Sinh kế khu tái cư Si Pa Phìn

20/10/2009

AGROINFO - Bà con ở đây sống dựa vào tiền lãi buôn bán kinh doanh hàng hóa qua biên giới Việt-Lào. 70-80% hộ dân sang Lào mua bán trao đổi các loại hàng hóa: chó, gà, vịt, măng khô…

Măng hiện đang là mặt hàng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất. Giá măng mua bên Lào là 25.000-30.000 đồng/kg, bán ở chợ Việt Nam được 35.000-40.000 đồng/kg. Có hộ dân cả nhà 2-3 người lớn, vợ lẫn chồng và con lớn, đều đi sang Lào buôn bán.

Nguồn sinh kế chính đứng hàng thứ 2 ở đây là tham gia góp vốn bằng đất với Công ty Lâm nghiệp để trồng rừng sản xuất.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD  làm việc với bà con khu tái định cư Nậm Chim, bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn, huyện Mường Chà, Tỉnh Điện Biên

Hiện nay Công ty lâm nghiệp Lâm Biên đang đầu tư vào 2 xã của huyện Mường Chà, gồm Si Pa Phìn và Phìn Hồ để bà con góp đất trồng rừng keo. Bà con đóng góp mỗi ha đất nương đóng góp trồng rừng được cấp sổ ghi nhận cổ phần 10 triệu đồng/ha vào Công ty.

Tiền thuê trồng và chăm sóc 1 ha rừng keo bình quân 3 triệu đồng/ha, thanh toán dứt điểm thành 3 đợt: giai đoạn phát quang - đào hố bỏ phân, giai đoạn trồng cây, giai đoạn chăm sóc đợt 1. Cách làm này đã đảm bảo được bà con có thu nhập đều đặn tái sản xuất sức lao động. Công ty có thể trả bằng tiền mặt, hoặc bằng hàng hóa (gạo, mỳ chính, nước mắm…). Nếu tính theo công lao động, bình quân đạt 50.000 đồng/ngày công chăm sóc rừng trên chính diện tích đất rừng góp cho công ty. Ai có sức làm nhiều hưởng nhiều.

Chế độ hợp đồng làm việc và cấp sổ cổ đông theo 4 bên: Công ty, UBND xã, trưởng bản và người dân góp đất.

Riêng các trưởng bản được thuê ký hợp đồng lao động 1 triệu đồng/1 tháng để tuyên truyền vận động bà con trong bản bảo vệ rừng, phòng chống cháy, trông vành đai cản lửa. Một số cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xã về hưu và trưởng bản được ký hợp đồng lương khởi điểm 2 triệu/thángvà lương 3 triệu đồng/tháng.

Bình quân mỗi hộ góp vốn khoảng 2 ha đất nương. Một số ít các hộ trưởng bản, hộ cán bộ góp khoảng 10 ha/hộ.

Tăng cường đối thoại với nhân dân, phản ánh thực tiễn địa phương

Kế hoạch đến năm 2010, Công ty sẽ trồng 2500 ha keo, trên 7 bản của 2 xã Si Pa Phìn và Phìn Hồ. Tính đến năm 2009, Công ty đã đầu tư trồng được 500 ha keo, tổng số vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng, gồm chi phí đầu tư máy móc, tiền thiết kế, tiền giống và công lao động trồng chăm sóc cây. Dự kiến 2012 sẽ thu hoạch gỗ, tiêu thụ tại chỗ cho nhà máy chế biến gỗ ván dăm của Lâm Biên sẽ xây dựng ngay tại Điện Biên.

Trong cơ cấu diện tích đất nông nghiệp, diện tích đất nương chiếm tỷ lệ cao, chiếm 86%, diện tích đất canh tác lúa nước chỉ 10%, diện tích ruộng nước khai hoang thêm chiến khoảng 4% gần 70%. Bình quân mỗi khẩu được cấp 500 m2 ruộng, bình quân mỗi hộ có 2 ha ruộng, nhưng hiện nay hầu hết bỏ hoang do chưa khai khẩn đúng cách.

Quy trình sản xuất thâm canh lúa của người dân tái định cư không phù hợp với nền đất này. Trên thực tế, một số hộ khi có vốn vay phải tiếp cận và mua ruộng của người Mông để sản xuất. Người HMông chăm chỉ, có quy trình khai hoang đất nương tốt từ lâu đời, nên họ khai khẩn đất, làm 1-2 vụ, sau đó bán lại cho dân tái định cư với giá 5 triệu đồng/ha đất nương, và họ lại đi khai khẩn nơi khác.

Tại Bản Tân Lập, xã Si Pa Phìn có 375 dân, với78 hộ dân, nhưng có đến 28 hộ nghèo . Trong đó có tới 60% số hộ nghèo bị đói 6 tháng, 3 - 4 hộ bị đói đến 9 tháng. Để sống qua ngày, phải vay “nặng lãi” gạo để ăn. Một tạ gạo thóc vay năm nay, đến vụ thu hoạch sang năm trả thành 2,2 thóc, cả vốn lẫn lãi. “Không có tiền, không có ruộng, đói ăn”. Điều kiện tự nhiên ở đây rất khắc nghiệt, gió Lào, có năm có đến 7-8 tháng không có mưa.

AGROINFO


Tin khác