“Chỉ cần thấy diện tích lúa của gia đình bị dịch hại, nhiều người đến ngay các quầy thuốc bảo vệ thực vật trình bày bệnh với người bán để mua thuốc về phun trị bệnh cho lúa.
Người kinh doanh vì lợi nhuận nên bán, còn với người nông dân thì “tiền mất, tật mang”... Đó là câu chuyện của ông Lò Quang Vinh, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng bệnh cho lúa chiêm xuân hiện nay...
|
Cán bộ Trạm BVTV huyện Điện Biên thăm đồng, kiểm tra sâu bệnh trên lúa chiêm xuân. Ảnh: M.T |
Trong điều kiện thời tiết đang rét đậm rồi chuyển sang nắng ấm khiến cây lúa không kịp thích nghi với khí hậu, dẫn đến hầu khắp các diện tích lúa cấy trà sớm thuộc khu vực lòng chảo Mường Thanh bị vàng lá, khô vằn. Song đó là hiện tượng vàng sinh lý sẽ dần phục hồi nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật mà không phải sử dụng đến một loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Tuy nhiên, do tâm lý “xót của” người dân lại mua thuốc bảo vệ thực vật về phun mà không báo cáo với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn phương pháp phòng, trị bệnh cho lúa. Theo ông Vinh, lúa đông xuân xuất hiện dịch hại là chuyện bình thường, đặc biệt là đối với cánh đồng Mường Thanh hơn 70% diện tích gieo cấy giống lúa bắc thơm số 7 - giống lúa thơm nhạy cảm với các loại sâu bệnh. Điều quan trọng là người dân hiểu được dịch hại đang ở mức độ nào, tỷ lệ là bao nhiêu, sau đó mới xem xét có nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không? Với điều kiện thời tiết vụ đông xuân năm nay nắng ấm hơn so với năm trước, dẫn đến diện tích lúa mắc bệnh khô vằn xuất hiện sớm, đặc biệt là những thửa ruộng sử dụng giống lúa bắc thơm số 7 với mật độ dày. Vì trong điều kiện thuận lợi, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt thì khả năng mắc bệnh khô vằn càng lớn. Với diện tích mắc tỷ lệ nhẹ, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun cho lúa (với hầu hết các loại thuốc bảo vệ thực vật mới) có tỷ lệ phân bón lá nhất định, khi phun phòng dịch hại khiến cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh hơn, khiến mức độ nhiễm bệnh càng nặng. Do đó, người dân nên tìm hiểu lúa mắc bệnh với tỷ lệ bao nhiêu thì nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Vụ đông xuân năm 2009 – 2010, huyện Điện Biên gieo cấy hơn 4.300ha; trong đó khu vực lòng chảo Mường Thanh gieo cấy gần 3.600ha. Theo các cơ quan chức năng: Trong điều kiện thời tiết nắng nóng và tiếp tục diễn biến phức tạp, dự kiến thời gian tới một số loại dịch hại xuất hiện trên cây lúa như bệnh vàng lá, khô vằn, đạo ôn, bệnh bạc lá... Chủ động cùng người nông dân phòng trừ dịch hại trên lúa, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Điện Biên đã phối hợp với cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chủ động kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và phòng trừ dịch hại.
Cơ quan chức năng khuyến cáo: Tránh để tiền mất, tật mang, khi phát hiện dịch hại trên cây trồng, người dân cần tìm đến cơ quan chuyên môn gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ hữu hiệu.
Theo Báo Điện Biên Phủ (Minh Thùy)