“Tam nông” ở Đắk R’lấp

01/03/2010

Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Đảng bộ huyện Đắk R’lấp đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đồng bộ để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp, đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nông dân và phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn…

Những năm trước đây, mặc dù ngành nông nghiệp ở Đắk R’lấp đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn hạn chế, dẫn đến các cơ chế, chính sách đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

 
Nông dân xã Nghĩa Thắng (Đắk R’ lấp) chăm sóc vườn cao su. Ảnh: C.T

Trước tình hình đó, bên cạnh việc đánh giá đúng thực trạng của ngành nông nghiệp, rồi công tác xóa đói, giảm nghèo, kết cấu hạ tầng nông thôn, Đảng bộ Đắk R’lấp đã xây dựng chương trình hành động, đề ra những biện pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Theo đó, cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, gắn với công nghiệp chế biến và dịch vụ ở nông thôn, huyện đã tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nông dân. Nhờ triển khai quyết liệt từ huyện đến cơ sở nên những biện pháp này bước đầu phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển tích cực. Toàn huyện hiện nay đã nâng được tổng diện tích gieo trồng lên gần 37.000 ha, trong đó, cây lương thực, hoa màu: 1.142 ha, cây lâu năm: 35.568 ha. Tổng đàn gia súc có 23.773 con; trong đó, trâu: 240 con, bò: 2.941 con, heo: 18.370 con và dê: 2.258 con. Tổng đàn gia cầm có 242.026 con, tăng gấp nhiều lần so với đầu nhiệm kỳ. Công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, các cấp chính quyền địa phương đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều bon chuyển từ tập quán làm lúa rẫy sang làm lúa nước tập trung cho năng suất cao. Các loại cây trồng mới như chanh dây cho thu nhập cao ngày càng được mở rộng về diện tích. Chỉ tính riêng từ năm 2008 đến nay, huyện đã phát triển diện tích chanh dây lên được 120 ha, hiện đang trong thời kỳ cho thu hoạch, với năng suất bình quân đạt 70 tấn/ha. Để đẩy nhanh việc giảm nghèo, nâng cao đời sống nông dân, tăng thu nhập trên một đơn vị canh tác, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật đầu tư thâm canh, sử dụng các giống mới, giống lai có năng suất cao trong sản xuất… Kết quả là diện tích gieo trồng và sản lượng lương thực tăng lên nhanh chóng; nhiều hộ nông dân đã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ các sản phẩm nông nghiệp. Toàn huyện hiện đã có 79 trang trại được cấp phép, tập trung chủ yếu vào trồng trọt, chăn nuôi, gắn với chế biến. Doanh thu hàng năm từ kinh tế trang trại mang lại khá lớn. Theo thống kê của UBND huyện thì trang trại có thu nhập cao nhất trong năm 2009 là 2,5 tỷ đồng, còn thấp nhất là 120 triệu đồng.

Trong thời gian qua, huyện cũng đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ nông dân sản xuất. Huyện đã đứng ra ký kết với các công ty phân bón giúp nông dân mua phân trả chậm trên 717 tấn. Hội nông dân các cấp cũng thành lập được 31 câu lạc bộ, thu hút 1.150 hội viên tham gia và xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ nhau đầu tư phát triển kinh tế gần 1,1 tỷ đồng. Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bằng các nguồn vốn khác nhau, huyện Đắk R’lấp đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn như điện, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt và các công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã và các thôn; hệ thống điện được kéo đến các thôn, bon; toàn huyện có 37 công trình thủy lợi vừa và nhỏ, đáp ứng được năng lực tưới trên 40%. Trên địa bàn huyện hiện có các nhà máy chế biến tinh bột sắn, mủ cao su khô, hạt điều, sấy mít khô, cơ bản tiêu thụ nông sản cho nông dân và giải quyết công ăn, việc làm cho hàng trăm lao động ở vùng nông thôn. Sắp tới đây, huyện sẽ có thêm hai nhà máy sản xuất nước chanh dây và chế biến hạt điều với công suất lớn. Theo đồng chí Trần Hồng Sơn, Phó Bí thư Huyện ủy Đắk R’lấp thì Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI đã đề ra các mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2006-2010 là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm là 17%; cơ cấu kinh tế là nông-lâm nghiệp, thương mại-dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 16,5 triệu đồng/năm; tổng sản lượng các loại cây công nghiệp, lương thực tăng trên hai lần so với đầu nhiệm kỳ, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%. Với việc thực hiện chủ trương “tam nông”, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng chuyên canh, phát triển thủy lợi và giao thông nông thôn phục vụ sản xuất trong thời gian qua thì việc hoàn thành mục tiêu trên là rất khả quan…

Nguyễn Hải (Báo Đăk Nông)


Tin khác