Giá cà phê nhân xô thu mua ở các tỉnh Tây Nguyên trong 2 ngày đầu tháng 6 duy trì từ 24.200 – 24.300 đồng/kg, tương đương 1,28 USD/kg, tăng 400 đồng so với tuần trước đó. Đến ngày 09/6, giá đã lên tới 24.400 – 24.700 đồng/kg (1,29 – 1,30 USD/kg).
Hiện tại, người dân cho biết họ không muốn bán ra và sẽ bán nếu giá lên tới 25.000 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu trong những ngày đầu tháng đã bằng mức giá trên thị trường Luân Đôn kỳ hạn tháng 7. Tại cảng Sài Gòn, giá cà phê robusta loại 2, 5% đen vỡ đạt 1.310 – 1.340 USD/tấn, FOB, so với 1.280 – 1.325 USD của những ngày cuối tháng 5.
Đến ngày 09/6, giá xuất khẩu giảm còn trừ lùi 20 – 30 USD/tấn so với giá kỳ hạn tháng 9 tại Luân Đôn bởi giá cà phê thế giới giảm trước dự báo vụ mùa bội thu ở Braxin - quốc gia sản xuất cà phê số 1 thế giới. Dù giảm nhưng giá kỳ hạn tháng 9 cao hơn so với kỳ hạn tháng 7 nên giá cà phê xuất khẩu của nước ta vẫn tăng so với những ngày đầu tháng, đạt 1.345 – 1.355 USD/tấn, FOB.
Hiện tại, các nhà xuất khẩu đang đẩy mạnh thu mua theo kế hoạch mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê của chính phủ. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam nhận định, do được tiếp cận nguồn vốn chậm nên kế hoạch mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê có thể bị phá sản. Tính đến ngày 03/6, các doanh nghiệp mới chỉ mua được 4 – 5.000 tấn.
Trong những ngày qua, các thương nhân nước ngoài không mấy mặn mà và chỉ các công ty thực sự thiếu hàng cho các hợp đồng đã ký mới cố gắng mua vào, bởi theo họ giá hiện tại đang cao (bằng giá thế giới).
Một công ty xuất khẩu có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, “nguồn cung đang hạn chế, và nếu chúng tôi muốn mua hàng từ người dân, chúng tôi buộc phải trả giá cao hơn giá thị truờng.
Hoạt động thu hoạch cà phê ở Việt Nam đã kết thúc từ tháng 1 năm nay và quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới sau Braxin cho biết tính đến thời điểm hiện tại đã xuất khẩu được 70% sản lượng của niên vụ 2009/10. Phần còn lại, người dân vẫn đang dự trữ với hy vọng giá sẽ cao hơn.
Giá cà phê ở thị trường Việt Nam thường tính theo giá cà phê kỳ hạn tại Luân Đôn, đã khiến các nhà xuất khẩu thiệt hại lớn hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khi giá ở thị trường nội địa sụt giảm mạnh hơn so với mức sụt giảm trên thị trường Luân Đôn. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp và các đại lý ký gửi lâm vào tình cảnh vỡ nợ và phá sản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu niên vụ 2009/10 (tháng 10/09 – tháng 5/10), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 840.600 tấn, tương đương 14,01 triệu bao, giảm 5,3% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Mới đây, công ty Business Monitor International (BMI) chuyên giám sát doanh nghiệp quốc tế đã đưa ra nhận định rất lạc quan về triển vọng của ngành cà phê Việt Nam. BMI cho rằng vào năm 2014, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ tăng 23% so với năm 2009, và với việc Chính phủ Việt Nam cam kết nâng cao chất lượng cà phê hạt và hỗ trợ xuất khẩu bằng cách mua cà phê hạt với số lượng lớn từ nông dân, ngành nông nghiệp giữ vị trí quan trọng về mặt kinh tế này của Việt Nam sẽ tăng sản lượng xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2010/11 sẽ tăng 7% so với mức 17,5 triệu bao dự kiến của niên vụ hiện tại, lên 18,7 triệu bao.
Theo Vinanet