Đồng bằng sông Cửu Long – trông chờ cơ giới hoá

06/11/2009

AGROINFO - ĐBSCL là vùng kinh tế nông nghiệp quan trọng vào bậc nhất của nông nghiệp Việt Nam. Để phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất, nông dân ĐBSCL đang trông chờ việc đầu tư thúc đẩy cơ giới hoá.

ĐBSCL hiện là vùng nông nghiệp chuyên canh lúa lớn vào bậc nhất cả nước. ĐBSCL có gần 4 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó 3 loại đất có diện tích lớn nhất là đất lúa đạt xấp xỉ 2,5 triệu hecta, đất nuôi trồng thủy sản nước ngọt là 0,5 triệu ha và đất lâm nghiệp khoảng 0,35 triệu ha (Số liệu của Viện Chiến lược Phát triển, 2006). Ngoài ra còn có hơn 250 ngàn ha cây ăn quả lâu năm và gần 900 ngàn ha vùng nước lợ phân bố ở các vùng ven biển, cửa sông có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay mỗi năm riêng đồng bằng này có thể sản xuất ra hơn 18,0 triệu tấn thóc, chiếm 53% sản lượng lúa gạo của cả nước. Trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc từ đây. Sản lượng thủy sản đạt trên 1,8 triệu tấn mỗi năm.

Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa còn mang nặng tính chất thủ công, lạc hậu

Lao động thủ công làm giảm đáng kể năng suất lao động
Tuy đây là vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, nhưng các khâu sản xuất vẫn còn mang nặng tính thủ công, lạc hậu. Trong sản xuất lúa, các khâu áp dụng cơ giới hoá thường là:làm đất, tưới tiêu, gieo cấy, thu hoạch và sau thu hoạch. Cơ giới hoá khâu làm đất hiện đã đạt tỷ lệ trên 97% (Số liệu của viện lúa ĐBSCL cung cấp). Ở khâu thu hoạch lúa, việc đập, tuốtỞ khâu thu hoạch lúa, việc đập, tuốt lúa được cơ giới hóa gần 98% bằng máy đập trục dọc, trong khi đó khâu gặt mới cơ giới hoá máy gặt lúa mới đảm đương được 1% diện tích ở ĐBSCL, máy sấy lúa hiện có khoảng 6.600 máy, mới chỉ đáp ứng khoảng 33,5% sản lượng lúa. Cơ giới hóa tưới tiêu cho ruộng lúa thuận lợi và nhiều tiềm năng phát triển do hệ thống kênh mương và công tác thủy lợi được Nhà nước chú trọng đầu tư. Máy bơm nước được sử dụng nhiều ở nông hộ, nông trường, trạm, trại giúp công việc tưới tiêu thuận lợi và hiệu quả hơn. Riêng ở các khâu gieo cấy, chăm sóc, cắt gặt, bảo quản, chế biến thì cơ giới hóa còn thấp. Quá trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL hiện vẫn còn rất chậm. Khoảng 85% nông dân ĐBSCL vẫn dùng phương pháp sạ lan. Ở vụ đông xuân có đến 1,5 triệu ha lúa được gieo sạ nhưng máy móc cơ giới hóa chỉ đáp ứng được trên 200 trăm ngàn ha. Việc cắt, gặt hầu như chỉ làm thủ công. Nông dân ít dùng máy cắt xếp dãy vì ruộng ướt, không rải lúa được.

Ghi nhận của điều tra viên trong quá trình khảo sát thực địa của đề tài Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá sau thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long” ( Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện 2009) cho thấy gần đây do cạnh tranh lao động với công nghiệp, việc thiếu hụt nhân công cắt lúa diễn ra nghiêm trọng. Vụ mùa năm 2007, giá công cắt lúa thủ công lên đến 1,7-2,0 triệu/ha nhưng cũng không thuê được người. Nông dân chẳng có kho tàng nào để bảo quản, việc bảo quản chỉ để trong bao và chờ thương lái tới mua. Các doanh nghiệp tư nhân và cả nhà nước cũng chẳng có kho bãi để dự trữ nhiều lúa, họ chỉ mua của dân ngay vụ thu hoạch.

Hiệu quả cơ giới hóa trong khâu thu hoạch là khá rõ ràng nhưng tốc độ cơ giới hóa trong khâu canh tác này được đánh giá là quá chậm chạp, không đáp ứng nhu cầu thực tế

