Tăng thu nhập cho nông dân?

18/04/2010

(VOV) - Năm 2009, Việt Nam đạt kỷ lục mới về xuất khẩu gạo với 6 triệu tấn, thu về 2,7 tỉ USD. Tuy nhiên, nhà nông Việt Nam, những người làm ra hạt gạo nuôi cả xã hội, vẫn đang gánh chịu nhiều thiệt thòi.

Mặc dù vậy, nhà nông Việt Nam, những người làm ra hạt gạo nuôi cả xã hội, vẫn đang gánh chịu nhiều thiệt thòi. Chênh lệch giữa nông thôn và thành thị vẫn lớn, từ thu nhập đến phúc lợi xã hội, cơ sở hạ tầng… Chương trình Đối thoại cuối tuần, Đài TNVN, phát sóng tuần qua, đã bàn vấn đề, làm thế nào để tăng thu nhập cho nông dân?

TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn, Bộ NN&PTNT: Phải tạo ra hệ thống tổ chức dân sự của nông dân đủ mạnh

PV: Nông dân ĐBSCL hiện làm ra 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Người dân vùng Tây Nguyên sản xuất ra phần lớn cà phê xuất khẩu. Thế nhưng, đời sống của nông dân ở 2 vùng này gần như thấp nhất cả nước, theo ông, đối tượng nào đang thu lợi nhiều nhất từ nông nghiệp?

TS. Lê Đức Thịnh: Trong kinh tế thị trường, lúc này doanh nghiệp (DN) chịu lỗ, lúc kia nông dân chịu lỗ, lúc này DN thu lợi, lúc kia người nông dân thu lợi. Tuy nhiên, xét về cả một quá trình lâu dài thì phần thiệt thòi nghiêng về phía các nhà sản xuất, đặc biệt là người nông dân.

PV: Trên cơ sở nào ông nhận định, người nông dân đang chịu thiệt thòi hơn so với các thành phần khác?

TS. Lê Đức Thịnh: Người nông dân ở nước ta sản xuất trên quy mô nhỏ, lẻ. Việt Nam có 4 triệu ha đất lúa mà có đến 10 triệu hộ nông dân, với khoảng trên dưới 200 DN xuất khẩu gạo. DN xuất khẩu lãi một, hai giá, dựa trên hiệu ứng quy mô, DN đã thu được khoảng lãi lớn gấp nhiều lần so với người sản xuất. Ai cũng biết, lợi nhuận trong nông nghiệp rất thấp, dự án nông nghiệp chịu được lãi suất 10% đã rất hiếm trong khi các nhà kinh doanh, chế biến, xuất khẩu đạt được lợi nhuận trên 10% là chuyện bình thường. Thêm nữa, các DN xuất khẩu gạo không chỉ được hưởng lợi về giá mà còn được hưởng lợi ở các mặt khác, ví dụ như về cơ sở hạ tầng. Thêm nữa, mỗi khi thị trường thế giới gặp rủi ro, Chính phủ vào cuộc kiên quyết, và mỗi lần như vậy đều có sự hỗ trợ nhất định cho khu vực nông nghiệp, tuy nhiên, mỗi lần hỗ trợ như thế, DN được lợi nhiều hơn nông dân rất nhiều. DN càng lớn, càng có lợi thế, khả năng hưởng lợi càng nhiều.

PV: Theo tính toán, nông dân nếu chỉ trông chờ vào trồng lúa và hoa màu thì một năm cũng khó tích lũy được 10 triệu đồng. Khi nông sản lãi cao thì phần lợi nhuận lớn nhất không thuộc về nông dân nhưng khi nông sản mất giá, nông dân lại là người đầu tiên chịu thiệt thòi, xin tiến sĩ lý giải về điều này?

TS. Lê Đức Thịnh: Trong kinh tế thị trường, quan hệ giữa người mua và người bán là quan hệ thỏa thuận và hợp đồng. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ thỏa thuận và hợp đồng là quy mô của các tác nhân tham gia vào đó. Đối tượng nào có quy mô hoạt động lớn hơn, có nhiều đặc quyền, đặc lợi hơn, có nhiều khả năng về vốn và tác nghiệp tốt hơn thì sẽ thắng thế trong quá trình đàm phán và thương thuyết hợp đồng. Vì thế, những DN và đối tượng thương mại trung gian dễ dàng chiếm ưu thế so với nông dân. Hiện ở Việt Nam có khoảng trên dưới 200 DN xuất khẩu gạo. Nhìn bề ngoài có vẻ như họ đang tạo ra thị trường năng động, cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên, đằng sau 200 DN xuất khẩu gạo ấy, đối tượng nào quyết định giá và quyết định như thế nào lại là câu chuyện khác. Nếu nông dân biết tập hợp nhau lại để tạo ra sức mạnh cạnh tranh với 200 DN xuất khẩu gạo hoặc ít ra là tạo được sức ép đối với các DN thì sẽ tạo ra sự cân bằng hơn trong thương thuyết và thỏa thuận hợp đồng.

