Nhà báo Kha Thoa: “Còn quá nhiều điều cần nói…”

09/11/2009

AGROINFO – BTV Nguyễn Kha Thoa, Ban Thời sự VTV là người có nhiều năm làm báo về NN NT, chị đã đến với người nông dân Việt Nam khắp mọi miền đất nước, sẽ chia với họ từ niềm vui đến cả những khó khăn…

Vào nghề đến tháng 6/2009 là tròn 14 năm, cũng là 14 năm lăn lộn và gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp và bà con nông dân, quãng đường làm báo như vậy chắc chưa phải là nhiều, song tôi cũng đã may mắn có mặt ở khoảng 60 tỉnh thành khắp đất nước. Ở đâu đối với tôi thì bà con cũng thật là thân thuộc, dù ở miền nào, vùng nào thì bà con cũng đều có một điểm chung là rất tình cảm và chân thật. Chính cái nét hồn hậu của họ khiến tôi thêm yêu mến các vùng nông thôn Việt Nam và lại thấy gắn bó với nó nhiều hơn.

 
 Ghi nhận ý kiến người dân. Ảnh do tác giả cung cấp

Tuy nhiên, khi được viết bài về vấn đề này dưới góc nhìn của một nhà báo thì tôi lại thấy khó khăn. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Bởi vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn có quá nhiều vấn đề có thể nói được và nói rất hay, nên là chọn để nói về chuyện gì cũng là điều mà tôi đã trăn trở rất nhiều. Hơn nữa, trong số rất nhiều các nhà báo theo dõi mảng này, có nhiều các nhà báo có những bài viết sắc sảo. Vì vậy mà không biết tôi có múa rìu qua mắt thợ hay không? Tuy nhiên tôi vẫn cứ mạnh dạn viết và tôi nghĩ rằng, có thể bài viết này của tôi cùng với những phóng sự mà tôi đã phát sóng trên VTV sẽ là một tiếng nói nhỏ bé và nó sẽ có ý nghĩa với nông thôn và nông dân.

Đất đai và chuyện đền bù, thân phận những người nông dân ở đó. Nông sản và giá lên xuống thất thường, lúc thừa lúc thiếu, thuỷ lợi và kho chứa, sân phơi, tất cả, đều đang là những vấn đề nóng bỏng được báo chí nêu rất nhiều. Điều mà người ta nói đến ở đây cuối cùng hầu hết là những bất cập trong chính sách…Tuy nhiên, tôi lại có suy nghĩ hơi khác một chút. Bất cập trong chính sách cũng chỉ là một phần rất nhỏ và cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chính sách. Cái thiếu và bất cập sâu xa hơn đó chính là vấn đề thông tin cho nông thôn, cách tiếp cận thông tin của bà con nông dân và ngược lại, thông tin từ nông dân, đời sống nông thôn đến các nhà hoạch định chính sách.

Năm 2008, giữa lúc khắp Đồng bằng Sông Cửu Long rất nóng bỏng chuyện thừa ế cá da trơn, tôi cũng có mặt ở đó và được nghe rất nhiều bà con nói rằng “chúng tôi đang sản xuất mù”. Quả đúng như vậy, bao năm qua, ngành thuỷ sản kêu gọi, hô hào nuôi cá da trơn xuất khẩu, song ngặt một nỗi, nông dân chỉ biết thông tin qua đài báo là nhà nước khuyến khích nuôi cá da trơn xuất khẩu chứ không thấy nói nuôi bao nhiêu là vừa và được nuôi ở những vùng nào. Kết quả, nhiều người đốn cây, bỏ lúa để đào ao nuôi cá. Và chỉ đến khi doanh nghiệp từ chối mua cá thì lúc đó nông dân cũng mới biết rằng trên thị trường vẫn còn một lượng lớn cá da trơn chưa tiêu thụ hết. Hay nói ngay với giống lúa IR 50404, cả năm 2008 và năm 2009, vụ đông xuân được mùa, được giá, đến vụ hè thu lại thừa ế và thương lái không mua. Nông dân đã dường như không biết đến khuyến cáo của cơ quan chức năng về những bất lợi của giống lúa này trong vụ hè thu. Hoặc là có biết đến khuyến cáo nhưng không biết hết được những nguy cơ xảy ra với giống lúa này trong vụ hè thu. Và năm nay, 2009, vì rút kinh nghiệm năm trước, đã có khá nhiều và khá sớm những thông báo, công văn, công điện chỉ đạo sản xuất, nhiều báo cũng đưa tin nhưng rốt cuộc bà con cấy vẫn cấy.

