AGROINFO – Đây là phản hồi của người nông dân về tác động của các hoạt động báo chí truyền thông đối với đời sống của họ, được ghi nhận trong tác phẩm “Truyền thông nông nghiệp – nông thôn – nông dân”…
Lê Văn Hán (thôn An Duyên, Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội. ĐT: 0915 433 546) : Trong giới làm ăn, nếu một người có thông tin sớm hơn người khác thì có thể kiếm bạc tỷ, ai thiếu thông tin thì sẽ trở nên lạc hậu.
Nhưng từ khi dịch cúm gà xảy ra, thì các trang trại rất sợ thông tin, vì mỗi khi đài báo nói về dịch bệnh hay công bố có dịch thì lại có hàng loạt các trang trại bị phá sản, mặc dù gia súc gia cầm của họ không có bệnh. Phần lớn khán giả và bạn đọc của đài báo chẳng hiểu biết gì về thú y, dịch bệnh, nên họ sẽ làm theo đài báo như một cái máy. Khi nghe đài báo nói về dịch cúm, lập tức ngày mai sẽ không ăn thịt gà và những chế phẩm có liên quan, mặc dù được chế biến từ mấy tháng trước. Nỗi bất hạnh lập tức đổ lên đầu những con gà vô tội và ông chủ của nó. Trang trại dựa chủ yếu vào vốn quay vòng từ bán thịt ra để mua thức ăn gia súc vào, trại nhỏ thì mỗi ngày cần 10 triệu đồng, trại lớn thì cần hàng trăm triệu. Chỉ cần ế hàng 1 tháng thì hụt vốn lên đến vài tỷ đồng. Có người bỏ gia súc gia cầm chết đói, rồi làm thịt gà lớn cho gà bé ăn để cầm cự.
Nên tôi thiết nghĩ đài báo hãy cẩn thận khi đưa những thông tin mang tính chất nhạy cảm như dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm ra trước công chúng và phải làm thế nào cho những người có trình độ văn hoá thấp nhất cũng hiểu được tận gốc vấn đề, tránh gây thiệt hại kinh tế của nhà nước và nhân dân.
|
Trang trại sợ thông tin, điều đó cho thấy truyền thông cho nhà nông còn nhiều bất cập... Ảnh minh họa: Internet |
Nguyễn Khắc Minh
, (SN 5, ngõ 46, đường Nguyễn Gia Thiều, khối Xuân Trung, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An, SĐT: 038 3524 325): “Gia đình tôi đã bao đời nay sống và làm ruộng. Hiện gia đình tôi đã mở rộng sản xuất, chăn nuôi và dịch vụ, thu hoạch hàng năm lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhưng sau khi trừ đi chi phí rồi thiên tai dịch bệnh thì chẳng còn được là bao, đời sống vẫn còn thấp.
Điều tôi muốn bày tỏ rằng: Khi có dịch bệnh xảy ra với gia súc gia cầm thì thông báo ngay cho cán bộ thú y các cấp để cán bộ xuống hộ chăn nuôi giúp phòng trừ. Không nên thông báo trên các kênh TV, loa đài, báo chí, nhiều lần thông báo dịch nhưng nạn dịch vẫn còn ở đâu đâu, không phải địa bàn mình nhưng người dân nghe được thì lập tức dừng không mua sản phẩm. Tư thương nghe được, ép giá làm cho nông hộ ứ đọng. Nông dân lại phải chịu thiệt đơn thiệt kép”.
AGROINFO (Theo tác phẩm Truyền thông NN-NT-ND của tác giả Phạm Hoàng Ngân)