PV: Ông vừa nói 200 DN thu mua gạo nhưng giá là do một đơn vị quyết định?

TS. Lê Đức Thịnh: Những năm gần đây, sự quyết định giá thu mua gạo đã có nhiều tiến bộ và giá xuất khẩu ngày càng tiệm cận hơn với giá xuất khẩu của thị trường thế giới. Các thể chế cũng ngày một hoàn thiện để thỏa thuận giữa người nông dân và DN trở nên tốt hơn. Mặc dù vậy, cơ chế hiện nay cũng chỉ do một vài đơn vị có quyền quyết định tối thượng về giá. Chính phủ cũng đang xem xét đến việc làm thế nào để cơ chế giá được bung ra. Nếu Chính phủ cho phép DN nước ngoài kinh doanh xuất khẩu gạo ở Việt Nam, cũng là giải pháp tạo ra sự cân bằng trong chuyện thương thuyết, đảm bảo cạnh tranh hợp lý hơn.

PV: Ý ông là, để nâng cao thu nhập cho nông dân, có lẽ bắt đầu từ việc tìm ra cơ chế để điều tiết lại phần giá trị gia tăng đang rất mất cân bằng giữa DN và người nông dân như hiện nay?

TS. Lê Đức Thịnh: Nếu chỉ bằng một giải pháp cũng khó có thể làm nên chuyện mà phải là hệ thống các giải pháp đồng bộ. Thứ nhất là giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với ngành hàng có tầm quan trọng đặc biệt về mặt xã hội như gạo; hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để thương nhân, nhà máy có thể xuống tận nơi thu mua được lúa trong dân, giảm bớt chi phí trung gian; hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật, con giống, dịch bệnh… Thứ hai là phải tạo ra khung pháp lý đảm bảo cho quá trình cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN. Có khung pháp lý rồi việc kiểm soát của Chính phủ vẫn rất quan trọng, kiểm soát để DN không trục lợi, không ép giá nông dân. Thứ ba, làm thế nào để tạo ra hệ thống tổ chức dân sự của nông dân đủ mạnh, có thể là mô hình HTX kiểu mới, để có thể cạnh tranh với DN và khỏi bị DN ép giá.

GS-TS. Võ Tòng Xuân: Nên có chính sách tài trợ cho nông dân

Các nước phát triển đều có chính sách tài trợ cho nông dân. Ví dụ nước Mỹ, họ tài trợ cho nông dân theo cách, người nông dân bán lúa cho DN, DN trả tiền cho nông dân vào thời điểm nào thì tính giá vào thời điểm đó, chứ không phải tính giá lúc nông dân đưa lúa đến. Nếu thời điểm DN trả tiền cho nông dân giá lúa quá cao so với thời điểm nông dân mang lúa đến thì Nhà nước sẽ bù lỗ cho DN. Cuối năm, quyết toán, DN còn thưởng lãi cho nông dân tùy theo lượng lúa bán cho DN.

TS. Nguyễn Ngọc Đệ, Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: Có thể thành lập công ty cổ phần giữa doanh nghiệp và nông dân

Giữa nông dân và DN có thể thành lập công ty cổ phần, như thế sẽ đặt nông dân và DN cùng trên một chiếc tàu ràng buộc trách nhiệm, lợi ích với nhau. DN xây dựng vùng nguyên liệu tại ruộng của cổ đông là nông dân, thực hiện tiêu chuẩn Việt GAP giúp hạ giá thành, nâng cao chất lượng lúa. Mối liên kết này từ sản xuất đến tiêu thụ, cả nông dân và DN đều được chia lợi nhuận xuyên suốt chuỗi giá trị hạt gạo. Chính quyền và cơ quan chức năng cùng tham gia, hỗ trợ kỹ thuật, bảo vệ quyền lợi về mặt pháp lý. DN cần vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng như mong muốn để xuất khẩu; nông dân cần vốn, kỹ thuật, đầu ra với giá cao nhất. Nếu dung hòa mối liên kết này với nhau sẽ có những mô hình sản xuất tiên tiến và đây là điều kiện để hội nhập tốt nhất cho các bên.

Theo VOV


Tin khác