Qua những câu chuyện này cho thấy, vấn đề ở đây không chỉ là chính sách mà trong rất nhiều trường hợp, thông tin đã không đến được với bà con hoặc đến không đầy đủ. Tại nhiều vùng nông thôn, bà con nghe nói có những chính sách hỗ trợ vốn vay, nhưng họ không biết phải vay ở đâu và làm những thủ tục gì, mặc dù có thể ngân hàng không gây khó, địa phương có lẽ cũng sẵn sàng xác nhận giấy tờ liên quan, nhưng nông dân không biết phải bắt đầu từ đâu…

Trong thời gian qua, để thông báo, phân tích các chính sách cho nhà nông, một vài cơ quan báo chí cũng đã đưa rất kịp thời, tuy nhiên, báo viết thì chỉ đến được tới UBND xã và điểm bưu điện văn hoá xã, theo số liệu điều tra, tại các tỉnh phía Bắc có tới 90% người dân nông thôn không đọc báo viết, miền trung con số này còn cao hơn. Đài phát thanh, số người thường xuyên nghe cũng chỉ còn khoảng 40%. Chủ yếu bà con lấy thông tin trên truyền hình. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình nông thôn cũng bập bõm, lúc có lúc không, mặc dù gần đây, thời lượng về các vấn đề nông nghiệp nông thôn đã tăng lên khá nhiều. Kênh thông tin chính ngạch là qua chính quyền địa phương thì chẳng phải mỗi lúc họ lại họp dân để thông báo, chỉ có các nghị quyết được thông qua kênh này, còn lại các thông tin về luật, về thị trường, về chính sách đầu tư… bà con không được cung cấp đầy đủ.

Cũng vì vậy mà có những chính sách đưa ra với thiện chí của các nhà quản lý là nhằm hỗ trợ nông dân, song một số chính sách lại không được nông dân đón nhận. Hiện nay, với gói chính sách hỗ trợ 100% lãi suất để nông dân mua vật tư nông nghiệp, sau gần hai tháng triển khai, bà con nông dân tại miền Bắc không hào hứng. Thực tế, mỗi gia đình có dăm bảy sào ruộng, tiền mua vật tư nông nghiệp nay vài trăm, mai vài ba trăm, số tiền không quá lớn và không tập trung, chính vì vậy, phải làm gần chục loại giấy tờ để vay một triệu, không khả thi lắm với bà con. Tuy nhiên, với Đồng bằng sông Cửu Long, chính sách này lại rất có ý nghĩa. Là vùng sản xuất hàng hoá lớn, bà con Đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi vụ, có gia đình mua hàng trăm triệu tiền vật tư nông nghiệp. Khoản tiền vay lớn, số tiền được hỗ trợ lớn, bà con sẽ đón nhận nhiều hơn. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách có vẻ như đã thiếu thông tin trong việc xây dựng chính sách này.

 
 Đến với nhân dân vùng lũ Nghệ An. Ảnh do tác giả cung cấp

Như vậy, câu chuyện về thông tin và truyền thông đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hầu như chưa được tính đến. Nhất là việc làm thế nào để mọi chủ trương, chính sách, mọi thông tin hỗ trợ sản xuất và nâng cao dân trí đến được đầy đủ và kịp thời với bà con nông dân.

