ĐBSCL: Nông dân bỏ lồng, nuôi cá không có lãi

29/10/2009

AGROINFO - Sản xuất thuỷ sản được các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xác định là một trong những ngành mũi nhọn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp – nông thôn và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thởi điểm hiện nay, ở một số tỉnh ĐBSCL như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…, tình trạng bỏ lồng, bỏ ao đang gia tăng do người nuôi không có lãi.

Sản xuất thuỷ sản được các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xác định là một trong những ngành mũi nhọn để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp – nông thôn và là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL. Tuy nhiên, trong thởi điểm hiện nay, ở một số tỉnh ĐBSCL như An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp…, tình trạng bỏ lồng, bỏ ao đang gia tăng do người nuôi không có lãi.

Theo báo cáo thủy sản quí II của Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp nông thôn (AGROINFO), xuất khẩu thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2009 giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Lượng thuỷ sản cho xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

Xuất khẩu thuỷ sản giảm

Tính đến hết tháng 5/ 2009, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tới 10 nước lớn nhất đạt 886,1 triệu USD, chiếm 65,6% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. So với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tới 10 nước lớn nhất (Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Ý…) giảm tới 11,7% (tương đương 117,2 triệu USD). Mặc dù việc xuất khẩu thuỷ sản sang Nga đã được nối lại từ tháng 4/2009 nhưng kim ngạch xuất khẩu sang Nga trong tháng 4 và tháng 5 cũng chỉ đạt 6,4 triệu USD, giảm 69,5% so với cùng kỳ năm 2008, đưa Nga ra khỏi top 10 nước dẫn đầu về xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

               Nhiều hộ nuôi cá ở ĐBSCL phải bỏ lồng, bỏ ao
Có 4 nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm kim ngạch xuất khẩu. Thứ nhất, Suy thoái kinh tế thế giới làm giảm nhu cầu tiêu thụ, nhất là những mặt hàng đắt tiền như tôm và cá ngừ. Thứ 2, do thiếu cá nguyên liệu dùng cho chế biến, giá nguyên liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp mất cơ hội thực hiện rất nhiều đơn hàng. Thứ 3, Truyền thông một số nước như Italia, Tây Ban Nha, Ai Cập, Pháp, New Zealand... đưa tin gây ảnh hưởng xấu đến uy tín hàng thuỷ sản của Việt Nam. Thứ 4, Sự “vắng bóng” của thị trường Nga trong 3 tháng đầu năm cũng ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.

Người dân ĐBSCL bỏ lồng vì nuôi có không có lãi

Từ giữa tháng 9-2009 đến nay, thị trường xuất khẩu khởi sắc, giá cá nguyên liệu tại ĐBSCL tăng khoảng 200 đồng/kg so với cuối tháng 8-2009. Giá cá nguyên liệu loại 1 hiện khoảng 15.200 đồng/kg nhưng trên thực tế, với giá này chỉ lời chút ít nếu như người nuôi cá nắm vững kỹ thuật.. Còn lại, đa phần các hộ nuôi trồng chỉ bán được với giá 14.800 - 15.000 đồng/kg do nguồn cung không đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường xuất khẩu. Theo nhận định chung, với giá mua cá nguyên liệu hiện tại của DN, nếu người nuôi cá được hỗ trợ lãi suất trong gói kích cầu của Chính phủ thì số người huề vốn chỉ khoảng 10%, nhưng có đến 90% bị thua lỗ vì giá thành nuôi đã 14.500 - 15.000 đồng/kg.

Theo điều tra mới nhất của Agroinfo tại 2 tỉnh An Giang và Cần Thơ, chi phí sản xuất trung bình với cá chim trắng là 10.000 đồng/ kg cá thành phẩm, với cá điêu hồng là 16.000 đồng/ kg, cá basa là 14.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán ra lại không cao, cá chim trắng bán 8.200 đồng/ kg, điêu hồng 21.000 đồng/ kg, cá basa 20.000 đồng/ kg. Với giá bán này, người chăn nuôi cá chim đang bị lỗ.

Biểu 1: Biểu đồ so sánh giữa chi phí sản xuất và giá bán ra
của một số loại cá ở An Giang tháng 10/2009
Đơn vị: vnđ/kg
Một số hộ nuôi cá bè tại An Giang cho biết 1 năm họ sản xuất 2 vụ , tính ra đầy đủ cả chi phí, giá thành thì hộ lỗ nhiều nhất lên đến 40- 50 triệu/ năm. Con số này đã bao gồm cả lãi suất ngân hàng.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là do số lượng cá chết do bệnh ngày càng gia tăng. Hơn thế nữa, giá nguyên liệu đầu vào cho các hộ nuôi thủy sản ở địa phương này đang ngày một cao. Với các loài nuôi như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá bốp, cá mú sao, mú đen, cá tra…, việc thiếu hụt nguồn giống đảm bảo đang là vấn đề cấp bách. Các cơ sở sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng đc 10 – 15 % nhu cầu. Có đến 85 – 90 % con giống được nhập từ miền Trung. Do đó đầu vào sản phẩm tăng cao. Theo thông tin mới nhất từ Agroinfo, giá thức ăn chăn nuôi cho cá tra, basa tại ĐBSCL đã chuẩn bị rục rịch tăng giá với mức tăng từ 110 - 210 đồng/kg. Sở dĩ giá thức ăn cho cá tra, basa tăng là do giá các nguyên liệu đầu vào của thức ăn thành phẩm đã tăng rất mạnh từ đầu năm.

Trước thực trạng đó, nhiều hộ chăn nuôi thủy sản nhỏ ở các tỉnh An Giang, Cần Thơ đã phải bỏ nghề, chuyển sang các hoạt động khác. Với nhiều hộ lớn, họ chuyển hướng kinh doanh, mở rộng đầu ra bằng cách tăng nguồn cung cho thị trường trong nước, phát triển các giống cá như cá rô phi, cá diêu hồng… Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua thủy sản ở những địa phương này đang chú trọng việc đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến thị trường nội địa, chú trọng khâu quảng bá thương hiệu mặt hàng thủy sản đối với người tiêu dùng trong nước.

Theo nhận định chung, từ nay đến cuối năm, giá cá tra nguyên liệu khó tăng cao dù nhu cầu ở thị trường nhập khẩu vào mùa Noel, Tết dương lịch 2010 đang tăng, nhưng DN phải giao hàng trước 1 tháng. Do vậy, đến giữa tháng 11 đến hết năm 2009, DN chỉ thu mua để trữ kho và chờ hợp đồng thương mại vào đầu năm 2010. Mặc dù giá xuất khẩu cá thành phẩm tăng so với trước, DN được cấp phép xuất khẩu vào thị trường Nga, EU cũng tăng nhưng chưa thể vực dậy được thị trường vốn trầm lắng thời gian khá dài. Các chuyên gia dự báo, 6 tháng cuối năm 2009, tỷ lệ người nuôi cá tra bỏ ao ở vùng ĐBSCL là 20 - 30% so với đầu năm 2009. Tỷ lệ này sẽ tăng 30 - 40% vào đầu năm 2010, nếu giá cá vẫn đi theo chiều ngang.

AGROINFO


Tin khác