AGROINFO - Kết quả điều tra của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, năm 2007 cho thấy tỉ lệ cơ giới hoá trong thu hoạch lúa ở khu vực này còn thấp: khâu gặt mới cơ giới hoá máy gặt lúa đảm đương được 1% diện tích ở ĐBSCL, máy sấy lúa hiện có khoảng 6.600 máy, chỉ đáp ứng khoảng 33,5% sản lượng lúa.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho quá trình cơ giới hoá, đặc biệt là cơ giới hoá sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL còn chậm. Sau đây là những nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất là đó là do chúng ta chưa có một chiến lược cơ giới hoá rõ ràng cho sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung ở ĐBSCL. Trong thời gian qua, việc trang bị cơ giới cho sản xuất chủ yếu là do các hộ sản xuất tự trang bị, đầu tư. Những chính sách hỗ trợ vừa chậm vừa yếu và thiếu đồng bộ, kể từ việc hỗ trợ sản xuất máy trong nước, đến chính sách hỗ trợ nhập khẩu máy ngoại, công tác đầu tư nghiên cứu quy hoạch ngành cơ khí trong địa bàn đến việc hỗ trợ tín dụng cho nông dân, tổ chức nông dân khai thác hiệu quả đầu tư CGH trong các khâu sản xuất lúa... Tình trạng nhu cầu thì lớn nhưng khả năng cung máy lại không đủ. Trong vùng chưa có được hệ thống các cơ sở sản xuất và sửa chữa máy móc cho nông dân. Khi sử dụng máy hỏng không có phụ tùng thay thế.
|
Còn thiếu chiến lược cơ giới hoá rõ ràng cho ngành lúa (Ảnh: dalat.gov.vn) |
Nguyên nhân thứ hai là do tình trạng sản xuất còn nhiều manh mún, đồng ruộng chưa thật bằng phẳng, diện tích lô thửa của các nông hộ còn quá nhỏ. Hiện ĐBSCL có khoảng 60% số thửa ruộng chỉ rộng từ 0,1 đến 0,5ha;
Nguyên nhân thứ ba đó là khả năng đầu tư của các chủ hộ người sản xuất lúa ở ĐBSCL còn thấp. Để đầu tư một máy gặt đập nhập ngoại giá năm 2007, trung bình phải chi từ 180.0 đến 200.0 triệu/đồng/máy. Đối với máy sản xuất trong nước, tuy giá có thấp hơn những cũng phải từ 120.0 đến 160.0 triệu đồng/máy. Đây là những con số quá lớn đối với thu nhập thực tế và khả năng đầu tư của các hộ nông dân ở ĐBSCL. Một số địa phương như tỉnh Long an, Tiền giang, Vĩnh long, Cần thơ... chính quyền đã có chính sách cho nông dân vay vốn hoặc hỗ trợ lãi xuất vay ngân hàng. Nhưng số lượng vốn hỗ trợ còn thấp và việc giải ngân các chương trình hỗ trợ còn chậm...
Tổ chức khuyến khích nông dân sản xuất lúa liên kết trong đầu tư khai thác có hiệu quả các máy móc cơ giới cũng còn là hạn chế. Hiện nay ở ĐBSCL có đến trên 100 ngàn tổ nhóm nông dân liên kết (Chu Thị Hảo và CS; 2005) trong đầu tư mua bán phân bón, vật tư nông nghiệp, làm đất và tiêu thụ sản phẩm... nhưng chúng ta chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư và quản lí tập thể các nông cụ, máy móc đắt tiền.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác hạn chế khả năng mở rộng cơ giới hóa nói chung và cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa nói riêng ở ĐBSCL như việc thiếu thị trường công nghệ, khả năng cung cấp thông tin về công nghệ cho nông dân còn gặp nhiều hạn chế, tâm lí, tập quán canh tác lạc hậu của một bộ phận người sản xuất chưa được thay đổi. Trong khi đó, công tác khuyến nông chuyển giao KHKT, cụ thể là trình diễn giới thiệu công nghệ chưa được làm rộng rãi, thường xuyên và hiệu quả...
Cơ giới hoá cơ giới nông nghiệp nói chung ở ĐBSCL và cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa nói riêng là công cụ quan trọng để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Phát triển cơ giới hoá nông nghiệp là thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật về phương thức sản xuất, là yếu tố chủ yếu để hiện đại hoá nền nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của nông nghiệp hàng hoá và sản phẩm gạo trong vùng. Hướng tới mục tiêu chung đó, từ tháng 1/ 2009 đến tháng 3/2010, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá thu hoạch lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long”. Hi vọng rằng kết quả thành công của đề tài sẽ góp phần vào việc nghiên cứu các chính sách khuyến khích, thúc đẩy đầu tư cơ giới hoá nói chung, cơ giới hoá với khâu thu hoạch lúa nói riêng ở vùng đất đầy tiềm năng này.
AGROINFO