“Đánh giá môi trường chiến lược” để phát triển bền vững!

10/02/2010

AGROINFO – Nhóm nghiên cứu Đánh giá môi trường chiến lược trong quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn vùng cao (ĐMC) của IPSARD đang trong quá trình hoàn thiện báo cáo cuối cùng. AGROINFO đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Phùng Giang Hải bên lề Hội thảo vùng Tây Bắc tại Điện Biên…

- Thưa ông, hiện nay thế giới nói chung, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với vấn đề ô nhiễm và suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu... đây chính là những đòi hỏi bức thiết phải thực hiện ĐMC trong các kế hoạch, quy hoạch chiến lược phát triển nông nghiệp – nông thôn?

Thạc sĩ Phùng Giang Hải. Ảnh Kim Giang

- Thực tế cho thấy từ trước đến nay, trong các quy hoạch, kế hoạch hay chiến lược phát triển, người ta chỉ chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà ít quan tâm đến hiệu quả về mặt môi trường, không đánh giá đúng tác động của quá trình phát triển đối với môi trường sống. Nhưng thực tế cũng cho thấy, không quan tâm đến môi trường thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt, xét đến cùng thì hiệu quả kinh tế cũng không cao. Bởi vậy, để phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì buộc phải quan tâm đến vấn đề môi trường.

- Nghiên cứu của IPSARD hướng về ĐMC trong phạm vi nông nghiệp, nông thôn vùng cao. Vậy những khó khăn nhất của hoạt động này là gì thưa ông?

- ĐMC là một vấn đề còn mới đối với Việt Nam, rất nhiều người, nhiều lĩnh vực chưa được tiếp cận. Luật đã có quy định yêu cầu thực hiện ĐMC, nhưng còn cần hoàn thiện hành lang chính sách hoàn chỉnh, cụ thể.

Đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vùng cao, khả năng tiếp cận thông tin lại còn hạn chế hơn, bởi thế vấn đề trở nên quá mới mẻ. Chưa nhận thức được đúng vai trò vị trí của ĐMC thì sẽ chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của nó. Đó chính là khó khăn lớn nhất hiện nay….

Trong hội thảo vùng lần này, nhóm chuyên gia đã thu nhận được những điều gì, thưa ông?

- Hội thảo vùng được thực hiện để tiếp nhận những phản hồi từ cơ sở, góp phần hoàn thiện khung hướng dẫn cho phù hợp nhất với thực tiễn. Lần này, chúng tôi thu nhận được rất nhiều ý kiến quý báu. Đặc biệt là những ý kiến về đặc trưng môi trường của địa phương, của khu vực nông nghiệp, nông thôn miền núi... Đây chính là những cơ sở thực tiễn quan trọng để khung hướng dẫn lý thuyết mang lại hiệu quả trên thực tế…

Chúng tôi cũng tiếp nhận được nhiều phương pháp đánh giá, phân tích… bổ ích, phù hợp với thực tế địa phương. Hội thảo cũng đặt ra cho chúng tôi vấn đề phải nâng cao nhận thức, năng lực và kỹ năng cho những người trực tiếp thực hiện.

- Thưa ông, để nâng cao năng lực và nhận thức thì vấn đề đào tạo, tập huấn lại được đặt ra?

- Công tác đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ cơ sở trong việc thực hiện ĐMC đang trở nên cần thiết. Chúng tôi đang nghiên cứu để xây dựng kế hoạch thực hiện.

- Được biết tháng 4- 2010, báo cáo cuối cùng sẽ được nhóm nghiên cứu đưa ra. Vậy kỳ vọng lớn nhất là gì thưa ông?

- Nghiên cứu của chúng tôi đang giới hạn trong khu vực nông nghiệp – nông thôn vùng cao. Kỳ vọng lớn nhất của chúng tôi là tạo ra tiền đề, cơ sở khoa học để xây dựng một khung hướng dẫn chung cho ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn…

- Xin cảm ơn ông!

AGROINFO (thực hiện)


Tin khác