Lào Cai – tiềm năng phát triển cây lâm sản ngoài gỗ

21/06/2010

AGROINFO - Ở Lào Cai, cây lâm sản ngoài gỗ(CLSNG) đang mang lại việc làm ổn định, giá trị kinh tế cao cho người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Thảo quả - CLSNG  có giá trị kinh tế cao

Thực tế cho thấy CLSNG là những loại cây có giá trị kinh tế cao. Điển hình là cây thảo quả, cây làm giàu của đồng bào vùng cao một số xã huyện Sa Pa, Bát Xát và Văn Bàn. Từ nhiều năm trở lại đây, không ít nông dân triệu phú, tỷ phú của vùng cao vẫn gắn với cây thảo quả. Bài toán đơn giản là 1 ha thảo quả đến tuổi thu hoạch mỗi năm cho năng suất bình quân 250 kg, giá trị kinh tế khoảng 20 triệu đồng. Trong khi đó, danh sách các hộ có diện tích thảo quả lên tới hàng chục ha ngày một dài thêm, nhất là ở Sa Pa, Bát Xát và Văn Bàn.

Đến nay, các ngành chức năng của tỉnh vẫn chưa có con số thống kê chính xác về diện tích, sản lượng thảo quả hàng năm. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng số liệu thống kê sơ bộ của cơ quan chuyên môn cách đây gần 2 năm, khi đó diện tích thảo quả của toàn tỉnh là gần 7.300 ha (hơn 4 nghìn ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.020 tấn/năm, trị giá khoảng 65 tỷ đồng). Thực hiện phép so sánh, sản lượng thảo quả nói trên tương đương với 10 nghìn con đại gia súc (gần bằng 1/2 tổng đàn của huyện Bát Xát hiện nay) và tương đương với hơn 10 nghìn tấn thóc. Khoảng 3 - 5 năm tới, sản lượng thảo quả trên địa bàn có thể tăng gấp 2 lần hiện nay và đó là nguồn lợi không nhỏ đối với kinh tế lâm nghiệp và phát triển nông thôn vùng cao trên địa bàn tỉnh.

 

 
 

Thảo quả - CLSNG  có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Báo Lào Cai)

Cần đẩy mạnh phát triển CLSNG

Thực tế thành công bước đầu cho thấy Lào Cai có tiềm năng rất lớn để phát triển CLSNG. Đến thời điểm này, tỷ lệ tán che phủ của rừng trung bình trên toàn tỉnh đã đạt xấp xỉ 50% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích rừng tự nhiên, loại rừng có tiềm năng lớn nhất để phát triển CLSNG chiếm tỷ lệ khá cao và ngày một lớn hơn. Với loại rừng này khá thuận lợi cho phát triển CLSNG như: thảo quả, sa nhân, đỗ trọng, các cây chế biến thuốc tắm. Đây là tiềm năng CLSNG lớn nhất tại Lào Cai, vừa có giá trị kinh tế cao và điều đáng chú ý hơn là những loại cây này có thể phát triển rộng tại 9/9 huyện, thành phố của tỉnh.

Tại những vùng rừng tự nhiên tái sinh hoặc đất vườn rừng ở vùng thấp, nơi có độ ẩm cao như Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn, điều kiện tự nhiên rất thích hợp để trồng cây luồng Thanh Hóa, loài cây có giá trị kinh tế khá cao. Cây Tống quá sủ vừa là cây lâm sản lấy gỗ nhưng cũng vẫn được xếp vào danh mục CLSNG bởi tính tạo tán hữu hiệu cho phát triển cây thảo quả, sa nhân. Với loại cây này có thể phát triển tốt tại 8 huyện, thành phố (trừ huyện Si Ma Cai hiệu quả ở mức bình thường). Tiềm năng phát triển CLSNG còn phải kể đến các vùng đất trồng  các cây lấy nhựa, lấy quả hoặc lấy vỏ như: quế, trẩu, hồ đào. Có 6/9 huyện, thành phố đang phát triển những loại cây này khá tốt. Trong đó phải kể đến huyện Si Ma Cai, tuy mới trồng thử nghiệm cây trẩu trên một diện tích nhỏ, nhưng mỗi năm vẫn xuất khẩu nguồn hạt mang lại giá trị gần 2 tỷ đồng.

CLSNG phù hợp với điều kiện ở Lào Cai

Do đặc thù văn hóa, điều kiện dân trí mà hiện tượng khá phổ biến tại nhiều vùng cao ở Lào Cai là người dân chủ yếu khai thác CLSNG theo cách tự nhiên. Hiện toàn tỉnh Lào Cai có khoảng 1/2 dân số sống tại vùng cao, số người sống nhờ vào nguồn thu nhập từ lâm nghiệp, lâm sản cũng rất nhiều. Điều không thể phủ nhận là đã có hàng nghìn hộ nông dân làm kinh tế giỏi và là hộ giàu tại khu vực nông thôn, vùng cao trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có yếu tố lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo. Nhưng tài nguyên rừng ngày càng khan hiếm, CLSNG tự nhiên còn số lượng rất hạn chế, kể cả những loại cây mới được khai thác trong một vài năm gần đây như cây dược liệu, cây thuốc tắm phục vụ khách du lịch tại Sa Pa cũng ngày một vơi đi. Nếu không có các giải pháp tích cực bảo vệ và trồng mới thì số CLSNG rồi sẽ không còn đáng bao nhiêu!

Điều quan trọng là ở khu vực chưa phát triển CLSNG, mức độ tác động đến sinh thái rừng ngày một nghiêm trọng hơn. Bắt đầu là việc khai thác gỗ quý, tiếp đó là các gỗ thuộc nhóm cao hơn và cuối cùng là phá rừng làm nương.  Như vậy, bài toán phát triển CLSNG không chỉ hướng đến mục tiêu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến lâm sản, nâng cao giá trị CLSNG. Đồng thời khuyến khích các hộ gia đình, doanh nghiệp đầu tư phát triển rừng gắn với phát triển CLSNG để tăng thu nhập từ rừng, góp phần có hiệu quả bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học hiện nay đang bị suy giảm.

Phát triển CLSNG tuy muộn nhưng cần thiết

Theo tờ trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai trình UBND tỉnh ban hành Quyết định về việc quy định chính sách khuyến khích phát triển CLSNG, trước mắt là giai đoạn 2010 tới 2015. Trong đó, đề cập đến các chính sách liên quan đáng chú ý như đất đai, thuế sử dụng đất, tài nguyên, chính sách đầu tư, tín dụng và chính sách hưởng lợi. Theo đó, nhà nước cần đầu tư khoảng 17 tỷ đồng tiền hỗ trợ nông dân phát triển CLSNG và chính sách này sẽ có tác động trực tiếp đến việc phát triển 5 nghìn ha nhóm cây dược liệu, 5 nghìn ha cây lấy nhựa, quả, vỏ và 5 nghìn ha cây lâm nghiệp tán che và các CLSNG khác. Nếu cơ chế chính sách trên được thực thi trong thời gian tới, sẽ tạo ra động lực quan trọng và môi trường thuận lợi cho bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả CLSNG ở các địa phương trong tỉnh.

Sau nhiều năm phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, song vì những lý do khác nhau thì đến nay CLSNG mới được đặt đúng vị trí và được công nhận về mặt chính sách. Dù là muộn, nhưng đây vẫn là điều cần thiết  để CLSNG phát triển đúng quy hoạch, có định hướng chiến lược để khai thác đúng  tiềm năng, lợi thế của CLSNG trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

 


Lê Huê (Theo Báo Lào Cai)

Tin khác