AGROINFO - Chính phủ Việt Nam phối hợp cùng Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) chuẩn bị triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh miền núi phía Bắc. Chợ Văn Hán (thuộc xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên ), là một trong bốn tiểu dự án mẫu.
Công ty tư vấn Culpin Planning (sau đây gọi tắt là nhóm tư vấn) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, đang chuẩn bị báo cáo tiền khả thi cho bốn tiểu dự án mẫu.
Là một phần trong công tác chuẩn bị báo cáo tiền khả thi cho các tiểu dự án mẫu này, đại diện của nhóm tư vấn và các cán bộ của Bộ NN PTNT đã tới làm việc tại tỉnh Thái Nguyên vào các ngày từ 19 đến 21 tháng 11 năm 2009, trao đổi và phối hợp với Sở NN PTNT để cùng thực hiện chuyến đi thực địa này.
Đoàn công tác đã có cuộc trao đổi với chủ tịch xã Văn Hán về nội dung này.
Thưa ông, ông có thể nói qua về tiểu dự án mẫu đã được chọn ở Thái Nguyên?
Tiểu dự án mẫu ở Thái Nguyên bao gồm:
Thứ nhất là cải tạo nâng cấp 29 km đường cấp phối đã xuống cấp nghiêm trọng, có nhiều ổ voi và ổ gà trên tuyến đường liên huyện Linh Nham - Khe Mo - Văn Hán - Liên Minh - Tràng Xá nối với quốc lộ 1B và đường 265
Thứ hai là cải tạo nâng cấp Chợ thuộc địa bàn xã Văn Hán huyện Đồng Hỷ (nằm trên tuyến đường nói trên cách UBND xã 1,5 km. Chợ được xây dựng tạm bợ bằng tranh tre nứa lá nay đã xuống cấp và hư hỏng nặng).
|
Chủ tịch xã Văn Hán trao đổi với đoàn công tác |
Nằm trong tiểu dự án của tỉnh, chợ Văn Hán đóng vai trò như thế nào trong việc phát triển đời sống nhân dân địa phương?
Chợ Văn Hán là chợ nông thôn cấp xã, quy mô chủ yếu là phục vụ trao đổi hàng hóa nông sản và vật dụng tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống hộ nông dân trong xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Một số mặt hàng chợ Văn Hán cung cấp là:
- Hàng thực phẩm, lương thực khô (mỳ, bún bánh đa miến gạo khô, nước mắm, gia vị…): 20/80 lều
- Rau quả tươi sống, thực phẩm tươi sống vận chuyển từ chợ thành phố vào tiêu thụ tại Văn Hán. Mặt hàng này được coi là hàng nông sản thiết yếu, do hộ dân Văn Hán không canh tác được rau quả tại chỗ) (bắp cải, khoai tây, cà chua, hành, thịt lợn, cá tươi, cá khô ..): 10/80 lều
- Chè búp sao khô: đây là mặt hàng duy nhất trong chợ Văn Hán là nông sản hàng hóa, có thương lái, chủ buôn nhỏ và lớn đến chợ thu mua và bán lại cho các chủ buôn, cơ sở chế biến ở ngoài Văn Hán (Khe Mo, Linh Nham, Sông Công, Thái Nguyên…). Toàn bộ các hoạt động buôn bán trao đổi chè hiện đang tiến hành ở khu đất ngoài trời, gặp khó khăn thời tiết. Trong các điều kiện thời tiết ẩm ướt, mưa bão, ảnh hưởng trực tiếp đến các giao dịch thương mại của hộ sản xuất và chủ buôn. Mặt hàng này có lưu lượng trao đổi thương mại lớn nhất trong chợ, có sự tham gia vận chuyển của các phương tiện vận chuyển lớn là ô tô tải cỡ nhỏ trọng tải 2 tấn để tập kết và thu gom vận chuyển chè
- Dịch vụ ăn uống: đây là các gian hàng hoạt động nhộn nhịp nhất trong chợ, thu hút lượng khách hàng đa dạng, cả cho người đi chợ, và người bán hàng tại chợ. 10/80 lều hàng ăn
- Quần áo, vật dụng, thiết bị phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân địa phương: 15/80 lều. các hộ kinh doanh ở đây gặp khó khăn chủ yếu về kho hàng hóa và bảo vệ hàng. Mỗi tháng các hộ này tiêu tốn khoảng 300.000 đồng/năm để thuê nhà dân xung quanh chợ để gửi hàng hóa. Do không có kho hàng, việc vận chuyển hàng, dọn hàng mỗi phiên chợ tiêu tốn thời gian nhiều. Thời gian dọn hàng mỗi phiên 4 tiếng/1 ngày (2 tiếng dọn ra, 2 tiếng dọn về). Đối với loại hộ này, có thể áp dụng hình thức cho thuê mặt bằng nền xi măng, và hộ kinh doanh tự nguyện đầu tư xây dựng kios, đi khóa về mở, và ban quản lý chợ cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các hộ kinh doanh này.
|
Chợ Văn Hán đang trông chờ hỗ trợ để cải tạo, phát triển |
Về mặt hàng chè khô, theo quan sát dọc tuyến đường đất từ ngã ba Khe Mo vào Văn Hán, không có điểm thu gom chè tươi cũng như chè khô. Trong Văn Hán không có điểm thu gom chè khô và chè tươi. Vậy chợ Văn Hán là địa điểm chủ yếu để thu gom và tiêu thụ chè trên địa bàn xã?
Hầu hết hộ sản xuất chè Văn Hán bán chè khô tại Chợ Văn Hán, và một số tiêu thụ tại hộ. Ở mỗi chợ có khoảng 10 chủ buôn chè nhỏ, và 2 chủ buôn lớn. Các chủ buôn thu gom chè theo các mức độ khác nhau. Các chủ buôn nhỏ thu gom khoảng 1-2 tạ/ngày, tập kết hàng tại Khe Mo, Linh Nham. Chủ buôn lớn thu gom và cho thuê xe vận chuyển chè cho các chủ buôn nhỏ, mỗi chuyến thu gom khoảng 2 tấn chè/ngày, vận chuyển về Linh Nham và đưa ra Công ty Sông Cầu, Sông Công, Thái Nguyên.
Chợ phục vụ cung cấp hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho cư dân của xã, tạo công việc làm cho phụ nữ, và là nơi tiêu thụ các hàng hóa để huy động tiền mặt cho hộ nhanh khi cần thiết, đảm bảo đời sống hộ hàng ngày. Tôi hi vọng rằng trong thời gian sắp tới, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chợ Văn Hán sẽ được đầu tư, nâng cấp, góp phần vào việc cải thiện đời sống người nông dân.
Vâng, cảm ơn ông vì buổi trao đổi này. Hi vọng chợ Văn Hán sẽ phát triển xứng tầm với sự phát triển kinh tế xã hội của xã.
AGROINFO - Bài và ảnh: Phạm Hoàng Ngân