Tín dụng nông thôn, hỗ trợ như thế nào cho phù hợp?

20/10/2009

AGROINFO - Hầu hết bà con dân tộc ở bản, đặc biệt là hộ nghèo cho biết không được hướng dẫn về kỹ thuật sản xuất, hay hướng dẫn làm ăn kinh tế. Vì vậy hộ nghèo không dám vay vốn, vì không biết vay để làm gì, và làm gì để trả vốn và lãi vay.

Các hộ này có xu hướng chỉ trông chờ vào các khoản tiền hỗ trợ cho không, và khi có tiền hỗ trợ thì chỉ tiêu xài cho đến hết, không đi làm việc gì nữa.

Làm gì để người dân miền núi sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay và hỗ trợ?

Các hộ trung bình và hộ khá có nhu cầu vay vốn thì không tiếp cận được nguồn vốn. Năm 2009 vừa rồi hầu hết các ngân hàng không giải quyết vay vốn cho hộ. Một hộ trồng cà phê chè (Arabica) ở huyện Mường Ảng cho biết: “Năm nay vừa không vay được vốn để thuê hái cà phê, mà giá lao động hái cà phê thì tăng gấp đôi so với năm trước, do các hộ nghèo có tiền hỗ trợ rồi nên không chịu đi làm thuê”.

Với tập quán sản xuất lạc hậu, người dân đang trông chờ vào sự hỗ trợ mà không có cách để sử dụng vốn vay hiệu quả

Hiện nay cà phê Arabica ở Mường Ảng, Điện Biên đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Trên các cành, cà phê đang bói quả, chín đỏ lác đác. Vậy mà năm nay tiền công hái 1 kg cà phê quả tươi Arabica hiện là 1200-1500 đồng, cao gấp 2 - 2,5 lần so với mức giá năm 2008. Trong khi đó, dự đoán giá cà phê khô do các doanh nghiệp tiêu thụ không tăng so với năm trước, vẫn chỉ được 24 - 25 triệu đồng/1 tấn cà phê Arabica khô, tức là khoảng 5000 đồng/kg cà phê Arabica quả tươi.

Hộ trung bình thì kiến nghị Nhà nước không nên hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo tiền mặt, mà cho họ bằng công cụ như cho bò, cho giống để họ phát triển sản xuất. Và đồng thời ngân hàng có cơ chế hỗ trợ để họ tiếp cận vốn vay để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được ổn định.

Hộ nghèo thì muốn nhận tiền mặt, để họ chủ động mua bò, hoặc trả lãi ngân hàng, tùy theo nhu cầu của từng hộ.


Tin khác