còn nếu tổn thất xảy ra ở một khu hay một ruộng của nhà ai đó sẽ không tính. Do đó, BHNN được triển khai phải xuất phát từ an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến GDP trong nông nghiệp mới được tính chứ không thể chỉ là đơn vị nhỏ lẻ, từng hộ được. Ví dụ, huyện A trồng lúa khi bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xảy ra làm ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng của cả một huyện thì sẽ được BHNN chi trả; còn nếu bệnh đó chỉ xảy ra ở một vài hộ thì sẽ không được chi trả.

Và điểm xuất phát của ABIC sẽ là dòng sản phẩm thứ 3 này, tức là bảo hiểm theo chỉ số sản lượng. Sản phẩm đầu tiên ABIC triển khai là cây lúa, sau đó là chuỗi sản phẩm khác như hạt tiêu, điều, ca cao, càphê, chè, sắn, thủy-hải sản... Tất cả các sản phẩm nông nghiệp mang tính chất hàng hóa sẽ là đối tượng tham gia của ABIC. Chúng tôi đang cố gắng để vụ đông xuân này sẽ giới thiệu tới bà con. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề lớn nên trước mắt chúng tôi sẽ triển khai ở một số tỉnh như Quảng Ngãi, Phú Yên, 5 tỉnh miền Tây Nam Bộ...

Việt Nam được dự báo là quốc gia nhạy cảm với thiên tai, và nếu tất cả khách hàng của Agribank đều là khách hàng của ABIC thì nguy cơ “vỡ” quỹ là điều khó tránh khỏi, ABIC có lường trước được điều này không, thưa ông?

Mỗi năm, thiên tai và dịch bệnh lấy đi của Việt Nam 1,5% GDP, do đó chắc chắn không có doanh nghiệp nào (ngay cả Agribank) dám liều lĩnh ôm mức rủi ro cao như vậy. Vì vậy, chúng tôi sẽ chuyển rủi ro nông nghiệp ra nước ngoài. Và hiện, ABIC đã chọn Swiss Reinsurance, Tập đoàn tái bảo hiểm của Thụy Sĩ, có tổng nguồn vốn cao gấp 30 lần Agribank, làm đối tác trong lĩnh vực này. Vừa qua, Swiss Reinsurance đã cử chuyên gia phối hợp với ABIC xây dựng các sản phẩm BHNN. ABIC sẽ triển khai bảo hiểm đến nông dân, rồi bán một phần những đơn bảo hiểm nguyên bản đó cho Swiss Reinsurance. Như vậy, chính Swiss Reinsurance sẽ ôm trọn gói bảo hiểm cho nông nghiệp của Việt Nam.

Hiện có 160 quốc gia là khách hàng của Swiss Reinsurance, tức là 160 nước cùng gánh chịu và chia sẻ rủi ro. Như vậy, thảm họa thiên tai dịch bệnh dù lớn đến đâu cũng nằm trong tầm khả năng bảo hiểm, nguy cơ “vỡ” quỹ sẽ không còn là vấn đề đáng lo lắng nữa.

Vấn đề gây băn khoăn là việc giám định thiệt hại diễn ra như thế nào?

Chúng tôi đã xác định đơn vị rủi ro của mình là cấp huyện. Phía đối tác Thụy Sĩ cũng đã nghiên cứu hệ thống phân tích thống kê của Việt Nam, họ tin cậy về quy trình lấy mẫu, tính xác suất của cơ quan này.

Kết quả xác định thiệt hại sẽ dựa trên hai nguồn. Một là, bản báo cáo thống kê thiệt hại tại từng huyện do các cục thống kê đưa ra. Hai là, Swiss Reinsurance mua bản quyền, phân tích từ hệ thống viễn thám vệ tinh địa tĩnh. Từ các bản chụp qua vệ tinh này, họ phân tích ảnh quang phổ để biết toàn bộ lúa ở từng vùng có dịch bệnh ở cấp độ nào, lượng mưa ra sao, ảnh hưởng của bão lũ như thế nào... Đối chiếu hai nguồn đó, sự chênh lệch nhau dưới 15% là dễ dàng đi đến thống nhất mức độ thiệt hại.

Khi xảy ra rủi ro, thủ tục để được bảo hiểm có rườm rà, gây khó khăn cho nông dân không, thưa ông?

Việc làm thủ tục bồi thường sẽ do chính quyền cấp huyện và ABIC tiến hành. Nông dân không cần phải làm thủ tục, họ chỉ việc nhận tiền, vì tiền bồi thường sẽ được trả đồng loạt, tính trên từng đơn vị diện tích của cả huyện đó với mức chi trả như nhau.

Chúng tôi cũng đã đề nghị Agribank là bà con muốn vay vốn thì phải mua BHNN, coi đây là một khoản tín chấp. Nghĩa là muốn được vay tiền của Agribank thì phải mua bảo hiểm. BHNN sẽ dần dần được coi là một điều khoản bắt buộc trong hợp đồng vay vốn của Agribank. Và như thế, từ quan điểm ban đầu là BHNN sẽ chỉ triển khai ở những vùng sản xuất hàng hoá lớn nay trở thành một trong những điều kiện để đươc vay vốn của Agribank. Đây cũng là cách để Agribank mở rộng đối tượng vay của mình.

Xin cảm ơn ông!

Thúy Nga (thực hiện)


Tin khác