AGROINFO - Bắt đầu từ ngày 10/11, Hà Nội sẽ kiểm tra rau an toàn bán trong các siêu thị trên địa bàn thành phố. Theo Chi cục bảo vệ thực vật Hà Nội, công tác kiểm tra sẽ do chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện. Nếu phát hiện các loại rau này không đủ tiêu chuẩn theo quy định sẽ rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh rau an toàn của cơ sở kinh doanh.
Thực tế “rau sạch” hiện nay
Theo ước tính chung, hiện nay, tổng diện tích trồng rau của Hà Nội đạt gần 11.650 ha, trong đó chỉ có 2.105 ha trồng rau an toàn và có 5 cán bộ kỹ thuật chỉ đạo, giám sát sản xuất. Mỗi năm thành phố đã tự sản xuất được khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được 60% nhu cầu về rau xanh trên địa bàn, còn 40% vẫn phải nhập từ các địa phương khác. Riêng về sản xuất rau an toàn ở Hà Nội mới chỉ đáp ứng 14% nhu cầu.
|
Hiện nay nguồn cung rau sạch vẫn còn hạn chế (Hình ành: baodatviet.vn) |
Việc sản xuất rau an toàn cho năng suất thấp và chi phí cao hơn nhưng trong thực tế nhiều hộ lại phải bán như giá rau thường; vì vậy một bộ phận người sản xuất đã chạy theo lợi nhuận, không tuân thủ theo quy trình sản xuất khiến người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng rau an toàn. Mặt khác, việc phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn còn thiếu gắn kết đã khiến những mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố ngày càng thu hẹp.
Sản xuất rau an toàn, khó hay dễ?
Rau là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam. Rau mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ, thẩm mỹ…của con người. Và để đảm bảo rau có chất lượng tốt nhất, người tiêu dùng luôn muốn được sử dụng rau sạch, rau an toàn. Cái tốn kém đầu tư cho rau an toàn nằm ở việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với nhà nylon, hệ thống tưới phun và kỹ thuật chăm sóc bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều theo quy trình sản xuất rau an toàn, rau sạch. Tất cả đều cần đầu tư. Với một ngành nông nghiệp, chịu nhiều tác động của thời tiết và rủi ro khác, chúng ta không dám mơ tưởng tới sự bùng nổ của "nông nghiệp sạch."
Muốn sản xuất rau sạch, các hộ nông dân phải nghiên cứu, tìm hiểu tình hình thực tế, học công nghệ sản xuất từ các Viện nghiên cứu rau quả về các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đơn giản, để chọn giống rau có năng suất tốt và chất lượng cao, người nông dân cũng phải học. Do nhiều vùng trồng rau sạch còn nhỏ lẻ, manh mún, nên việc cán bộ hướng dẫn cụ thể cho các hộ nông dân còn gặp nhiều khó khăn.
Việc duy trì niềm tin của thị trường và hệ thống phân phối cũng không phải là điều dễ dàng. Cần cả một chiến lược, với sự đầu tư dài hạn về thời gian, kinh phí... Nhà kinh doanh còn phải làm công việc của các chuyên gia côn trùng học không chuyên để hiểu rõ chu kỳ sinh trưởng-phát triển của mỗi loại côn trùng để có phương pháp ngăn chặn, đẩy lùi các loại bọ có hại.
Và chung quy lại, việc đầu tư cũng không hề ít tiền. Chỉ việc theo dõi lý lịch cây trồng cũng ngốn cơ man nào là công sức. Doanh thu trên một héc-ta đầy mồ hôi, công sức, rủi ro và suy tư đó là 70 triệu đồng/năm trở lên. Cao gấp 4 lần so với phương pháp trồng rau thông thường, tốt cho sức khỏe, nhưng so với các ngành kinh doanh khác thì thu nhập từ nông nghiệp thực sự không làm cho các nhà đầu tư mặn mà. Phần nào là vì một phần chi phí công sức đã chưa hạch toán đầy đủ theo phương thức hạch toán công nghiệp.
Hệ thống phân phối rau sạch, liệu đã thực sự thuận lợi cho người dân?
