Lào Cai mở rộng vùng nguyên liệu gắn liền với chế biến nông, lâm sản

17/06/2010

AGROINFO – Những năm qua, Lào Cai đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Đề án Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Thành quả nổi bật của hoạt động này thể hiện rõ trong lĩnh vực chế biến chè búp khô. Trong 2 năm 2008 và 2009, dù kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động nhưng UBND tỉnh Lào Cai đã có những cơ chế và chính sách kịp thời để ổn định vùng nguyên liệu chè. Đến thời điểm hiện tại, giá trị sản phẩm chè đã được nâng lên. Giá bán xuất khẩu bình quân đạt 1,85 USD/kg; giá thu mua chè búp tươi bình quân từ 3.500 - 4.000 đồng/kg. Trên địa bàn Lào Cai hiện có 7 cơ sở chè quy mô lớn với tổng công suất thiết kế trên 100 tấn búp tươi/ngày. Năm 2009, sản lượng chè búp tươi của tỉnh đạt trên 13.000 tấn; đáp ứng được 2/3 công suất thiết kế. Không chỉ phát triển các cơ sở chế biến chè của Nhà nước, các các cơ sở ngoài quốc doanh đã đầu tư một số cơ sở áp dụng công nghệ chế biến tiên tiến, đa dạng hoá sản phẩm, xây dựng thương hiệu từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường, đem lại thu nhập ổn định cho người sản xuất chè trong tỉnh.

 
 Vùng sản xuất chè ở Lào Cai đang được mở rộng (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh vùng sản xuất chè, vùng sản xuất thuốc lá cũng được tỉnh Lào Cai mở rộng. Cây thuốc là đã được UBND tỉnh chỉ đạo đưa vào thử nghiệm thành công trong việc bổ sung cơ cấu cây trồng tăng vụ trên đất màu, đất ruộng và nương đồi, góp phần nâng cao hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, tận dụng nguồn lao động địa phương. Theo đánh giá bước đầu, loại cây trồng này đem lại hiệu quả kinh tế cao, với lợi nhuận đạt được từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Trong năm 2009, tỉnh Lào Cai đã tập trung chỉ đạo thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, giao kế hoạch phát triển; đồng thời lồng ghép các nguồn vốn Nghị quyết 30a, nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, nguồn khuyến công, cùng với doanh nghiệp và người dân đầu tư xây dựng lò sấy. Tính đến đầu năm 2010, số lò sấy thuốc lá cơ bản đáp ứng được sơ chế lá thuốc lá trên địa bàn. Nhờ được địa phương định hướng phát triển rõ ràng, nên các doanh nghiệp và người nông dân đã mạnh dạn đầu tư, hợp tác để trồng, chế biến và tiêu thụ. Đến cuối năm 2009, diện tích trồng cây thuốc lá đạt 250,7 ha, sản lượng đạt trên 600 tấn lá khô.

Để đảm bảo phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến nông, lâm sản, tỉnh Lào Cai đã hoàn thiện đầu tư giai đoạn I Nhà máy tinh bột sắn Tân An (Văn Bàn); công suất chế biến 15.000 tấn sản phẩm/năm. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 2 cơ sở xay xát và đánh bóng gạo mang tính hàng hoá gắn với thương hiệu là gạo Séng Cù tại xã Mường Khương (Mường Khương) và xã Mường Vi (Bát Xát). Tại thành phố Lào Cai đã hình thành một số cơ sở  giết mổ có quy mô vừa. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh cũng đã có 3 xưởng chế biến giấy đế xuất khẩu, công suất 8.100 tấn sản phẩm/năm; 2 cơ sở chế biến ván bóc, công suất 5.000 m3 nguyên liệu/năm. Ngoài ra tỉnh Lào Cai cũng đã xây dựng, phát triển hơn 587 cơ sở chế biến lâm sản vừa và nhỏ giải quyết việc làm cho trên 3.500 lao động, doanh thu đạt 72,9 tỷ đồng. Để thêm cơ hội cho thị trường lâm sản Lào Cai phát triển, hiện tỉnh đang xây dựng nhà máy chế biến lâm sản xuất khẩu tại Xuân Giao (Bảo Thắng), công suất 50.000 m3 sản phẩm/năm và nhà máy bột giấy 10.000 tấn sản phẩm/năm tại Bảo Yên


Lê Huê

Tin khác