Làng nghề: Lao động nhập cư làm thuê mất việc

20/10/2009

AGROINFO - Các làng nghề khảo sát phụ thuộc nhiều vào đơn hàng xuất khẩu. Làng nghề đang gặp phải khó khăn lớn, khi các đơn hàng xuất khẩu giảm đột ngột từ cuối năm 2008.

Các tin liên quan:
>> Tác động của khủng hoảng tài chính đối với doanh nghiệp và người lao động
>> Lao động nhập cư: thiếu việc làm, giảm thu nhập
Thông tin từ các cuộc phỏng vấn lãnh đạo xã, thôn và các chủ doanh nghiệp tại hai làng nghề nổi tiếng Bát Tràng và Hạ Thái cho thấy khoảng 70-80% doanh thu của làng nghề là từ thị trường xuất khẩu. Doanh thu bán hàng của Hạ Thái năm 2008 ước tính đã giảm 35-40% so với năm 2007; doanh thu của Bát Tràng theo số liệu xã nắm được cũng giảm khoảng 30% (từ 226 tỷ đồng 2007 xuống 175 tỷ đồng năm 2008). Hiện tại chưa có tín hiệu sáng sủa nào về các đơn đặt hàng mới từ các hội chợ ở nước ngoài đầu năm 2009. Tinh hình này sẽ tiếp tục kéo dài, it nhất là đến giữa năm 2009 khi có các hội chợ mới. Nhu cầu nội địa cũng giảm sút từ năm 2008.

Nhu cầu giảm đột ngột dẫn đến tác động lan truyền từ các công ty thương mại đến các doanh nghiệp làng nghề, các hộ làm nghề, đến các nhà cung cấp đầu vào và người lao động làm thuê. Do đó, chuỗi tác động “đôminô” đến thu nhập và việc làm tại các làng nghề được dự đoán là lớn.

Lao động làng nghề cũng lao đao trong cơn khủng hoảng

Tuy nhiên, tác động trước mắt dễ nhìn thấy nhất hiện nay là hầu hết chủ cơ sở làng nghề cắt giảm sản xuất, và hạn chế tuyển lao động nhập cư là những người thường làm những công việc đơn giản trong qui trình sản xuất các đơn hàng lớn. Thay vào đó họ cố gắng duy trì số ít lao động có tay nghề để làm các mẫu sản phẩm (mới) để trưng bày và sẵn sàng gửi đi các hội chợ ở nước ngoài để chào hàng. Chủ tịch hiệp hội làng nghề gốm sứ Bát Tràng cho biết vào thời điểm hưng thịnh cách đây 3-4 năm, các nhà sản xuất ở Bát Tràng thuê gần 10 nghìn lao động (trong đó khoảng 60% là phụ nữ) đến từ các tỉnh lân cận; từ sau Tết đầu năm 2009 số lao động nhập cư làm thuê này đã giảm đi 60%. Tương tự, lãnh đạo xã của làng nghề Hạ Thái nhận xét các nhà làm sơn mài thường thuê khoảng 400 lao động đến từ các xã lân cận, nhưng gần như không còn thuê ai nữa kể từ sau Tết năm nay đến giờ. Người lao động từ nơi khác đến làng nghề làm thuê theo thời vụ và công việc ngắn hạn (không có hợp đồng lao động chính thức), nên khi hết việc họ lại quay về quê nhà không có chế độ hỗ trợ gì từ các nhà sản xuất.

Tính linh hoạt của các nhà sản xuất tại hai làng nghề khảo sát trong việc điều chỉnh qui mô sản xuất, vẫn còn những khoản tiết kiệm từ trước và không bị lệ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng chính thức khiến cho họ ít bị tổn thương hơn so với dự đoán trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu. Các tác động tiếp theo tại các làng nghề, như việc suy giảm mức sống cơ bản của hộ gia đình (về chi tiêu hàng ngày, học hành của con cái, chăm sóc sức khỏe…) vẫn chưa xảy ra trong giai đoạn đầu của khủng hoảng kinh tế hiện nay; mặc dù các nhu cầu “xa xỉ” hơn như xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ điện tử hay đồ gỗ, đi du lịch… đã bị cắt giảm nhiều. Thực tế hiện nay, nhóm nghiên cứu không nhận được lời phàn nàn nào từ những công nhân làm thuê về việc các chủ doanh nghiệp làng nghề phải chậm trả lương hàng tháng.

Các cơ sở làng nghề qui mô nhỏ dường như gặp ít khó khăn hơn so với các doanh nghiệp lớn khi đơn hàng xuất khẩu sụt giảm mạnh. Lý do là các cơ sở nhỏ qui mô hộ gia đình linh hoạt hơn, ít bị đọng vốn đầu tư vào thiết bị, phòng trưng bày và nhà xưởng, có khả năng đa dạng hóa nguồn thu nhập và có thể nhanh chóng cải tiến mẫu mã để phục vụ các thị trường ‘ngách’ trong nước.

