Bảo hiểm cây trồng, vật nuôi

15/10/2009

Trong khi bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) hiện gần như bị bỏ trống, một số mô hình “bảo hiểm” cây trồng vật nuôi được người nông dân và doanh nghiệp gây dựng đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Tuy là mô hình tự phát nhưng quỹ bảo hiểm hỗ trợ cho người nuôi bò 60% số tiền sữa bị sụt giảm - ảnh: B.T
Cơn bão số 9 đem theo mưa lớn và lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về người và của tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, mưa lũ đã nhấn chìm và làm hư hại 96.172 ha hoa màu, lúa và ngô; 17.663 con trâu bò bị chết. Đến lúc này, khi các bộ ngành và địa phương đang dồn mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, người nông dân lại chạnh lòng vì gần như ngoài sự hỗ trợ từ chính phủ, các đoàn thể..., họ gần như không hề nhận được sự chia sẻ từ các quỹ bảo hiểm. Ông Lê Đức Thịnh - Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn (Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn) cho rằng, nếu tham gia bảo hiểm cây trồng vật nuôi, khi gặp thiên tai, dịch bệnh, mùa màng thất bát, người nông dân sẽ được bù đắp một phần thiệt hại.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, dù là một nước nông nghiệp với trên 70% hộ gia đình sống bằng nghề nông, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi mà VN được xác định là 1 trong 10 nước gánh chịu nhiều thiên tai nhất thế giới, nhưng BHNN đang bị bỏ trống, người nông dân không có nhiều lựa chọn khi tiếp cận các gói bảo hiểm phù hợp. Tại cuộc hội thảo "Phát triển thị trường BHNN ở VN" diễn ra tại Hà Nội, PGS Đào Văn Hùng - Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội nói rằng, trên toàn quốc hiện mới chỉ có khoảng 1% cây trồng, vật nuôi được bảo hiểm mặc dù trước đây Bảo Việt đã tiến hành bảo hiểm cho cây lúa ở một loạt các tỉnh, thành nhưng sau đó đã không đạt được kết quả như mong muốn.

Nguyên nhân của tình trạng BHNN bị bỏ trống, theo ông Lê Đức Thịnh là do BHNN, nhất là nông nghiệp ở đất nước chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh như VN có độ rủi ro cao, trong khi người dân tham gia bảo hiểm một cách manh mún nên bản thân họ cũng chưa được hưởng lợi nhiều từ các gói bảo hiểm, khiến phần lớn nông dân chưa thực sự mặn mà. Trong khi đó, chính sách và khung pháp lý của Nhà nước về lĩnh vực này còn hạn chế, chưa cụ thể và rõ ràng, chưa khuyến khích được cả người dân và công ty có dịch vụ bảo hiểm tham gia mạnh mẽ.

Nông dân đang tự cứu mình

Trong bối cảnh đó, mới đây, Quỹ bảo hiểm GlobalAgRick Inc đã tiến hành nghiên cứu thử nghiệm BHNN theo chỉ số đối với lũ tại Đồng Tháp và hạn hán ở Đắk Lắk. Quỹ bảo hiểm GlobalAgRick đã chọn mực nước tại trạm thủy văn Tân Châu để làm căn cứ xem xét bảo hiểm, ngưỡng bảo hiểm đối với mực nước tại Tân Châu là 2,8m; ngưỡng dừng bảo hiểm là 3,5m với giá trị bảo hiểm lên tới 1 triệu USD. Người đóng bảo hiểm sẽ được bảo hiểm một phần nào đó của tổng mức thiệt hại dựa trên các chỉ số về mực nước tại Tân Châu. Tương tự, Đắk Lắk, GlobalAgRick Inc đã chọn mô hình tính toán lượng mưa để làm căn cứ bảo hiểm đối với những người dân trồng cà phê, trong đó bảo hiểm sẽ chi trả đền bù thiệt hại bất cứ lúc nào nếu lượng mưa xuống dưới ngưỡng 20 mm trong giai đoạn từ 15.4 - 15.6 hằng năm. Nếu mô hình thành công, được triển khai trên diện rộng người nông dân sẽ có thêm sự lựa chọn và BHNN thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho họ.

Tuy nhiên, đó đang còn là câu chuyện của tương lai. Còn hiện tại, nói như ông Lê Đức Thịnh, trong lĩnh vực BHNN, “người nông dân đang phải tự cứu mình”. Tại xã Tân Lập (H.Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), mấy năm nay đã hình thành “quỹ bảo hiểm xóm”, mỗi hộ nông dân sẽ đóng góp 3% sản lượng thu hoạch sau mỗi vụ mùa để chia sẻ cho các hộ mỗi khi mất mùa, gặp rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh...

Mô hình “bò chết được đền bù gấp 10 lần”

Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cũng đã xây dựng quỹ bảo hiểm vật nuôi cho những nông dân trong vùng nguyên liệu của mình. Ông Trần Công Chiến - Tổng giám đốc - cho biết, nông dân sẽ đóng bảo hiểm cho bò với mức 250 ngàn đồng/con bò, nếu bò chết sẽ được bồi thường gấp 10 lần.

Năm 2008, chứng kiến “cơn bão” melamine tràn tới, khiến người nuôi bò ở nhiều vùng phải đổ bỏ sữa, công ty quyết tâm tổ chức thực hiện bảo hiểm giá sữa để bảo đảm quyền lợi cho người nông dân. Theo đó, khi bán sữa cho công ty, nông dân sẽ trích nộp vào quỹ 50 - 100 đồng/kg sữa, nếu giá sữa tụt giảm 30%, quỹ bảo hiểm sẽ hỗ trợ người nuôi bò 60% số tiền sữa bị sụt giảm để bình ổn giá, chia sẻ trách nhiệm với người nông dân.

Hiện các quỹ này đã có tổng số vốn lên tới 10 tỉ đồng. Và trong 3 năm qua, quỹ đã đền bù cho người chăn nuôi một khoản tiền tương đối khi có tới 672 con bò bị chết. “Dịch vụ bảo hiểm rất tiện lợi, tiến hành chi trả đền bù nhanh chóng với các thủ tục đơn giản và chia sẻ được một phần không nhỏ đối với rủi ro của người dân nên chúng tôi tự nguyện tham gia. Có quỹ, chúng tôi yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh và cảm thấy gắn bó với công ty hơn”, chị Phạm Thị Lịch, một chủ trang trại bò sữa nói.

Ông Lê Đức Thịnh cho rằng, tuy mới chỉ là tự phát, nhưng các mô hình bảo hiểm trên đã đem lại hiệu quả tích cực, cần được nhân rộng trong thời gian tới.

Theo Thanh Niên (Bùi Trần)

Tin khác