Tổ chức và nhà khoa học trong nông nghiệp cần được thực sự làm chủ

28/12/2009

Nhằm mục tiêu để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn mới, từ giữa năm 2009 đến nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án thí điểm Một số cơ chế chính sách đặc thù trong hoạt động KHCN của Bộ NN&PTNT...

Nhằm mục tiêu để KH&CN thực sự trở thành động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn mới, từ giữa năm 2009 đến nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng Đề án thí điểm Một số cơ chế chính sách đặc thù trong hoạt động KHCN của Bộ NN&PTNT.TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn trả lời phỏng vấn về vấn đề này

PV: Vì sao Bộ NN&PTNT lại xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù trong KHCN, trong khi các viện nghiên cứu trực thuộc đã chuyển sang hoạt động theo nghị định 115? Phải chăng họ vẫn chưa thực sự được làm chủ?

Mặc dù được sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý, nhưng hầu hết tổ chức KHCN công lập của Bộ trong quá trình chuyển đổi sang hoạt động theo Nghị định 115 đều gặp nhiều khó khăn do NĐ 115 còn những điểm chưa thực sự phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN trong Nông nghiệp; đồng thời có những quy định thiếu đồng bộ với hệ thống các văn bản chính sách hiện hành, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và tổ chức bộ máy, cán bộ. Ví dụ như trong công tác cán bộ, thủ trưởng tổ chức KHCN không được quyết định việc thành lập, sát nhập, giải thể…các bộ phận trực thuộc có con dấu và tài khoản riêng; chỉ cán bộ viên chức mới được bổ nhiệm chức vụ kãnh đạo; cán bộ, viên chức, công chức không được “tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý tổ chức KH&CN”… Về quản lý tài chính, thủ tục thanh quyết toán tập trung vào giám sát chứng từ, hóa đơn, đầu vào, chưa gắn sản phẩm đầu ra; thời gian quyết toán phụ thuộc vào năm ngân sách, đề tài phải hoàn tất vào cuối năm, trong khi đó nhiều nhiệm vụ KH&CN nhất là các đề tài ứng dụng mục tiêu cuối cùng phải là sản phẩm KHCN hoàn chỉnh…nên mặc dù NĐ 115 được coi là khoán 10 trong KH&CN nhưng các tổ chức KHCN trong nông nghiệp vẫn chưa thực sự được làm chủ.

Trước thực trạng này, tại Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH TƯ Đảng khoá X trong lĩnh vực KHCN NN&PTNT, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã đồng ý cho Bộ NN&PTNT thí điểm thử nghiệm tháo gỡ một số vướng mắc về cơ chế, chính sách hiện hành trong hoạt động KH&CN. Từ giữa năm 2009, qua hoạt động thực tiễn của 8 tổ chức KH&CN đã mạnh dạn “phá rào” thực thi một số chính sách, cơ chế mới trong quản lý và đã bước đầu tạo được động lực cho cán bộ gắn nghiên cứu với sản xuất, nhưng họ đã gặp không ít những trở ngại, vướng mắc từ cơ chế cũ, lãnh đạo và cơ quan Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án thí điểm Một số cơ chế chính sách đặc thù trong KHCN của Bộ NN&PTNT để trình Chính phủ.

TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng IPSARD chủ trì cuộc thảo luận thống nhất tờ trình về Đề án giữa 8 đơn vị thí điểm. Ảnh: KG

PV: Vậy mục tiêu chủ yếu của đề án là gì?

Đề án sẽ thí điểm thực hiện một số chính sách mới nhằm vượt qua được những cản trở trong hệ thống cơ chế chính sách hiện hành ở 3 lĩnh vực: Tổ chức bộ máy và cán bộ; Quản lý tài chính và khoa học; Tín dụng, đầu tư và cho vay. Từ đó tạo bước đột phá cho sự phát triển của các tổ chức KH&CN, hiệu quả sáng tạo trong lao động của các nhà khoa học trên tinh thần NĐ 115 và NĐ 80 về doanh nghiệp KHCN.

PV: Theo ông, trong những nội dung thí điểm, nội dung nào có tính quyết định của toàn bộ đề án?

