Khí sinh học về quê

16/06/2010

AGROINFO - Lâm Đồng, với đa số dân cư sống tại nông thôn, làm nông nghiệp và có rất nhiều gia đình chăn nuôi gia súc như heo, bò, trâu…Chăn nuôi mang lại thu nhập cho nhà nông nhưng việc xử lý “hậu quả”, tức chất thải của gia súc mang lại không ít khó khăn, đặc biệt về ảnh hưởng tới môi trường.

Biến phân gia súc thành khí sinh học (KSH), có thể dùng thắp sáng, nấu bếp… đang là một trong những hướng giải quyết hiệu quả do Chính phủ Hà Lan tài trợ cho nông dân Lâm Đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ Hội nông dân thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà là một hộ đang chăn nuôi một đàn heo (cả nái cả heo thịt) hàng chục con. Việc giải quyết chất thải khá phiền toái do chúng bốc mùi gây ô nhiễm không khí xung quanh. Bởi vậy, ông Đông đã tham gia chương trình biến phân gia súc thành khí sinh học do cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng trực tiếp hướng dẫn. Từ khi xây xong công trình, mùi hôi thối hoàn toàn biến mất. Không những thế, nhà ông còn có một lượng khí dùng thoải mái cho thắp sáng và nấu cám heo. Ông cho biết: “Xây bể biogas đúng là hiệu quả, nhà tôi có thể nấu cám cho heo thoải mái mà không tốn tiền than củi như trước, môi trường lại trong sạch hẳn. Công trình này dễ xây, dễ sử dụng, nhà nào nuôi heo nhiều cũng nên xây một cái, tiết kiệm tiền mà lại giữ sạch môi trường”. Theo tính toán, hiện Lâm Đồng có xấp xỉ 70 ngàn hộ chăn nuôi ở quy mô nhỏ và vừa như gia đình ông Đông. Nhưng số lượng hầm biogas để tận dụng xử lý phân gia súc mới chỉ có gần 500 chiếc, một con số quá nhỏ so với khối lượng thất thải khổng lồ thải ra mỗi ngày. Và đa số các hầm biogas kiểu cũ đều xây nhỏ hoặc sử dụng túi nilon nên chưa đảm bảo hiệu quả trong quá trình sử dụng. Mô hình hầm biogas như gia đình ông Đông đang là mục tiêu những nhà quản lý chăn nuôi và môi trường hướng tới.

Xây dựng hầm Biogas công nghệ KSH

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Giám đốc TTKN Lâm Đồng, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án KSH trong chăn nuôi do Chính phủ Hà Lan tài trợ là người từng trăn trở với những vướng mắc trong chăn nuôi của người nông dân. Ông đánh giá: “Chăn nuôi như bà con mình thường để chất thải thải trực tiếp ra môi trường, vừa lãng phí vừa rất có hại cho sức khoẻ. Chúng tôi nhận thấy kiểu hầm biogas này thực sự hữu dụng, giúp bà con giải quyết tận gốc việc phân thải gây ô nhiễm, lại có thêm nguồn năng lượng sạch và rẻ tiền để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra, phụ phẩm thu được còn có thể dùng làm phân bón rất tốt”. Kiểu hầm biogas được chương trình ứng dụng là kiểu hầm công nghệ KSH nắp cố định vòm cầu gồm ba phần chính là bể nạp, bể phân giải và bể điều áp. Bể phân giải là phần quan trọng nhất, khí sau khi hình thành từ đây được dẫn ra ngoài qua ống thu khí và van, được sử dụng tuỳ mục đích của các hộ như thắp sáng, đun nấu. Các hộ chăn nuôi có từ 20kg phân/ngày trở lên là có thể tham gia xây dựng bể biogas để sử dụng. Theo đó, hầu hết các hộ chăn nuôi đều đủ tiêu chuẩn để tham gia chương trình. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 40 hộ, dù chương trình tài trợ cho 200 công trình. Điều đó có nguyên nhân từ giá thành của hầm còn khá cao. Trên thực tế, mỗi m2 công trình có giá 1 triệu đồng, một công trình trung bình cho một hộ chăn nuôi thường từ 8-10m2 nhưng dự án chỉ tài trợ 1,2 triệu đồng/công trình, phần còn lại người dân tự đầu tư. Ông Hồng cho biết thêm: “Nông dân rất thích mô hình biogas này nhưng tài trợ ít quá, chi phí bỏ ra cao nên họ chưa mặn mà. Nếu được hỗ trợ khoảng 40% thì hầu hết họ sẽ tham gia xây dựng hầm ngay. Tuy nhiên, dù chi phí cao nhưng hầm này rất bền, có thể sử dụng từ 15-20 năm, theo tính toán mỗi năm cũng tiết kiệm được 5-6 triệu đồng cho nông dân. Chúng tôi hy vọng từ những mô hình điểm, bà con sẽ thấy lợi ích và tham gia vào chương trình hăng hái hơn”. Ngoài tiền hỗ trợ, chương trình còn tập huấn nông dân cách vận hành, bảo dưỡng, sử dụng công trình để phát huy hiệu quả lâu dài.

Cái lợi lớn nhất của chưong trình KSH này chính là việc người nông dân vừa có thu nhập trong chăn nuôi, vừa có thêm năng lượng để sử dụng và nhất là, môi trường sống nông thôn được giữ gìn tốt hơn, nâng cao chất lượng sống cho bà con. Và ai có đủ điều kiện đều có thể tham gia chương trình để góp phần xanh- sạch thôn bản, để chăn nuôi không còn mang nỗi khổ ô nhiễm


Phạm Khánh (Theo Báo Lâm Đồng)

Tin khác