Giới thiệu về mô hình giám sát nông hộ của IPSARD

30/10/2009

AGROINFO - Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (RUDEC/IPSARD) đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một hệ thống giám sát nông hộ...

Giới thiệu chung về mô hình

Hiện nay nhiều nguồn dữ liệu về sản xuất của hộ đã được thu thập, nhưng các nguồn thông tin này hoặc là quá tổng hợp hoặc là chỉ tập trung vào 1 lĩnh vực riêng biệt nên khó sử dụng trong xây dựng các mô hình dự báo ảnh hưởng của chính sách đến sản xuất của hộ. Để giải quyết khó khăn này, dự án “Hỗ trợ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn ARD SPS giai đoạn 2008-2012”, hỗ trợ thử nghiệm xây dựng hệ thống giám sát nông hộ tại 2 tỉnh dự án nhằm thu thập thông tin thường xuyên về phản ứng của hộ nông dân đối với các chính sách nông nghiệp và thông tin về các hoạt động hỗ trợ của dự án cho nông hộ.

Trong khuôn khổ dự án, Trung tâm PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (RUDEC/IPSARD) đã xây dựng và triển khai thử nghiệm một hệ thống giám sát nông hộ, thu thập định kỳ thông tin về hoạt động kinh tế của hộ nông thôn, đại diện những hệ thống canh tác cơ bản gắn với từng tiểu vùng sinh thái tại địa bàn điều tra (Đăk Lăk và Lào Cai).

Các thông tin này được sử dụng và cung cấp cho các đơn vị nghiên cứu của IPSARD tiến hành các mô hình mô phỏng kinh tế nông hộ phục vụ cho phân tích chính sách, đánh giá tác động của chính sách lên hoạt động kinh tế của nông hộ.. Nguyên tắc chính của phương pháp này dựa trên đánh giá ảnh hưởng của chính sách giá đến chi phí và lợi nhuận thu được trong sản xuất nông nghiệp, việc phân tích số liệu hạch toán ngân sách của cây trồng vật nuôi để tìm ra đâu là nguồn gốc chính sách tạo nên sự biến động trong lợi nhuận của hộ nông dân.

Phương pháp

Kiểm tra gián tiếp và trực tiếp.

Kiểm tra gián tiếp thông qua điện thoại, trao đổi với cán bộ cơ sở, hộ nông dân, các tác nhân cung cấp tin khác.

Kiểm tra trực tiếp trên thực địa. 2 tháng 1 lần, cán bộ giám sát sẽ kiểm tra tình hình thực địa. Việc kiểm tra này chỉ mang tính chất đại diện, ngẫu nhiên. Như vậy, năm 2009 mỗi cán bộ giám sát có 6 lần trực tiếp tại thực địa.

Mỗi cán bộ sẽ giám sát hoạt động thường xuyên tại 1 huyện. Như vậy có 4 cán bộ giám sát .

Kiểm tra, giám sát của chủ trì hoạt động

Ngoài việc giám sát thường xuyên này, chủ trì hoạt động sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá sự vận hành của hệ thống tại địa phương. Việc kiểm tra, giám sát này được thực hiện định kì 6 tháng 1 lần và kiểm tra bất thường khi có các vấn đề cần giải quyết ở thực địa.

Ghi chép thông tin của hộ nông dân

Mỗi tuần 01 lần, cán bộ cơ sở sẽ phỏng vấn hộ nông dân và ghi chép thông tin vào phiếu đã thiết kế sẵn.

Tổng hợp và điền vào phiếu tổng hợp thông tin

Dựa trên thông tin ghi chép do cán bộ cơ sở ghi chép, cán bộ tổng hợp thông tin và điền vào phiếu tổng hợp thông tin (theo mẫu qui định). Cán bộ tổng hợp kiểm tra và hỏi bổ sung các thông tin nghi ngờ thiếu chính xác hoặc chưa được ghi chép.

Như vậy, thông tin liên quan đến hộ trong 4 tháng sẽ được tổng hợp 1 lần. Năm 2009 sẽ có 3 phiếu tổng hợp thông tin cho mỗi hộ.

Cập nhật và tạo cơ sở dữ liệu

Các phiếu tổng hợp 4 tháng/lần sẽ được cập nhật tại Hà Nội theo chương trình nhập dữ liệu ACCESS đã được xây dựng năm 2008. Việc cập nhật dữ liệu sẽ do 4 cán bộ của IPSARD đảm nhiệm. Mỗi cán bộ cập nhật dữ liệu của 1 huyện.

Sau khi dữ liệu các huyện được cập nhật, cán bộ giám sát nhập dữ liệu của RUDEC sẽ kiểm tra việc nhập dữ liệu đảm bảo dữ liệu được nhập chính xác và đầy đủ theo thông tin ghi trong bảng hỏi và chương trình nhập dữ liệu.

Dữ liệu sau khi được kiểm tra sạch sẽ được ghép nối, tạo cơ sở dữ liệu sẵn sàng và thuận lợi cho việc sử dụng. Cơ sở dữ liệu sẽ được định dạng ở tệp STATA.

RUDEC/IPSARD


Tin khác