AGROINFO - Mỗi năm thành phố Hà Nội đã tự sản xuất được khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được 60% nhu cầu về rau xanh trên địa bàn, còn 40% vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Riêng về sản xuất rau an toàn, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu.
Theo báo cáo của chi cục Bảo vệ thực vật ( Sở nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội), đến tháng 10/2009, các cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý được thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu dùng cho rau. Hiện nay, tổng diện tích trồng rau của thành phố đạt gần 11.650 ha. Trong đó chỉ có 2.105 ha trồng rau an toàn và có 5 cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, giám sát sản xuất. Mỗi năm thành phố đã tự sản xuất được khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được 60% nhu cầu về rau xanh trên địa bàn, còn 40% vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Riêng về sản xuất rau an toàn, Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 14% nhu cầu.
Khan hiếm rau sạch
Ngày 23/10, tại cuộc họp của Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố Hà Nội, chi cục cho biết, từ đầu năm 2009 đến nay, tình hình vi phạm trong buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn khá phức tạp.
Chi cục đã lấy 65 mẫu rau, quả ở nơi trồng và trên các sạp rau tại Hà Nội kiểm nghiệm và phát hiện 10 mẫu có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Khi thanh, kiểm tra 67 nơi buôn bán loại thuốc này, phát hiện 30 trường hợp vi phạm.
|
Rau sạch Hà Nội còn khan hiếm |
Tính đến tháng 10/2009, đã có 30 trường hợp vi phạm kinh doanh thuốc bảo quản thực vật bị xử phạt. Ngoài ra, có 10 mẫu rau có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép tới 8,7%. Các đơn vị, cá nhân vi phạm đã bị xử lý bằng cách được “nhắc nhở” dưới dạng văn bản.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật, cho biết, trên địa bàn còn nhiều cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật chưa có chứng chỉ hành nghề.
Theo bà Hoa: “Những loại thuốc bảo vệ thực vật này đều nằm ngoài danh mục được cho phép sử dụng trên rau, chủ yếu nhập lậu về Việt Nam từ Trung Quốc”. Hoạt động này đang diễn ra phức tạp, làm công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, khiến ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường thuốc bảo vệ thực vật và tình hình sử dụng các loại thuốc trên đối với hơn 40 loại rau trên địa bàn thành phố.
Thống kê và theo dõi của Chi cục bảo vệ thực vật TP Hà Nôi cho thấy, trong khoảng gần 2 năm trở lại đây không phát hiện thuốc bị cấm được phun trên rau. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng thuốc nhập lậu nằm ngoài danh mục cho phép trên các loại rau vẫn diễn ra.
Thậm chí, có nhiều hộ sử dụng cùng lúc từ 2 đến 3 loại thuốc trong 1 lần phun, khiến tình trạng lãng phí và ô nhiễm càng trở nên trầm trọng. Đối với các loại quả ăn như dưa chuột, đậu đũa vẫn còn phổ biến việc các hộ trồng rau không đảm bảo cách ly với thuốc hóa học đúng quy định, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng rau và sức khỏe người tiêu dùng.
Tăng nguồn cung rau sạch cho thành phố Hà Nội
Trong khi thuốc bảo vệ thực vật đang được nhập lậu và sử dụng một cách khó kiểm soát thi hiện này, nhân lực kiểm tra của chi cục bảo vệ thực vật cũng như trang thiết bị phân tích chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn rất hạn chế.
Toàn thành phố Hà Nội có 875 tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với 74 công ty và 801 cửa hàng nhưng chỉ có 7 cán bộ làm công tác thanh kiểm tra. Trong số 801 cửa hàng trên, mới có 496 cửa hàng được cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Hơn 300 cửa hàng còn lại chưa được cấp chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề.
Đó là chưa kể đến việc mỗi lần cần xét nghiệm phân tích chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, chi cục đều phải đi thuê bên ngoài.
Để giảm bớt gánh nặng quản lý và hạn chế số lượng cũng như mức độ ảnh hưởng của rau không an toàn đối với sức khỏe người dân, dự án rau sạch của thành phố đã ra đời. Tuy nhiên, các đơn vị triển khai dự án suốt ngày kêu lỗ và tỏ ra không mặn mà bởi rau sạch an toàn được sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, không có chiến lược cụ thể và hợp lý để có chỗ đứng trên thị trường.
Mục tiêu đề ra là từ nay đến năm 2010, Hà Nội sẽ duy trì đầu tư diện tích trồng rau hiện có, quản lý và giám sát chặt chẽ hơn 2.000 ha rau an toàn. Đồng thời, thành phố cũng chú trọng phát triển diện tích rau an toàn ở các vùng sản xuất tập trung nhằm nâng cao diện tích rau an toàn lên 2.400 – 2.5000 ha, đáp ứng trên 16% nhu cầu của người tiêu dùng thành phố.
Hi vọng bài toán về rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ dần được thành phố Hà Nội khắc phục trong thời gian tới đây.
AGROINFO