Tại hai làng nghề khảo sát, có những câu chuyện về những doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh vào thiết bị và nhà xưởng trong 2 năm qua, nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ, một trong những nhà sản xuất thuộc nhóm đi đầu ở Bát Tràng đã vay tiền ngân hàng thương mại để xây dựng một lò đốt theo kiểu mới dùng than hóa khí trong năm 2007. Tuy nhiên, giá loại than đặc chủng này đã tăng chóng mặt, từ 800 nghìn đồng/tấn ở thời điểm giữa năm 2007 tăng lên 4,5 triệu đồng/tấn vào đầu năm 2008. Nhà sản xuất này đã phải phá dỡ lò nung vừa xây dựng để bán sắt vụn được có 500 triệu đồng, và hiện đang phải gánh khoản nợ ngân hàng lên đến 1,5 tỷ đồng. Tương tự, một công ty sản xuất hàng sơn mài lớn ở Hạ Thái đã đầu tư gần 1,3 tỷ đồng vào 3000 m2 nhà xưởng trong năm 2008. Hiện nay công ty này đang thiếu vốn lưu động để duy trì sản xuất trong bối cảnh không còn đơn hàng xuất khẩu từ sau Tết năm nay.

Ngược lại, một số ít cơ sở sản xuất ở Bát Tràng vẫn có thể duy trì sản xuất do họ tập trung vào các thị trường ‘ngách’ trong nước, ví dụ như cung cấp các sản phẩm gốm sứ cho việc tu bổ và xây dựng các đền chùa và bảo tàng, hoặc làm các sản phẩm gốm mỹ nghệ đơn chiếc cho các nhà sưu tập.

Tại làng nghề còn có đất sản xuất nông nghiệp như sơn mài Hạ Thái, trước đây các hộ gia đình tập trung vào làm nghề, do đó thuê lao động nhập cư làm các công việc đồng áng. Hiện nay nhu cầu sụt giảm mạnh nên hộ gia đình làm nghề lại quay lại tự làm ruộng và không thuê lao động bên ngoài nữa. Riêng làng nghề Hạ Thái trước đây thường thuê khoảng 100 lao động đến chủ yếu từ tỉnh Thanh Hóa để làm ruộng khi vào mùa vụ; nhưng hiện nay người dân Hạ Thái tự làm ruộng và hầu như không thuê ngoài nữa.

Tác động cũng có sự khác biệt giữa các làng nghề. Bát Tràng gặp rủi ro lớn hơn do có sự tập trung các cơ sở sản xuất và không có đất nông nghiệp; so với Hạ Thái có điều kiện đa dạng hóa thu nhập hơn (làm sơn mài, làm đồ vàng mã, làm ruộng).

Tuy nhiên, cú sốc về cầu sẽ làm trầm trọng thêm các khó khăn tồn tại từ trước đến nay tại các làng nghề ở các cấp độ khác nhau, như cơ sở hạ tầng kém, ô nhiễm môi trường, giá nguyên nhiên liệu tăng trong khi giá đầu ra không tăng hoặc thậm chí giảm, nhu cầu bão hòa với một số loại sản phẩm truyền thống, gặp cạnh tranh mạnh trong khi kỹ năng kinh doanh và marketing còn hạn chế (ví dụ khó cạnh tranh với hàng sứ gia dụng nhập khẩu từ Trung quốc), thiếu vốn đầu tư nâng cấp thiết bị nhà xưởng… Nhiều cơ sở sản xuất đã gặp khó khăn thậm chí có cơ sở phải đóng cửa trước khi có tác động khủng hoảng kinh tế. Chẳng hạn tại Bát Tràng, số lượng cơ sở gồm sứ đã giảm từ 1200 năm 2004 xuống còn 970 năm 2007 và còn 800 vào cuối năm 2008. Các hợp tác xã tại làng nghề, chẳng hạn như hợp tác xã Hợp Lực và Song Cường tại Bát Tràng, dường như bị tổn thương nhiều nhất do không vượt qua được các khó khăn cố hữu nêu trên. Lượng hàng xuất đi của HTX Hợp Lực đã giảm mạnh từ 3-4 container một tháng giai đoạn đầu 2008 trở về trước còn 1 container thậm chí là không xuất được; số nhân công của HTX này đã giảm từ 100 trước đây nay còn 7 người.

Tất cả các doanh nghiệp làng nghề được phỏng vấn đều nhận thấy họ khó có thể tiếp cận gói kích cầu của Chính phủ về trợ cấp lãi suất tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp. Họ cho rằng lý do chính là các doanh nghiệp không có kế hoạch đầu tư trong lúc khó khăn hiện nay, và họ thường giao dịch theo cách phi chính thức nên không có đủ các giấy tờ để chứng minh với ngân hàng. Đáng lưu ý là các mối quan hệ hợp tác ngang giữa các doanh nghiệp làng nghề còn yếu, và hầu hết doanh nghiệp được phỏng vấn đều không đánh giá cao vai trò của hiệp hội làng nghề trong việc giúp họ khắc phục các khó khăn hiện nay.

AGROINFO (Theo Báo cáo kết quả bước đầu khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến người lao động và doanh nghiệp Việt Nam)

Tin khác