Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đứng đầu ngành nông nghiệp

15/06/2010

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm đạt tốc độ tăng trưởng khá cao do giá cả đã tăng hơn ở một số mặt hàng chủ lực

Báo cáo tình hình hoạt động ngành nông nghiệp 5 tháng đầu năm cũng cho biết, các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam đều tăng trưởng ổn định từ 15-25%, như Nhật Bản tăng 17,8%, Hoa Kỳ là 16,5%, Hàn Quốc tăng đến 19,7% về kim ngạch…

Kết quả là xuất khẩu thuỷ sản 5 tháng đầu năm đạt kim ngạch 1,62 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đứng đầu ngành nông nghiệp (nông sản tăng 7%; lâm sản tăng 9,5%).

Tuy nhiên, tình hình sản xuất ngành thủy sản 5 tháng đầu năm không mấy lạc quan. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản mới đạt 1.883 nghìn tấn, giảm khoảng 1,4% so với cùng kỳ.

Cụ thể, sản lượng thủy sản khai thác 5 tháng đầu năm đạt 1.011 nghìn tấn, tăng 2,1% so với với cùng kỳ năm trước và đạt 42,1% so với kế hoạch cả năm, trong đó khai thác biển đạt sản lượng 196 nghìn tấn, tăng 5,1 % so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 872 nghìn tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm trước và mới đạt 32,9% kế hoạch. 

Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc thủy sản khai thác đạt sản lượng khá là do điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi. Riêng trong tháng 5, ngư dân các địa phương đã tích cực di chuyển đến các ngư trường trọng điểm để khai thác thủy sản. Các nghề khai thác chính đều đạt sản lượng tương đối cao. 

Một số tỉnh đạt sản lượng thủy sản khai thác khá như Quảng Ninh đạt 19.385 tấn, Hải Phòng 19.550 tấn; Đà Nẵng 17.900 tấn; Phú Yên 21.897 tấn, (trong đó cá ngừ đạt 4.285 tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ); Bình Định 56.000 tấn, (cá ngừ là 2.630 tấn); Quảng Ngãi ước đạt 35.728 tấn; Trà Vinh 26.605 tấn…

Về phía thủy sản nuôi trồng, cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người nuôi đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên diện rộng. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, bệnh trên cá và tôm nuôi đã xảy ra ở nhiều vùng trên cả nước. 

Ngoài nguyên nhân khách quan do năm nay thời tiết biến động bất thường, nắng nóng nhiều hơn ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của thủy sản, cũng còn do người nuôi đã không tuân thủ lịch thời vụ, chưa chủ động sản xuất con giống tại chỗ, không qua kiểm dịch...

VnEconomy

Tin khác