Lâu nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều về một khu vực thông tin riêng cho nông thôn. Đây sẽ phải là phương tiện có sức mạnh nhất, khu vực thông tin này cũng phải rất chuyên biệt, dành riêng cho nông dân và những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách cho nông thôn. Với những điều tra, nghiên cứu riêng về nông thôn, nông dân và nông nghiệp, khu vực thông tin này cũng đồng thời là một đơn vị tư vấn nhanh nhất, gần gũi nhất với bà con nông dân trong mọi lĩnh vực. Vì sao tôi nói là khu vực thông tin này cũng phải có hiệu quả tư vấn, vì ngay với chương trình Nhà nông làm giàu trên VTV hiện nay, mỗi ngày chúng tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của bà con khắp mọi miền đất nước nhờ tư vấn. Chúng tôi lập tức kết nối họ với các cơ quan chuyên ngành để nông dân được giúp đỡ. Khu vực thông tin này cũng phải có những nghiên cứu chuyên sâu, với nguồn thông tin nhanh, tập trung và chính thống, quan trọng là cách thông tin và đưa tin gần gũi, dễ hiểu với nông dân, bà con sẽ nắm bắt tốt hơn, nhất những thông tin họ cần.

Việc thiết lập một khu vực thông tin chuyên biệt cho nông thôn và những nhà quản lý nông nghiệp nông thôn thực tế đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Ở Thái Lan, công việc này đã được thực hiện từ rất lâu, Trung Quốc cũng vậy, việc thiết lập một hệ thống thông tin dành riêng cho nông thôn đã được thực hiện từ rất lâu và rất dày đặc. Hệ thống thông tin này ngoài việc phản ánh, cập nhật thông tin về nông thôn nông nghiệp, hệ thống này còn là một phương tiện đào tạo nghề rất hữu hiệu cho nhà nông.

Hiện nay, nông dân Việt Nam đang hội nhập rất nhanh vào thị trường thế giới. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cùng với việc tham gia các công ước quốc tế liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực…tất cả đang tạo ra những thời cơ thuận lợi để người nông dân có thể bứt phá từ sản xuất tiểu nông, lạc hậu đi lên sản xuất hàng hoá với quy mô lớn và công nghệ hiện đại.

Từ năm 2011, Việt Nam cũng sẽ có một bước phát triển mới, bước sang giai đoạn CNH, HĐH. Mô hình của Việt Nam sẽ rất khác biệt so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, bên cạnh công nghiệp, nông nghiệp cũng sẽ phát triển và có vai trò quan trọng. Đặc biệt, sẽ vẫn có đến 40% người dân sống ở nông thôn khi mà GDP công nghiệp sẽ chiếm 70%. Chính vì vậy, Nông nghiệp nông thôn vẫn rất quan trọng, hàng hoá xuất khẩu của nông nghiệp vấn chiếm tỷ trọng khá lớn trong số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Chính vì vậy nếu không đủ trình độ, không có thông tin thì việc tiếp cận công nghệ, tiếp cận thị trường thế giới của người nông dân sẽ khó thực hiện.

Trong Nghị quyết về “Nông nghiệp- Nông dân-Nông thôn”, thì người nông dân là chủ thể của quá trình phát triển. Nhưng, thực tế trên mặt báo, còn thiếu những bài viết về thân phận, những trăn trở của người nông dân một cách xuất sắc. Có phải, vì những người làm báo trẻ ít lăn lộn với nông thôn, nông dân; nói cách khác là rơi vào trình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”, mà chưa thực sự sống với nông dân, thiếu nhiệt huyết so với những người làm báo thế hệ trước. Lâu nay, tôi rất để ý các báo và chú ý đọc nhiều những bài viết về nông dân. Thực chất, tôi thấy các đồng nghiệp ở các báo lăn lộn, thâm nhập thực tế nhiều hơn và viết giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. Cũng có thể do đặc thù của báo viết là “một mình một ngựa’’ nên dễ thâm nhập, dễ phát hiện hơn, cũng vì vậy mà nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện các báo viết thường đưa tin trước chúng tôi ở truyền hình. Tuy nhiên, viết về nông thôn, về nông dân thì nhiều, song nếu để tìm những bài viết có tầm như những bài viết của Bác Hữu Thọ ngày xưa thì đúng là còn thiếu. Tôi thấy cả các bạn và tôi đều có đầy nhiệt huyết, có đầy những đồng cảm với bà con nông dân, cũng rất sáng tạo, và nhanh, song chưa có những cái nhìn sâu sắc về lĩnh vực này.

Nguyễn Kha Thoa (Bài viết đã đăng trong tác phẩm Truyền thông NN- NT- ND, tác giả Phạm Hoàng Ngân)


Tin khác