Quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc - vấn đề còn nhiều bất cập

30/10/2009

AGROINFO - Hiện nay, lượng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc vào nước ta đang ngày càng nhiều. Tuy nhiên, kiểm soát chất lượng của nguồn hàng này đang là vấn đề khó khăn cho các cấp quản lý. Chúng tôi đã có trao đổi với Thạc sỹ Vũ Thị Kim Mão, chủ nhiệm đề tài khoa học: "Nghiên cứu thực trạng về quản lý chất lượng, công tác vệ sinh an toàn một số nông sản nhập khẩu chính từ Trung Quốc" về vấn đề này.

Thưa chị, chị đánh giá như thế nào về tình hình nhập khẩu nông sản của nước ta hiện nay?

Hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới đem lại những cơ hội lớn, không thể phủ nhận được trong phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các ngành hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội đi liền với thách thức. Các ngành sản xuất hàng thay thế nhập khẩu trong nước, trong đó có sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, nhu cầu nhập khẩu nông sản cho thị trường trong nước có xu hướng gia tăng nhanh. Nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ cầu. Kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thuỷ sản của Việt Nam hiện nay đạt khoảng 3,7 tỷ USD, mà chủ yếu là các sản phẩm gỗ, các nguyên liệu gỗ, thức ăn chăn nuôi, sữa và các sản phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, lúa mì, bột mì, rau quả….

Thời gian gần đây thị trường xuất hiện nhiều mặt hàng nông sản kém chất lượng, trong đó có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo chị, đâu là nguyên nhân chính?

Thị trường gần đây nổi cộm nhiều vụ án có liên quan đến chất lượng và vệ sinh an toàn đối với hàng nông sản nhập khẩu như vụ sữa nhiễm Melamin, sữa nhiễm khuẩn, chất phụ gia bảo quản rau quả, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Nông sản kém chất lượng được đưa vảo nước ta theo cả 2 đường nhập khẩu tiểu ngạch, buôn lậu và luồng nhập khẩu chính ngạch. Vấn đề chính, theo tôi, đó là do công tác quản lý chất lượng sản phẩm nhập khẩu của nước ta còn non kém, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

                       Liệu đây có phải là những loại quả sạch?

Còn về thị trường Trung Quốc, có phải Việt Nam đang nhập siêu nông sản chủ yếu từ quốc gia này?

Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2008, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc tới 13.4 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, ước tính cả năm có thể lên tới trên dưới 17 tỷ USD. Riêng với các mặt hàng rau quả, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng từ 30.9 triệu USD năm 2001 lên đến 80.2 triệu USD năm 2005. Từ một nước nhập siêu, tiêu thụ đến 50% sản lượng rau quả Việt Nam, nay Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu rau quả với kim ngạch luôn xuất siêu vào Việt Nam.

Cụ thể với mặt hàng rau quả, thực trạng này ra sao?

Trong số các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Trung Quốc, rau quả là những sản phẩm khá phổ biến trên thị trường Việt Nam. Đây là nông sản phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng trực tiếp, thuộc loại hàng hoá khó bảo quản và mau hỏng. Vì thế, hiện tại, vấn đề quản lý chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) lại càng trở nên phức tạp hơn.

Nhất là hiện nay, nước ta chưa có cơ quan nào đánh giá dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau quả. Bộ nông nghiệp chỉ chịu trách nhiệm kiểm dịch về dịch bệnh, sâu bệnh hại. Còn kiểm tra dư lượng thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, bảo quản, thì chưa có đơn vị chuyên trách.

Gần đây, khi xuất hiện nhiều vụ việc về VSATTP, báo chí, người tiêu dùng quan tâm nhiều thì các cơ quan, bộ phận liên quan mới thành lập đoàn liên ngành để lấy mẫu test.

Lựa chọn đề tài “Nghiên cứu thực trạng về quản lý chất lượng, công tác vệ sinh an toàn một số nông sản nhập khẩu chính từ Trung Quốc”, chị hướng tới mục tiêu nghiên cứu nào?

Nhóm nghiên cứu đang trao đổi, phân tích tài liệu
Với đề tài này, nhóm tác giả mong muốn đề xuất chính sách cho việc tăng cường hoạt động quản lý chất lượng và VSATTP hàng nông sản nhập khẩu nói chung, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng.

Và trên thực tế, tôi thấy rằng có rất nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là quả táo, có thể để đến hàng tháng trời cũng không bị hỏng. Nhưng qua nhiều đợt tổng kiểm tra, nhiều nhà khoa học vẫn kết luận rằng các kết quả xét nghiệm nhiều trường hợp như thế đều dưới ngưỡng cho phép hoặc không phát hiện chất độc hại. Nguyên nhân có thể là do máy móc chưa hiện đại, do trình độ cán bộ kiểm tra còn hạn chế hay thực sự đó là rau quả sạch. Đề tài cũng mong muốn làm sáng tỏ được điều này…

Theo dự kiến, đề tài sẽ hoàn thành vào tháng 12/ 2009, thực hiện ở 3 tỉnh Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai. Do những hạn chế nhất định về thời gian, kinh phí….nên đề tài cũng mong gợi mở thêm hướng tiếp cận cho các nghiên cứu khoa học liên quan trong thời gian tiếp theo.

Về phương pháp thực hiện, đề tài có hướng tiếp cận nào để phù hợp với mục tiêu nghiên cứu, với giới hạn về không gian và thời gian trên?

Nghiên cứu sẽ được thực hiện chủ yếu dựa vào các cách tiếp cận theo “nhu cầu”. Hai hướng nghiên cứu cơ bản dựa trên các phân tích định tính sẽ được tiến hành là:

- Nghiên cứu “trong phòng” (desk studies): gồm các nghiên cứu về lý luận trong quản lý chất lượng VSAT đối với nông sản…

- Nghiên cứu tại thực địa (Field research): nhằm đánh giá khả năng thực hiện các quy định, nội dung của chính sách đã được ban hành tại cơ sở.

Với hướng nghiên cứu này, đề tài sẽ dựa trên phân tích thực trạng của những yêu cầu thực tiễn đối với việc quản lý chất lượng VSATTP. Từ đó, lấy làm cơ sở để đối chiếu với thực trạng công tác quản lý chất lượng VSATTP trong nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc để phân tích những hạn chế của hoạt động này.

Vâng, xin cảm ơn chị. Hi vọng rằng đề tài sẽ đưa ra một cách nhìn nhận tổng quan hơn về vấn đề VSATTP đang rất bức xúc hiện nay. Chúc đề tài thành công!

AGROINFO


Tin khác