Ninh Bình: Điểm sáng thực hiện Nghị quyết tam nông

17/03/2010

KTNT - Là tỉnh thuần nông nên nhiều năm qua, người dân Ninh Bình có thừa kinh nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi, thâm canh, tăng vụ… nhằm hướng tới sản xuất hàng hóa, xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng cao. Điều này càng được khẳng định khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành và đi vào cuộc sống, bộ mặt nông thôn Ninh Bình ngày càng khởi sắc...

Những bước đột phá

Không phải đến khi có Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) Ninh Bình mới đề cao vấn đề này mà ngay từ tháng 4/2006, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 – 2010, định hướng đến 2020.

Chớp lấy cơ hội này, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành một loạt chính sách quan trọng như Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo với công tác giảm nghèo, chính sách việc làm, chương trình giống nông – lâm – thủy sản, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn,… Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 03, Ninh Bình đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà cho việc thực hiện tốt hơn Nghị quyết tam nông.

Điển hình là tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản của tỉnh năm 2009 đạt 2,92%, sản lượng lương thực có hạt đạt 50,3 vạn tấn – con số cao nhất từ trước tới nay. Giá trị kinh tế trên một hecta đất nông nghiệp đạt 67,8 triệu đồng/năm, vượt kế hoạch đề ra trong năm 2009; cơ cấu nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 17,93% GDP của tỉnh.

Trong năm 2009, tỉnh đã cải tạo được 1.256 nhà dột nát, xây mới 415 nhà, sửa chữa 338 nhà nhờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ Nghị quyết giảm nghèo; 82,2% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 56,99%; tỷ lệ cứng hóa đường giao thông từ huyện tới xã, phường đạt 93,5%; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 85%...

Một trong những địa phương làm minh chứng cho những kết quả trên là xã Khánh Cường (huyện Khánh Nhạc), một xã thuần nông nằm cách TP. Ninh Bình khoảng 15km. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tới đây là những cánh đồng lúa xanh rì trải dài tít tắp, những ngôi nhà xây mới khang trang, sạch đẹp, đường liên thôn được trải nhựa và bê thông thẳng tắp. Bộ mặt thôn xóm nơi đây toát lên sự giàu có, sung túc chẳng khác nào một phố huyện.

Ông Bùi Ngọc Ngân, Chủ tịch UBND xã Khánh Cường cho biết: “Không phải tự nhiên mà người ta gọi Khánh Cường là xã giàu của huyện mà vì những năm vừa qua, xã luôn đạt được kết quả cao trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Điển hình là năm 2009, dù gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã vẫn đạt 9,1%, vượt 0,8% so với chỉ tiêu đề ra; sản lượng lương thực đạt 6.493 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,4 triệu đồng/người/năm, trong khi chỉ tiêu đề ra chỉ là 8,4 triệu đồng/người/năm…”.

Đặc biệt, tình hình sản xuất vụ đông tại đây ngày càng phát triển, bởi chỉ cách đây vài năm, người dân Khánh Cường chỉ biết trồng 2 vụ lúa là chính. Sau mỗi vụ gặt, bà con lại bỏ hoang ruộng hàng tháng trời, khiến cỏ mọc um tùm, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa vụ sau. Khi Nghị quyết số 03/NQ-TU về phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010 ban hành, từ chỗ chỉ có vài hecta vụ đông, sau 4 năm (2006 – 2009), xã đã gieo trồng được 301ha, chiếm tới 60% diện tích đất 2 lúa, trong đó rau màu các loại là 29,5ha, ngô 10,7ha, đậu tương trên đất 2 lúa 258,6ha.

Không chỉ có 2 vụ lúa và 1 vụ đông, ở nhiều thôn xóm bà con còn sản xuất được 4 vụ bởi áp dụng những giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, những giống cây trồng nhanh cho thu hoạch như dưa bao tử, ngô lai… Hiện, xã có tới 200ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao, chủ yếu là giống QR1 nhằm cung cấp lúa giống chất lượng cho bà con trong huyện và tỉnh. Vụ đông xuân năm 2010, đã có gần 40 hộ ở 6/21 xóm tham gia sản xuất lúa giống chất lượng cao, hiện lúa đang lên xanh, bà con đang bón thúc cho cây lúa phát triển, hứa hẹn một vụ bội thu.