Đó là quyền hạn của tổ chức KH&CN và khoán kinh phí gắn với sản phẩm KHCN cuối cùng. Thủ trưởng tổ chức KHCN được quyết định thành lập, sát nhập, giải thể…các đơn vị trực thuộc, kể cả các đơn vị có con dấu và tài khoản; được thuê người có đủ tiêu chuẩn làm nhiệm vụ quản lý kể cả chuyên gia nước ngoài. Cán bộ của tổ chức KHCN công lập được đóng cổ phẩn sáng lập, tham gia Hội đồng quản trị, làm giám đốc các doanh nghiệp do đơn vị góp vốn sáng lập. Áp dụng cơ chế khoán thực hiện nhiệm vụ KHCN theo thông tư 93 nhưng phải tính đúng, tính đủ dự toán (gồm lương, quản lý phí, giám sát đánh giá, đoàn ra – đoàn vào và chi phí dự phòng); đồng thời dự toán căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành sát với thực tế, gắn với giá thị trường của từng chuyên ngành kỹ thuật cụ thể. Quyết toán không tập trung vào giám sát các khoản chi phí đầu vào theo dự toán, mà chỉ cần đánh giá hiệu quả, chất lượng sản phẩm đầu ra.

PV: Nếu áp dụng cơ chế khoán như vậy thì đề án có đề ra những hình thức chế tài gì đối với những tổ chức khoa học và nhà khoa học vi phạm hợp đồng?

Nếu nhiệm vụ KHCN bị ngừng thực hiện vì lý do chủ quan: chủ nhiệm đề tài, dự án hoàn trả phần kinh phí lương và tiền công được khoán trong vòng 3 tháng sau khi có kết luận của cơ quan quản lý ngừng thực hiện hợp đồng khoán; nhiệm vụ KHCN không được nghiệm thu; chủ nhiệm đề tài, dự án nếu có nguyện vọng được gia hạn 1 namư để hoàn thiện. Trong thời gian gia hạn không cấp thêm kinh phí và nếu sau thời gian đó vẫn không được nghiệm thu, chủ nhiệm phải hoàn trả phần kinh phí lương và tiền công được khoán trong vòng 6 tháng sau khi có kết luận của hội đồng nghiệm thu hoặc đánh giá của chuyên gia độc lập, đồng thời không được tham gia đấu thầu các đề tài, dự án thuộc ngân sách Nhà nước trong vòng 3 năm…

Đây là vấn đề giữa các nhà khoa học và quản lý còn nhiều ý kiến khác nhau.

Lãnh đạo 8 viện thí điểm trong ngành NN ký tờ trình. Ảnh KG

PV: Đâu là những trở ngại trong quá trình xây dựng đề án thí điểm?

Do một số nội dung thí điểm về đổi mới vơ chế chính sách của đề án trái với luật của Chính phủ và một số qui định thuộc thẩm quyền của các Bộ, ngành trực tiếp liên quan ( Bộ tài chính, Bô KH&CN, Bộ Nội vụ…) Nên trong quá trình tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, họ thường đối chiếu với chính các văn bản hiện hành để nói rằng yêu cầu của đề án không phù hợp hoặc đưa ra cách giải thích khác nhau là những vấn đề này đã quy định rồi, cái thiếu chỉ là văn bản hướng dẫn chi tiết, phải đợi chờ cho đến khi các văn bản hướng dẫn ban hành.

Để tháo gỡ được những vướng mắc này, tôi nghĩ chúng ta cần vận dụng bài học kinh nghiệm “phá rào” của dệt Thành Công, Long An cách đây vài chục năm.

PV: Với những vướng mắc như vậy, ông có tin rằng đề án sẽ được phê duyệt?

Suốt 25 năm đổi mới, nông nghiệp liên tục phát triển. Tuy nhiên GDP nông nghiệp liên tục tăng trưởng chủ yếu là nhờ tăng thêm các yếu tố đầu vào (đất, nước, lao động, vật tư…). Trong khi đó đóng góp của KH&CN thông qua chỉ số năng suất tổng thể (TFP) giảm dần do tiến bộ khoa học kỹ thuật tụt hậu. Gần đây giá thành sản xuất ngày càng cao, tăng trưởng nông nghiệp có nguy cơ giảm, cản trở lớn cho tăng trưởng tương lai.

Nguyên nhân hạn chế đóng góp của KHCN là bất cập của cơ chế chính sách quản lý: Chưa phản ánh các nguyên tắc của cơ chế thị trường, mang nặng dấu ấn cảu cơ chế kế hoạch bao cấp. Một số đơn vị nghiên cứu công lập mang bệnh trạng ỷ lại, dựa vào Nhà nước, không quan tâm đến hiệu quả đóng góp giống hợp tác xã nông nghiệp trước đây và nhièu doanh nghiệp quốc doanh gần đây.

Vì vậy cần có những giải pháp đặc thù trong cơ chế chính sách quản lý KHCN trong nông nghiệp và nông thôn, để các tổ chức nhà khoa học được thực sự làm chủ. Từ đó hoạt động KH&CN mới trở thành một trong những động lực quyết định thực hiện thành công mục tiêu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X: tăng tỷ lệ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2,3% ( năm 2007) lên 3,5% - 4% ( năm 2020).

Theo Tia Sáng


Tin khác