TP. Biên Hòa: Dân nuôi cá bè ... “gặp hạn”

17/06/2010

AGROINFO - Người dân nuôi cá bè ở các phường: An Bình, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa) đang dở khóc, dở mếu vì bỗng dưng cá chết hàng loạt. Cá chết nổi trắng bè, lềnh bềnh trôi cả ra sông đã làm nhiều hộ phút chốc trở nên trắng tay, nợ nần chồng chất...

“Cá trắng bụng – Người trắng tay”

Mặc dù sự việc cá chết hàng loạt đã qua đi vài ngày, song người dân nuôi cá bè ở phường An Bình, Tân Mai, Thống Nhất và xã Hiệp Hòa vẫn chưa hết bàng hoàng. Có người vì xót của và lo khoản nợ không biết khi nào mới trả nổi nên đã đổ bệnh. Ông Trần Văn Cần, hộ nuôi cá bè ở phường Thống Nhất (TP. Biên Hòa) than thở: "Hơn 10 năm làm nghề nuôi cá bè ở nhánh sông Đồng Nai này, chưa khi nào tôi gặp tình trạng cá chết nhiều như thế. Chỉ trong hai ngày 7 và 8-6 số cá chết trong bè của tôi đã lên đến gần 5 tấn. Do toàn là cá giống diêu hồng, chép sắp đến ngày bán nên tôi mất khoảng 200 triệu đồng. Mấy ngày nay, tôi đổ bệnh là vì lo khoản vay ngân hàng sắp tới ngày đáo hạn".

Cá chết trắng trên các bè nuôi (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng cảnh ngộ, Ông Nguyễn Thanh Hải, chủ bè ở phường Thống Nhất cho biêt: "Tôi nuôi cá cảnh Chích Nhật chỉ khoảng 3 tuần nữa là tới ngày bán, thế mà chỉ trong vài giờ, cá trong bè của tôi chết gần hết. Số cá chết của tôi khoảng 600 kg, loại cá này có giá hơn 70 ngàn đồng/kg nên tôi ước thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Trong đó, gần một nửa số tiền trên tôi phải vay từ Hội Nông dân phường để đầu tư. Giờ mất trắng, tôi không biết vay vốn ở đâu để đầu tư tiếp...".


Cá chết là do nước ô nhiễm?

Theo Phòng Kinh tế Biên Hòa, tính đến ngày 10-6 có gần 55 tấn cá của gần 100 hộ dân bị chết. Số tiền thiệt hại ước tính ban đầu khoảng 2 tỷ đồng. Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Sở Tài nguyên và môi trường, Chi cục thủy sản xuống ngay hiện trường lấy mẫu kiểm tra xem nguyên nhân cá chết do đâu? Ông Phùng Cẩm Hà, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản khẳng định: Cá chết hàng loạt ở các làng bè là do ảnh hưởng của môi trường nước, chứ không có biểu hiện bệnh. Tại thời điểm khảo sát tuy không thấy bất thường về màu nước sông, song hơi nước lại có mùi rất hắc của hóa chất. Về nguyên nhân, Sở TN-MT cho biết, phải chờ kết quả phân tích mẫu nước, lúc đó mới khẳng định chính xác cá chết do độc chất nào.

Ông Nguyễn Đức Trường, một hộ nuôi cá bè ở khúc sông này bức xúc nói: "Lúc đầu một số ngành nhận định, có khả năng cá chết do đầu mùa xảy ra nhiều trận mưa lớn nên đã kéo theo chất thải, nước thải sinh hoạt từ mọi nơi ra sông. Song chúng tôi thấy không phải như thế, vì trước đó gần 10 ngày đang lúc nước ròng, mưa lớn liên tiếp xảy ra nhưng cá vẫn sống bình thường. Còn thời điểm cá chết không có mưa, nước sông khá lớn và dòng chảy nhẹ, đây là điều kiện khá lý tưởng cho cá sống, vì lượng ôxy dồi dào. Thế nhưng, tại thời điểm cá chết, một số hộ đo được nồng độ ôxy trong nước bằng không, do đó cá đã chết ngạt. Điều này cho thấy, trong nước sông có một loại hóa chất nào đó làm nồng độ ôxy đột ngột giảm mạnh!...".

Điều đáng nói, đây không phải lần đầu nông dân ở khu vực này bỗng dưng phải chịu cảnh trắng tay. Và giờ đây, không ít hộ lại đang khắc khoải, chờ đợi sớm được cơ quan chức năng giải thích vì sao cá chết?. Nhưng ai sẽ là người đứng ra để giải quyết vấn đề, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người nuôi cá, để tình trạng này không lặp lại vẫn còn là câu hỏi? Chỉ biết rằng, sông Đồng Nai nhiều năm qua đã nuôi sống hàng trăm hộ dân tại các phường, xã có nghề nuôi cá bè.


Phạm Khánh

Tin khác