Điểm nhấn ở xã Khánh Cường trong hành trình thực hiện tam nông, đó là bà con được địa phương hỗ trợ rất nhiều để đẩy mạnh sản xuất. Từ nguồn kinh phí của huyện và xã, với mỗi sào sản xuất lúa giống, bà con được hỗ trợ một phần phân bón và 15.000 đồng; trong sản xuất vụ đông, tỉnh hỗ trợ cống đầu mối và 3kg giống đậu tương/sào, các cây trồng khác tỉnh hỗ trợ 50%. Riêng về thủy lợi nội đồng, ngoài ngân sách của tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, huyện và xã còn hỗ trợ thêm cho bà con 2 triệu đồng/ha. Đây quả là một bước đi mạnh dạn mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Một thành công nữa của Khánh Cường là trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao. 21 thôn đều xây dựng được nhà văn hóa khang trang với mức đầu tư bình quân 120 triệu đồng/nhà văn hóa. Đây chính là nơi những câu lạc bộ chèo, thơ, thể dục dưỡng sinh, bóng chuyền, cầu lông… ra đời và thu hút đông đảo bà con tham gia.

Bí quyết thực hiện tốt tam nông

Khi hỏi làm thế nào để Ninh Bình thực hiện tốt Nghị quyết về tam nông, ông Trần Văn Bách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Bình – đơn vị trực tiếp triển khai nhiều nội dung quan trọng của Nghị quyết 03/NQ-TU của tỉnh cho biết: “Có được những kết quả nổi bật vừa qua là do chúng tôi đã quán triệt tinh thần thực hiện quyết liệt các nội dung của Nghị quyết tới tất cả các địa phương trong tỉnh; thành lập ban chỉ đạo ở mỗi huyện; phối hợp chặt chẽ giữa các ban của Đảng và cơ quan chuyên môn, đài, báo trong việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết… Đặc biệt là tận dụng hiệu quả các chính sách của tỉnh”.

Riêng năm 2009, UBND tỉnh Ninh Bình đã đầu tư 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho 18 dự án thuộc chương trình giống nông – lâm – thủy sản. Hiện, các dự án đã được triển khai nhanh, mang lại hiệu quả thiết thực như Dự án phát triển chăn nuôi giống thỏ ngoại Newzeland; Dự án phát triển nghề trồng nấm ở 5 huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Yên Khánh…, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp từ 1.937 tỷ đồng (năm 2008) lên 2.030,7 tỷ đồng (năm 2009) và tăng giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích từ 56,3 triệu đồng/ha/năm lên 67,8 triệu đồng/ha/năm.

Hiện, toàn tỉnh có 260 HTX nông nghiệp và thủy sản, trong đó có 259 HTX chuyển đổi và thành lập mới, hoạt động theo luật. Tỉnh đã tổ chức tốt 10 lớp bồi dưỡng cho 520 cán bộ HTX về nghiệp vụ quản lý, chính sách nông nghiệp, kỹ thuật trồng lúa cao sản, lúa chất lượng cao, sản xuất vụ đông…

Trong phong trào thi đua xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng trong nông nghiệp và nông thôn, đến nay, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng được 20 công trình cấp nước tập trung với tổng kinh phí đầu tư 190,3 tỷ đồng; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương đạt 85%; 93,5% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa.

Đến hết năm 2009, toàn tỉnh có 155.509 hộ được sử dụng điện, đạt 95% tổng số hộ. Chương trình kiên cố hóa trường học được triển khai tích cực và đảm bảo kế hoạch với tổng số trường chuẩn quốc gia là 271 trường. Công tác y tế phát triển mạnh với 98,6% số xã, phường có trạm y tế, trong đó có 93 trạm có bác sỹ. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư được đẩy mạnh, các mô hình điển hình tiên tiến liên tục được nhân rộng. Đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới ở 7 xã trong toàn tỉnh. Tỷ lệ hộ giàu, khá tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,8%.

Tuy nhiên, điểm yếu của Ninh Bình khi triển khai Nghị quyết tam nông, đó là việc kiểm tra, theo dõi phong trào thi đua chưa liên tục. Có địa phương chỉ phát động phong trào mà thiếu biện pháp kiểm tra, đôn đốc, chưa có nội dung và tiêu chí cụ thể trong từng quý nên việc thực hiện Nghị quyết mới dừng lại ở chỗ hô hào, lý thuyết. Công tác đào tạo nghề cho nông dân chưa đáp ứng được nhu cầu; việc xây dựng mô hình nông thôn mới còn chậm.

Do vậy, năm 2010 tỉnh tiếp tục đôn đốc các ban ngành, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh và Đề án số 15 của UBND tỉnh về giảm nghèo và các chính sách hỗ trợ khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại; tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Phấn đấu đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản lên 3%, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 75 triệu đồng/ha/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 6,5%.

Phạm Khánh (Theo Minh Huệ / Báo Kinh Tế Nông Thôn)


Tin khác