Hiện nay, chi phí để trồng một sào rau an toàn cao hơn 30% so với trồng rau thường, nhưng giá bán rau thành phẩm lại không cao hơn ở mức tương ứng.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Triệu Thị Hoa cho biết người sản xuất rau an toàn chỉ cần bán cao hơn rau truyền thống khoảng 3% là chấp nhận được; trong khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng mua cao hơn rau truyền thống khoảng 5 - 10%. Chúng ta đã biết đến nhiều thương hiệu rau sạch có tiếng như Ánh Dương, Xuân Hương, Vân Nội, Xuân Hương…Nhưng người nông dân trồng các loại rau này vẫn chưa hoàn toàn chủ động được đầu ra. Người nông dân cần bán, người tiêu dùng cần dùng. Vậy tại sao họ vẫn chưa gặp nhau? Vấn đề nằm ở khâu lưu thông, phân phối chưa ổn, chưa tạo được niềm tin vững chắc về chất lượng rau an toàn trong người tiêu dùng...
|
Vấn đề phân phối rau quả sạch vẫn còn bất cập( Hình ành: thongtintonghop.com) |
Theo một điều tra không chính thức của ngành bảo vệ thực vật Hà Nội, có tới 80% người tiêu dùng sẵn sàng mua rau an toàn nếu thực sự tin đó là rau an toàn 100%. Thế nhưng, các nhà sản xuất, phân phối vẫn thiếu cách làm bài bản, công phu để đáp ứng yêu cầu này của “thượng đế“.
Người nông dân cần sự hỗ trợ kịp thời
Hiện nay thành phố đang triển khai Đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn toàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2015”. Đề án này sẽ khắc phục được những tồn tại, khó khăn trong lĩnh vực sản xuất rau an toàn của Hà Nội thời điểm hiện tại. Theo đó, từ nay đến năm 2010, Hà Nội duy trì đầu tư diện tích trồng rau hiện có, quản lý và giám sát chặt chẽ hơn 2.000 ha rau an toàn. Đồng thời thành phố sẽ chú trọng phát triển diện tích rau an toàn ở các vùng sản xuất tập trung nhằm nâng diện tích rau an toàn lên 2.400-2.500 ha, đáp ứng trên 16% nhu cầu tiêu dùng.
Dự kiến, đến năm 2015, Hà Nội sẽ phấn đấu để có được 5.000-5.500 ha rau an toàn, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu của người tiêu dùng thành phố. Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố sẽ phân công cán bộ kỹ thuật quản lý, giám sát để bảo đảm chất lượng rau an toàn.
Các vùng sản xuất rau an toàn tập trung, ưu tiên các vùng ven sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy và sông Tích; trong đó, thành phố sẽ lựa chọn những vùng có quy mô lớn, thuộc các huyện như Đông Anh, Mê Linh, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng nhằm đầu tư khép kín tạo thành các vùng rau an toàn trọng điểm.
Để khắc phục một trong những điểm yếu nhất hiện nay là khâu tiêu thụ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Thị Hoa cho biết đề án đưa ra biện pháp thực hiện quy hoạch các chợ đầu mối rau an toàn gắn với các vùng sản xuất lớn và các trục đường giao thông chính. Tùy theo quy mô khu dân cư, Hà Nội bố trí từ 1- 3 cửa hàng bán rau an toàn ở mỗi khu. Tổng số cửa hàng kinh doanh rau an toàn sẽ được hỗ trợ lên đến 520. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp - Phát triển và Nông thôn, muốn tạo đầu ra tốt cho rau an toàn, chủ động hình thành các liên kết ổn định giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ rau với các hợp tác xã, nông dân vùng sản xuất rau an toàn tập trung; phát triển mạng lưới tiêu thụ qua siêu thị, đại lý, cửa hàng bán lẻ có gắn chứng nhận rau an toàn.
Bên cạnh đó sẽ xây dựng, ban hành quy trình sản xuất rau an toàn cho từng loại cụ thể, phù hợp với điều kiện từng vùng; hướng dẫn nông dân thực hiện chặt chẽ các quy trình; tăng cường kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc kích thích để kịp thời ngăn chặn các hành vi gian dối làm bẩn rau an toàn.
AGROINFO