Chưa theo kịp cơ giới hóa nông nghiệp

29/10/2009

AGROINFO - Ngày 17/04/2009, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký, thông qua quyết định 497 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Sau hơn 4 tháng triển khai, thực tế cho thấy ngành cơ khí trong nước vẫn chưa theo kịp để cơ giới hoá nông nghiệp nước nhà.

Ngày 17/04/2009, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký, thông qua quyết định 497 về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn. Đây được coi là giải pháp “vàng” giúp nông dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như việc đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng sau hơn 4 tháng triển khai, những mong muốn này chưa thành hiện thực, khi ngành cơ khí trong nước hiện nay quá lạc hậu, khó đáp ứng được nhu cầu.

Khó khăn không chỉ từ một phía

Sau khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất giúp nông dân vốn vay mua máy móc, thiết bị, các ngân hàng đã tích cực cải tiến quy trình, thủ tục thẩm định dự án vay vốn, giải ngân vốn vay nhanh chóng, kịp thời theo nhu cầu người vay. Tỉnh An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang, TP Cần Thơ… đi đầu trong việc hỗ trợ lãi suất với mức bằng 0 cho 30% giá trị máy đối với cá nhân mua, 70% - 100% giá trị máy đối với các tập thể mua. Đến nay, tỉnh Long An hiện có 1.200 máy gặt các loại (trong đó hơn 100 máy GĐLH), cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt 35%. Năm 2007, tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án 60 tỷ đồng giai đoạn 2008 - 2010 đầu tư cho nông dân mua máy GĐLH và các loại máy đập, sấy lúa, trong đó ngân hàng cho vay 32 tỷ đồng. Hiện tỉnh Đồng Tháp có khoảng 550 máy gặt (43 máy GĐLH), cơ giới 33% diện tích gieo trồng.

Ngành cơ khí chưa theo kịp cơ giới hoá nông nghiệp
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị nông nghiệp cũng có phần khởi sắc so với cùng kỳ năm trước. Điều đó chứng tỏ chính sách kích cầu của Chính phủ đúng và trúng mục tiêu. Tuy nhiên, việc triển khai Quyết định 497 vẫn còn nhiều điều cần bàn, nhất là việc triển khai cho nông dân vay vốn mua sắm thiết bị máy móc, nông cụ sản xuất.

Một trong những nguyên nhân khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này để mua sắm máy móc nông nghiệp là tỷ lệ máy móc nông nghiệp nội địa quá ít ỏi và lạc hậu, công suất nhỏ, giá thành lại cao hơn so với một số chủng loại máy của nước ngoài. Hiện nay cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp, cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp và thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi đó, theo quy định, người nông dân phải mua sắm các loại máy móc, sản phẩm cơ khí trong nước sản xuất mới được hỗ trợ lãi suất thì hiện nông dân tìm mỏi mắt cũng không đâu có, cuối cùng vẫn phải “xài” hàng của Trung Quốc và không được hỗ trợ đồng nào. Theo ông Dương Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Mỹ Đức, do công nghiệp phụ trợ quá yếu khiến thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp trong nước gặp thế yếu trong cuộc cạnh tranh với máy động lực, máy nông nghiệp nước ngoài. Tâm lý nông dân thường lựa chọn hàng ngoại, e ngại dùng hàng nội nên nhu cầu vay vốn mua máy móc, nông cụ thấp. Gần hết tháng 9, mới có vài khách đến Ngân hàng NN&PTNT huyện để vay vốn mua máy móc nông nghiệp.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nhu cầu máy móc nông nghiệp của Việt Nam hiện nay là rất lớn. Nhưng do khả năng cung ứng của các doanh nghiệp trong nước chưa đáp ứng nhu cầu nên máy nông nghiệp nước ngoài mới có cơ hội tràn vào và chiếm lĩnh thị trường. Ông Chu Văn Thiện, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch cho biết, ước tính trên thị trường nước ta hiện có tới 90% máy gặt đập liên hợp ngoại. Số lượng máy sấy nông sản sản xuất trong nước cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu, nhưng cũng dừng lại ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt.

Cần những bước đột phá

Nguyên nhân chính khiến thị trường máy móc, thiết bị nông nghiệp của nước ta bị máy móc nhập ngoại áp đảo trong cuộc cạnh tranh là do ngành công nghệ chế tạo máy nông nghiệp chưa phát triển. Tỷ trọng nguyên liệu phục vụ cho việc chế tạo máy nông nghiệp đa phần là nhập khẩu, nguyên vật liệu trong nước chỉ chiếm từ 10-12%... Cộng các yếu tố này khiến chi phí giá thành sản phẩm đội lên cao, lợi nhuận thấp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cơ khí sản xuất không hiệu quả đã chuyển sang lắp ráp hàng của Trung Quốc. Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trên thị trường hiện nay phần lớn là máy của Trung Quốc, giá thành lại rẻ hơn máy móc nông nghiệp được sản xuất trong nước rất nhiều. Ông Xuân tỏ ý tiếc nuối khi cho rằng, Nhà nước đã dành nhiều sự ưu tiên kích thích, nhưng ngành cơ khí nông nghiệp trong nước vẫn chưa có bước tiến triển.

Ông Lê Phấn Hải, Phó trưởng Phòng Thị trường và Kinh doanh, Tổng Công ty máy động lực và Nông nghiệp (Veam) nhận định, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí trong nước yếu kém, một phần do nhà xưởng, máy móc thiết bị cũ kỹ, chậm đổi mới, mặt khác một số doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận nên chuyển hướng hoặc thu hẹp sản xuất. Trước kia, Veam có 12 đơn vị sản xuất cơ khí, trong đó có một số đơn vị hàng đầu về sản xuất máy móc nông nghiệp như Công ty phụ tùng số 1 (Sông Công, Thái Nguyên) thì đến nay, 8 đơn vị đã chuyển sang cổ phần hóa, phần sản xuất máy móc nông nghiệp đã bị thu hẹp lại đáng kể. Ông Hải phân tích, do sản xuất máy móc nông nghiệp lợi nhuận không cao, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang gia công sản xuất phụ tùng cho các hãng Honda, Toyota…

Nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy sản xuất máy móc nông cụ phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn, rất cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp cơ khí trong nước. Về vấn đề này, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích hơn nữa. Sự bảo trợ cần thiết của Nhà nước, cả về phương diện pháp lý, cũng như về các điều kiện và nhân tố bảo đảm khác sẽ giúp ngành chế tạo máy móc nông nghiệp “bơi được” trong cơ chế thị trường.

AGROINFO


Tin khác