Vụ hè thu 2010 này, do tình trạng khô hạn, mặn xâm nhập, một số nơi không thể xuống giống đúng lịch thời vụ. Còn lúa hè thu sớm đang thu hoạch lại đối mặt với nỗi lo tiêu thụ...
Khô hạn và mặn xâm nhập không chỉ khiến lúa hè thu 2010 ở một số vùng xuống giống chậm, mà còn khiến chi phí “đầu vào” tăng.
Tại Trà Vinh – địa phương có kế hoạch xuống giống 82.000ha – thời vụ xuống giống chậm khoảng 15 ngày so với vụ trước. Theo tính toán của bà con nông dân (ND) ở Trà Vinh, chi phí vụ hè thu này có thể tăng 15 - 20% do chi phí nhiên liệu bơm tưới tăng.
Còn ông Lê Văn Dũng và một số ND ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho rằng: Ngoài chi phí bơm tưới tăng, giá các loại thuốc bảo vệ thực vật, giá thuê nhân công cũng tăng. Vì vậy, tuy giá phân bón bình ổn nhưng năm nay chi phí “đầu vào” vụ hè thu vẫn cao hơn vụ đông xuân.
Tại một số vùng ở Trà Vinh, ND còn bị hao hụt lúa giống do thiệt hại khi gieo sạ trong tình hình nắng nóng, khô hạn, phải tốn thêm lúa giống gieo sạ lại. Thời tiết bất lợi khiến một số ND ở Trà Vinh phải áp dụng hình thức sạ khô (không đưa nước vào ruộng, sạ lúa giống không ngâm) phù hợp với tình hình khô hạn, thiếu nước. Tuy nhiên, theo bà con ND ở xã Lương Hòa (huyện Châu Thành), tỉ lệ hao hụt lúa giống khi sạ khô có thể lên đến 30% do chuột và các loại côn trùng khác ăn lúa giống.
Trong khi đó, tại một nơi đã và đang thu hoạch lúa hè thu sớm, ND lại lo khâu tiêu thụ. Sở NNPTNT Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh có 33.000/196.000ha lúa vụ hè thu 2010 thu hoạch sớm trước tháng 6. Sóc Trăng cũng thu hoạch rộ lúa hè thu sớm vào thời điểm này.
Theo TS Lê Văn Bảnh (Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL), tới đầu tháng 6, ĐBSCL đã thu hoạch trên 50.000ha lúa hè thu sớm, năng suất bình quân trên 5 tấn/ha. Ấy nhưng, hiện nay lúa hè thu sớm đã và đang thu hoạch ở ĐBSCL khó tiêu thụ. Theo nhiều ND ở Sóc Trăng, lúa hè thu đã thu hoạch, nhưng ít thấy thương lái đến mua.
Ông Dương Nghĩa Quốc (Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Tháp) cho biết, năng suất bình quân lúa hè thu sớm ở Đồng Tháp lên đến 5,6 tấn/ha, ND đang lo khâu tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, hiện Hiệp hội Lương thực VN (VFA) chưa có chủ trương thu mua tạm trữ lúa hè thu. Nhiều DN kinh doanh lương thực xuất khẩu ở ĐBSCL thì cho biết, hiện kho chứa lúa của họ hầu như đã đầy lúa, tiếp tục thu mua không còn chỗ trữ lúa.
Vài ngày gần đây, ND bớt lo khi giá lúa ở ĐBSCL đã nhích lên, vượt qua mức 4.000 đồng/kg – tức cao hơn mức giá sàn thu mua lúa vụ đông xuân 2009 – 2010 mà VFA đưa ra. Tuy nhiên, theo lịch thời vụ, từ tuần lễ cuối tháng 6 và cả tháng 7, vụ hè thu 2010 tại ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ với sản lượng lúa hàng hóa dự báo lên đến trên 2 triệu tấn. Vài tháng sau, vụ lúa thu đông lại tiếp tục thu hoạch với khoảng nửa triệu tấn lúa hàng hóa.
Nếu việc “giải phóng” kho của các DN kinh doanh lương thực chậm, liệu ND có thể tiêu thụ được lúa hè thu 2010 với giá đảm bảo có lãi 30%?. Hiện nay, giá thành sản xuất lúa hè thu - làm cơ sở tính toán giá sàn thu mua lúa đảm bảo cho ND có lãi - vẫn còn... treo lơ lửng
Theo NLĐ