Nhà báo Hoàng Sơn: “Tôi mơ giấc mơ nhà nông”

06/11/2009

AGROINFO - Tôi hỏi một nông dân có thu nhập mức trung bình ở Hải Dương rằng, anh có sẵn sàng bỏ ra 3.000 đồng mua báo đọc mỗi buổi sáng không? Anh chân thật nói: Một cốc sữa buổi sáng tôi cũng chưa dám uống nữa là. Có 3.000 đồng, tôi sẽ mua mớ rau, quả trứng cho bữa trưa…”

Ước mơ nhà nông đọc báo mỗi ngày

Mỗi lần về nông thôn công tác và lắng nghe bạn đọc khen tờ báo của mình là một trong vài tờ hay nhất về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chúng tôi rất phấn khởi. Không chỉ dừng lại ở văn phòng UBND xã, báo còn đến được với cả những người là Trưởng thôn/ấp/bản/làng/phum/sóc... Không chỉ có thế, báo còn có mặt trong các đơn vị quân đội, thậm chí lên cả máy bay của VN-Airlines…

 

Nhà báo Hoàng Sơn, phóng viên báo Nông thôn ngày nay. Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhưng khi tiếp tục câu hỏi “ngoài cán bộ xã và trưởng thôn, có bao nhiêu nông dân đọc báo”, thì phần trả lời có nhiều điều phải suy ngẫm. Có, nhưng không nhiều, hoặc phần lớn họ tiếp cận thông tin báo chí gián tiếp qua cán bộ xã - thôn đã đọc báo, hoặc điểm báo của đài truyền thanh cấp xã. Tất nhiên, trong điều kiện của báo chí chúng ta, được thế đã là quý lắm rồi.

Tôi hỏi một nông dân có thu nhập mức trung bình ở Hải Dương rằng, anh có sẵn sàng bỏ ra 3.000 đồng mua báo đọc mỗi buổi sáng không? Anh chân thật nói: Một cốc sữa buổi sáng tôi cũng chưa dám uống nữa là. Có 3.000 đồng, tôi sẽ mua mớ rau, quả trứng cho bữa trưa…”. Lúc đó tôi ước gì mình có phép màu để giúp anh nông dân ấy không phải lo cho bữa ăn mỗi ngày, để không còn đắn đo giữa mua một mớ rau và một tờ báo.

Tôi đem câu hỏi ấy hỏi nhiều nông dân làm ăn giỏi, có lãi từ dăm chục triệu đến vài tỉ đồng/năm. Có người bảo sẵn sàng mua, nhưng báo chí phải viết cái họ cần vận dụng cho làm ăn mua bán, chứ không chỉ cái để giải trí. Có nhiều người trả lời thật thà là không mua vì… chưa có thói quen đọc báo. Tôi lại mơ ước mình có phép màu để chỉ qua một đêm, họ sẽ không còn thói quen “ít đọc” nữa. Chỉ cần họ bớt lại số tiền bán một con cua biển, một ký tôm, một con gà cũng đủ mua báo đọc cả tháng rồi…

Ước mơ thế gian không còn “hàng giả”

Trong những bức thư gần đây gửi về toà soạn, nhiều bạn đọc này đã phàn nàn rằng, thời buổi kinh tế thị trường này sao lắm hàng đểu đến thế. Từ phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng cho đến nhà báo về phỏng vấn nông dân cũng bị mạo danh “làm giả” nốt. Ước gì trên thế gian này không còn hàng giả, hàng kém chất lượng để nông dân không còn bị lừa… Tôi biết ước mơ ấy sẽ khó trở thành hiện thực, vì thế gian có người tốt, có người xấu. Vậy có cách gì để giúp nông dân tránh được những cú đá của lừa? Ngoài chế tài nghiêm khắc cần có của nhà nước, có lẽ cần thêm thông tin đầy đủ cho nhà nông.

Nhưng truyền hình và báo chí có đưa được thông tin đầy đủ cho nông dân?

 

Báo chí vẫn còn khoảng cách với người nông dân. Ảnh: Báo Lào Cai

Cứ mỗi lần xảy ra chuyện báo chí đưa tin theo kiểu “ăn bưởi gây ung thư” hay “trứng gà giả” khiến bà con nông dân khốn đốn, chúng tôi lại thấy nóng mặt, dù báo mình không đưa tin. Mặc dù các báo đưa tin thất thiệt, hoặc không đầy đủ sau đó đã bị phạt tiền, nhưng thiệt hại của nông dân thì không ai đền bù cho cả. Mới hay, thông tin cũng như lưỡi kiếm, chỉ cần thiếu trách nhiệm hoặc sơ sẩy chút thôi cũng có thể hại người, không chỉ một người mà có thể ảnh hưởng tới hàng vạn người… Nông dân rất tin báo chí, nhưng có khi cũng rất “sợ hãi” vì báo chí vì những tin bài thuộc loại “hàng kém chất lượng” như trên. Ước gì toà soạn nào cũng cẩn thận để không đẩy bạn đọc, nhất là nông dân, vào vị trí nạn nhân.

Tất nhiên, với tư cách một nhà báo, tôi cũng cầu mong ông trời cho mình đủ minh mẫn để không phạm phải lỗi tương tự…

Hiện giờ thì gần như tuyệt đại đa số nông dân vẫn còn xa lạ với Internet, như cách đây dăm bảy năm trí thức và công chức bỡ ngỡ khi Internet vừa gõ cửa Việt Nam. Nhưng có lẽ chỉ dăm ba năm nữa, khi đường truyền băng thông rộng về đến nông thôn, hạ tầng và giá cả đủ để những nông dân “sản xuất giỏi” chấp nhận, thì tương lai sẽ rất sáng sủa. Có lẽ lúc đó, bài giảng “giúp cho nông dân cái cần câu” không còn hợp thời nữa, mà phải thay bằng “giúp cho nông dân tri thức để chọn cái cần câu vừa tay”…

Và còn nhiều giấc mơ khác nữa, khi tôi đặt mình vào vị trí của từng người nông dân mà tôi đã gặp, từ người nông dân trồng ngô trên núi đá tai mèo Tây Bắc cho đến những ngư dân ra khơi vào lộng miền Trung, hay anh chàng Hai Lúa với giấc mơ chế tạo máy bay ở Tây Ninh. Hoá thân vào giấc mơ của nông dân không phải là chạy trốn thực tại, mà là để thấy anh có thể làm gì để góp phần giúp những giấc mơ ấy sớm thành hiện thực.

Nguyễn Hoàng Sơn (Bài đã đăng trong tác phẩm “Truyền thông Nông nghiệp – Nông thôn – Nông dân” của tác giả Phạm Hoàng Ngân)


Tin khác