Tác động của khủng hoảng tài chính đối với doanh nghiệp và người lao động

16/10/2009

AGROINFO – Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong hoàn cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, doanh nghiệp và người lao động Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực, nhất là lao động nông thôn nhập cư vào đô thị.

Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngân hàng thế giới và Oxfam Anh cùng phối hợp thực hiện khảo sát nhanh để thu thập những thông tin mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng đến doanh nghiệp và người lao động

Khủng hoảng kinh tế làm cho dòng người từ nông thôn nhập cư vào các đô thị tìm việc làm gặp nhiều khó khăn hơn

Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hiện đang đi vào giai đoạn đỉnh điểm như hiện nay đã và đang có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, qua hai kênh chính là xuất khẩu (bao gồm xuất khẩu hàng hóa, lao động và xuất khẩu tại chỗ là du lịch) và đầu tư trực tiếp nước ngoài, chưa kể đến các kênh khác như kiều hối hay đầu tư gián tiếp.

Những thông tin cập nhật cho thấy tình trạng mất việc làm có xu hướng gia tăng nhanh trong các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như giày da, dệt may, chế biến thủy sản, chế biến gỗ, hay tại các làng nghề với nhiều lao động không có đăng ký đến từ các địa phương khác. Một số phân tích chỉ ra nếu tình trạng mất việc làm chạm ngưỡng nhạy cảm có thể đẩy sự suy giảm kinh tế vào vòng xoáy luẩn quẩn: giảm việc làm dẫn đến giảm thu nhập, điều này dẫn đến giảm chi tiêu làm cho cầu yếu đi, dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải tiếp tục cắt giảm sản xuất dẫn đến việc làm tiếp tục bị cắt giảm.

Trong bối cảnh đó, mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là duy trì việc làm nhằm đảo ngược vòng xoáy luẩn quẩn của suy giảm kinh tế, và việc Chính phủ nhanh chóng đưa vào thực hiện gói kích cầu đầu tiên là rất cần thiết và kịp thời. Tuy nhiên, trong bối cảnh thâm hụt ngân sách, thâm hụt vãng lai cũng như lạm phát gần đây ở Việt Nam rất cao, các chính sách kích cầu cũng cần chú ý đến tiêu chí hiệu quả, tức là làm sao có thể duy trì nhiều việc làm nhất với lạm phát và mất cân đối vĩ mô ở mức thấp nhất có thể. Để thiết kế được những chính sách phù hợp như vậy, cần có được những thông tin về mức độ tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay đến doanh nghiệp và người lao động ở Việt Nam, khả năng chịu đựng và đối sách của họ nếu cuộc khủng hoảng chưa thể kết thúc sớm, hệ thống an sinh xã hội chính thức và phi chính thức tại các địa bàn có nhiều người bị tác động ảnh hưởng v.v… Trong bối cảnh thiếu những thông tin phù hợp và được cập nhật tương đối thường xuyên, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Ngân hàng thế giới và Oxfam Anh cùng phối hợp thực hiện khảo sát nhanh để thu thập những thông tin mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng đến doanh nghiệp và người lao động nhằm cung cấp kịp thời cho các cơ quan hoạch định chính sách và bổ trợ cho thông tin và số liệu của Tổng cục thống kê và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Báo cáo này tóm tắt những kết quả nghiên cứu khảo sát nhanh được tiến hành tại Hà Nội. Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai trên các địa bàn khác và sẽ có những báo cáo cập nhật kết quả nghiên cứu ngay sau khi khảo sát nhanh tại mỗi địa bàn kết thúc.

Phương pháp

Doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm. Ảnh vtc.vn

Đây là cuộc khảo sát nhanh mang tính định tính được tiến hành vào cuối tháng 2/2009 tại Hà Nội, thông qua các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc và thảo luận nhóm sử dụng một số công cụ đánh giá nhanh PRA như đường thời gian và bài tập xếp hạng. Tổng cộng có 105 người tham gia vào cuộc khảo sát, gồm người lao động thuộc khu vực phi chính thức (đứng chờ việc theo ngày tại 5 điểm “chợ lao động” ở Hà Nội), người lao động và chủ doanh nghiệp làng nghề (tại 2 làng nghề nổi tiếng gần Hà Nội là làng gốm sứ Bát Tràng và làng sơn mài Hạ Thái), công nhân nhập cư thuộc khu vực chính thức và các nhà quản lý doanh nghiệp (gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long-TLIP):

Khu vực phi chính thức: tiến hành 3 thảo luận nhóm với 16 người lao động chờ việc theo ngày (trong đó có 3 nữ), và phỏng vấn 9 người lao động (trong đó có 6 nữ).

Làng nghề: phỏng vấn 29 chủ cơ sở làng nghề (gồm 12 doanh nghiệp và hợp tác xã, 17 cơ sở sản xuất qui mô hộ gia đình), 12 người lao động (trong đó có 4 nữ), 6 cán bộ xã, thôn và hiệp hội làng nghề.

Khu vực chính thức: phỏng vấn đại diện công ty quản lý khu công nghiệp Bắc Thăng Long, 4 người quản lý doanh nghiệp, 23 công nhân (trong đó có 18 nữ), 2 cán bộ xã và thôn, 2 chủ nhà trọ quanh khu công nghiệp, và đại diện trường dậy nghề cho công nhân.

AGROINFO (Theo Báo cáo sơ bước đầu kết quả khảo sát nhanh tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu đến doanh nghiệp và người lao động ở Hà Nội, Việt Nam)


Tin khác