Vài năm trở lại đây, vào các vụ thu hoạch, ĐBSCL căng thẳng nhân công cắt lúa. Điều tra viên Nguyễn Hiếu Tâm (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) tham gia điều tra thực địa ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ...cho biết: Nhiều nơi lúa chín rũ ngoài đồng không thuê được người cắt, dù giá cắt một công từ 30.000 nghìn đồng đã vọt lên 70.000 – 100.000, thậm chí là 150.000 ngàn đồng/công”. Nguyên nhân chính là do lao động trẻ đã rời nông thôn kiếm việc làm ở thành thị. Tỷ lệ thất thoát nếu cắt lúa bằng tay vào khoảng 5%. Nếu tình trung bình tổng sản lượng lúa ở ĐBSCL một năm khoảng 18.0 triệu tấn, với giá lúa hiện nay (lúa khô) 4.500 đồng/kg (giá lúa cách đây 1 năm), mỗi năm ĐBSCL mất 4.0 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, nếu có máy gặt đập liên hợp, 2-3 người một máy có công năng làm việc cao hơn 60-80 lao động thủ công, chi phí thu hoạch lại giảm hơn 30% so với lao động thủ công. Cắt lúa bằng máy chỉ hao hụt khoảng 1%, nghĩa là một năm ĐBSCL không bị mất đi mà có thêm 3.240 tỷ đồng so với cắt bằng tay (Viện NC lúa ĐBSCL, 2007).

Theo nhận định chung, các chuyên gia cho rằng tốc độ cơ giới hoá ở ĐBSCL hiện nay là quá chậm so với yêu cầu. Số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho thấy: diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL năm 2007 ước đạt 3.746.318ha, sản lượng 18.4 triệu tấn nhưng đến tháng 3/2007 mới có khoảng trên 3.000 máy gặt lúa các loại (trong đó, máy gặt lúa rải hàng chế tạo trong nước 2.400 chiếc, máy gặt đập liên hợp được gần 600 chiếc), tăng 3% so với tháng 12/2006. Đến đầu năm 2008, tức là sau gần 5 năm sau ngày xuất hiện của các máy gặt đập liên hợp đầu tiên ở đây, ước tính số máy gặt đập liên hợp cũng chỉ khoảng chưa đầy 1000 chiếc. Để cơ giới hóa 100% trong khâu thu hoạch ở ĐBSCL, ít nhất phải cần đến 200 ngàn máy gặt đập liên hợp. Đây là một con số không nhỏ với nền kinh tế nông nghiệp khu vực này.

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhu cầu cơ giới hoá của nông dân vùng ĐBSCL ngày càng cao.

Từ một vài số liệu thống kê ở trên có thể thấy rõ nhu cầu cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện nay là rất lớn. Nguyên nhân chính là vì ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa (đặc biệt là lúa và thủy sản) lớn nhất cả nước. Diện tích bình quân trên hộ tuy thấp, xấp xỉ 1.0 ha/hộ, nhưng so với các vùng nông nghiệp khác trong cả nước, mức diện tích này đã cao hơn rất nhiều (ví dụ ĐBSH chỉ có 0.25 ha/hộ hiện nay). Nguyên nhân thứ hai là trong quá trình phát triển kinh tế hiện nay, sự canh tranh về lao động ở vùng Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra căng thẳng.

Người nông dân trông chờ cơ giới hoá (Ảnh:vietbao.vn)
Trong nông thôn lực lượng lao động trẻ bị thu hút ra mạnh thành phố. Nguyên nhân thứ ba là công nghệ và kỹ thuật sản xuất thủ công lạc hậu đang khiến cho tình trạng thất thoát và lãng phí trong sản xuất là khá cao, ước tính hàng năm tỷ lệ thất thoát này trong sản xuất lúa lên đến trên 12% sản lượng thu hoạch. Nguyên nhân thứ tư là sự trì trệ trong CGH dẫn đến hệ quả tiếp theo và khá quan trọng đó là năng suất và chất lượng của các sản phẩm hàng hóa thấp, ảnh hưởng mạnh đến khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa trong vùng. Ngoài ra, việc đẩy mạnh CGH ở ĐBSCL còn là một cách để củng cố và phát triển nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại văn minh ở đây. Để khuyến khích nông dân mua máy, tháng 6-2004,Thủ tướng Chính phủ có ý kiến, tùy khả năng ngân sách và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho nông dân mua máy sản xuất trong nước. Năm 2006, VEAM đã phối hợp với Trung ương Hội Nông dân, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện chương trình hỗ trợ nông dân vay 70% giá trị máy mà không phải thế chấp tài sản. Nông dân được trả dần vốn vay trong thời gian 3 đến 5 năm và được tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng tương ứng với mức vốn vay không quá 30 triệu đồng. Ðến nay, nhiều địa phương đã chỉ đạo thực hiện cơ chế trợ giúp nông dân mua máy mà Quảng Ngãi, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Nam là địa phương tiêu biểu. Trong khi đó, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chưa phải là tỉnh đi đầu trong chương trình khuyến khích này.

Hi vọng rằng trong thời gian tới, với sự quan tâm đầu tư của nhiều cấp, ngành, nông dân ĐBSCL sẽ có nhiều hơn cơ hội để tiếp cận với các phương tiện máy móc hiện đại, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đó là điều kiện và cũng là cơ hội để ĐBSCL khẳng định vị thế là vùng nông nghiệp trọng điểm của nước ta.

AGROINFO


Tin khác