AGROINFO - Mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã được xem như là một hình mẫu cho nhiều quốc gia tham khảo, học tập. Từ chỗ là gánh nặng an ninh lương thực, Việt Nam đã trở thành quốc gia hỗ trợ, điều hòa thị trường lúa gạo thế giới. Bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới Đông Á, DĐDN đã phỏng vấn TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn xung quanh nội dung trên.
- Liệu có nói quá không, khi nhiều đại biểu quốc tế đã nhận xét VN có vai trò rất quan trọng giúp hài hòa và ổn định cái “dạ dày” của thế giới?
Nhìn ở góc độ xóa đói giảm nghèo cho chính VN đã có thể thấy nông nghiệp VN những năm qua có đóng góp đáng kể cho tình hình chung. Từ một xuất phát điểm thấp, trước đây, Việt Nam thường xuyên phải nhập khẩu lương thực. Ngày nay, dù đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, dân số gia tăng (mỗi năm tăng thêm khoảng trên 1 triệu dân) chúng ta vẫn lo đủ lương thực cho 87 triệu người và xuất khẩu thứ 2 thế giới.
Việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước đã giữ giá lương thực thấp, duy trì giá ngày công lao động thấp, đảm bảo việc làm cho đông đảo người dân đã góp phần đáng kể trong vấn đề ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Trên thế giới hiện nay, nhiều quốc gia đang phát triển đang chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch sang kinh tế thị trường, tiến lên công nghiệp hóa từ một nền kinh tế nông nghiệp và họ đang tìm đến học hỏi, mong muốn tìm được lời giải từ mô hình phát triển nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam.
Đứng ở góc độ xuất khẩu, Việt Nam không những lo cho mình mà đã góp phần lo cho dạ dày thế giới. Thực sự, bán lúa gạo không phải là giải pháp để làm giàu đối với các quốc gia xuất khẩu trên thế giới. Điều quan trọng là lương thực luôn là mặt hàng nhạy cảm, chỉ thiếu một chút cũng có thể rối loạn thị trường quốc tế. Nhiều năm trở lại đây, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu lương thực đứng thứ nhì thế giới với 4-6 triệu tấn gạo mỗi năm. VN đã góp phần đáng kể cân bằng cán cân lương thực thế giới. Các loại cây nông nghiệp lương thực khác như thủy sản, sắn, cà phê, hồ tiêu, điều, chè, đồ gỗ hay cao su cũng là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của VN. Lương thực bán cho các nước đang phát triển và nhiều nông sản bán cho các nước phát triển.
- Cùng với công nghiệp, dịch vụ, tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp cũng luôn là vấn đề nóng trên các bàn nghị sự quốc tế. Theo ông, phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với những yếu tố nào?
Nói tới phát triển nông nghiệp, trước tiên chúng ta phải bàn tới việc làm thế nào để nâng cao tính hiệu quả của lĩnh vực này? Thực tế sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng sản phẩm cũng chưa cao. Trong khi đó, các nguồn tài nguyên tự nhiên như quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng co hẹp, nước cũng đang ít dần, lao động chuyển ra khỏi nông nghiệp, vật tư chế từ năng lượng hóa thạch cũng tăng giá. Tất cả những khó khăn trên, buộc chúng ta phải hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch hơn, hiệu quả hơn, chất lượng và thân thiện với môi trường hơn.
Một vấn đề khác là phòng chống rủi ro. Trong xu thế toàn cầu hóa, thị trường liên thông, nông nghiệp thế giới phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Bệnh dịch có cơ hội lây lan nhanh và mạnh, biến động thị trường cũng mạnh mẽ, ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu luôn là nỗi lo thường trực. Tất cả những rủi ro này đều là ẩn số.
Cuối cùng là vấn đề xã hội, VN cũng như nhiều nền kinh tế khác đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Quy luật khắc nghiệt của thị trường là cạnh tranh và đào thải. Trong khi đó, ngành nông nghiệp khó có thể cạnh tranh với các ngành khác như công nghiệp, dịch vụ về năng suất lao động…Khoảng cách về thu nhập và điều kiện sống giữa đô thị và nông thôn vẫn doãng ra. Giải quyết bài toán công bằng giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ luôn là vấn đề của mọi quốc gia, đó là khía cạnh bền vững của xã hội.
-Nông nghiệp Việt Nam đang chiếm một vị thế quan trọng giúp cân bằng thị trường thế giới. Ông có thể phác thảo đôi nét về định hướng phát triển nông nghiệp trong những năm tới?
Phát triển nông nghiệp nông thôn VN trong những năm tới cần tập trung vào 4 định hướng chính. Thứ nhất là phát triển khoa học công nghệ. Đây là con đường tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa. Tiếp đến là nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cho một nền nông nghiệp hiện đại. Một vấn đề quan trọng giúp thực hiện các định hướng khác là phát triển tài nguyên con người.
Người nông dân ở nền nông nghiệp tương lai phải là người được đào tạo đầy đủ và bài bản. Sẽ không còn chuyện lao động nông nghiệp bị coi như lao động phi chính thức, không bảo hiểm, không kỹ năng. Người nông dân trong thời gian tới cũng cần được chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Họ phải nắm được chuyên môn kỹ thuật về vật nuôi, cây trồng, chế biến, bảo quản. Họ cần có khả năng tổ chức sản xuất, năng động với thị trường.
Để giải quyết được ba vấn đề trên, chúng ta phải xây dựng cho ngành nông nghiệp một phương thức hoạt động mới. Một nền nông nghiệp với 10 triệu hộ cá thể hoạt động riêng rẽ như hiện nay khó có thể tạo ra những sản phẩm hàng hóa đồng đều về chất lượng. Và cuối cùng, hiệu quả lao động cũng khó có thể nâng lên được. Do vậy, chúng ta phải tập trung các hộ cá thể lại, phải gắn kết và chuyên môn hóa mới tạo ra được những người nông dân chuyên nghiệp.
-Chúng ta đã nhập vào rồi lại tách ra. Vậy mô hình mới này có gì khác với mô hình hợp tác xã ngày xưa, thưa ông?
Tôi đang nói ở đây là mô hình hợp tác xã hiện đại. Mô hình này đã và đang được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Với hai kiểu liên kết cơ bản là liên kết theo chiều ngang và liên kết theo chiều dọc. Liên kết chiều ngang là hàng ngàn hộ cá thể hợp lại với nhau thành những tổ chức kinh tế hợp tác. Họ cùng nhau sản xuất cùng công nghệ, cách thức thu hoạch và chế biến…để trong cùng thời gian đưa ra một loại sản phẩm đồng nhất với khối lượng đủ lớn. Ai không tuân thủ luật chơi sẽ bị loại.
Liên kết theo chiều dọc là liên kết theo chuỗi. Hàng ngàn người sẽ bầu ra đại diện cho tổ chức sản xuất, tổ chức chế biến, tổ chức bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua đại diện của mình, những nhóm chuyên sản xuất, hay tiêu thụ sẽ gắn kết thành mắt xích của một dây chuyền. Đẩy mạnh chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa sẽ tạo điều kiện để người nông dân đầu tư phát triển công nghệ, kỹ thuật. Đây chính là tương lai của ngành nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Diễn đàn doanh nghiệp