Chứng kiến việc đầu tư trang trại và quy trình làm việc của công nhân tại vùng nuôi cá tra của Công ty cổ phần NTACO (An Giang) mới thấy để đạt được tiêu chuẩn Global GAP không phải là điều dễ dàng.
Vùng nuôi GAP lớn nhất châu Á
6g30, ngày làm việc của công nhân vùng nuôi cá bắt đầu. Công nhân đi thuyền trên ao để thăm cá, dọn vệ sinh, vớt cá chết trong đêm. Đến 7g30, công nhân vận chuyển thức ăn ra bè, sau đó cho cá ăn. Buổi chiều, quy trình được lặp lại.
Công việc tưởng như không có gì phức tạp nhưng theo anh Nguyễn Thanh Sơn, quê Sóc Trăng, hiện làm công nhân nuôi cá tại đây, mọi công việc đều phải ghi chép vào sổ rõ ràng. Nói thì dễ nhưng để làm thuần thục và theo quy trình cũng phải tập huấn và thực hiện cả năm mới đi vào nề nếp. “Sau mỗi vụ nuôi, hồ sơ ghi chép của mỗi ao nuôi xếp thành chồng cao ngất trong tủ”, anh Sơn cho biết.
Giấy thông hành vào thị trường khó tính Global GAP là tiêu chuẩn chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu. Tiêu chuẩn Global Gap tập trung vào quản lý chất lượng, an toàn và truy nguồn gốc trong lĩnh vực nuôi trồng cây, rau, củ, quả, gia cầm, gia súc, thủy sản... Tiền thân của Global GAP là Euro GAP xuất hiện năm 1997, do các nhà bán lẻ ở châu Âu sáng lập nhằm thiết lập một hệ thống tiêu chuẩn cho sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường và an toàn lao động. Đến năm 2007, Euro GAP chính thức đổi tên thành Global GAP. Để đạt được chứng nhận Global GAP, nhà sản xuất hoặc chế biến phải tuân thủ và thỏa mãn các điều kiện mà quy định này đưa ra. Trước tôm sú và cá tra, nhiều loại nông sản khác của VN đã được công nhận tiêu chuẩn Global GAP như rau Đà Lạt, chè Bảo Lộc, chôm chôm Bến Tre, thanh long Bình Thuận, vú sữa Lò Rèn... |
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, tổng giám đốc Công ty cổ phần NTACO, Global GAP đòi hỏi người sản xuất phải ghi chép toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu xuống giống đến khi thu hoạch, có thể truy xuất được nguồn gốc và quy trình sản xuất sản phẩm nếu cần.
Nói một cách nôm na, một khách hàng tại Đức mua một gói sản phẩm có đánh mã số căn cứ mã số sản phẩm và truy xuất ngược trở lại để biết mọi thông tin về sản phẩm đó bao gồm: nhà xuất khẩu, nhà máy sản xuất, vùng nuôi, nguồn cung cấp con giống, loại thức ăn đã sử dụng, thời gian nuôi, ngày bắt và chế biến...
Vùng nuôi của NTACO rộng 30ha được đánh giá là vùng nuôi cá tra đạt tiêu chuẩn Global GAP lớn nhất châu Á. Ngoài 18 ao nuôi cá, vùng nuôi có thêm bốn ao lắng để chứa nước của các ao nuôi sau mỗi đợt thả cá.
Ở các trại thông thường, nước sau khi nuôi được thải trực tiếp ra các hệ thống kênh mương và cuối cùng đổ ra sông. Nhưng nước thải ở trại Global GAP phải được lưu ở ao lắng cho chất thải chìm xuống, phần nước phía trên sẽ được làm sạch tự nhiên bằng cách thấm hoặc chảy tràn ra bể lắng thứ hai rồi mới được đổ ra sông.
Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết chi phí xây dựng trại, tập huấn công nhân và việc bỏ bốn ao (tương đương 20% diện tích nuôi) để xử lý môi trường đã làm giảm sản lượng ao nuôi hàng ngàn tấn cá mỗi năm. Đổi lại chất lượng và uy tín sản phẩm tăng lên rõ rệt.
Hiện toàn bộ cá tra Global GAP của công ty được một nhà phân phối tại Đức đặt hàng với giá cao hơn 20% so với cá tra thông thường. “Quan trọng hơn, với tiêu chuẩn này cá tra của công ty có thể vào các siêu thị ở châu Âu”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.
Tăng giá trị cho thủy sản Việt Nam
Tháng 3-2010 vừa qua, Công ty cổ phần thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) cũng đã được trao chứng nhận Global Gap về nuôi trồng và chế biến tôm xuất khẩu. Ông Lê Văn Quang, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Minh Phú, cho biết từ năm 2009 các siêu thị ở châu Âu yêu cầu nhà cung cấp phải có chứng nhận Global GAP. Vì chưa có tiêu chuẩn này nên trong năm 2009 sản phẩm tôm của Minh Phú chỉ bán được ở một số siêu thị nhất định.
Việc có được chứng nhận Global GAP sẽ là cơ hội tốt cho công ty trong năm nay và sắp tới. “Sau khi đã đủ tiêu chuẩn đưa hàng vào các siêu thị lớn tại Mỹ, nay Minh Phú đã có tờ giấy thông hành để bán sản phẩm của mình vào các hệ thống siêu thị lớn ở châu Âu. Sản phẩm của Minh Phú đã có mặt ở tất cả hệ thống siêu thị lớn của thế giới”, ông Quang phấn khởi cho biết.
Ông Bùi Khương Thới, trưởng đại diện Tập đoàn Binca Seafoods Vietnam (nhà phân phối thủy sản tại châu Âu), đánh giá hiện nhu cầu của thị trường châu Âu đối với thủy sản VN đang có xu hướng kỹ tính hơn.
Các khách hàng muốn biết tường tận nguồn gốc của sản phẩm như: thức ăn của cá trong quá trình nuôi, giá trị dinh dưỡng, hàm lượng muối trên cá thành phẩm, vấn đề môi trường trong quá trình sản xuất, điều kiện làm việc của công nhân...
Tất nhiên, nhu cầu cao hơn bao giờ cũng đi kèm giá trị tương xứng và đó cũng là cơ hội cho thủy sản VN. “Tôi cho rằng chỉ trong vài năm tới, Global GAP sẽ trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đối với thủy sản vào châu Âu”, ông Thới nhận định.
Phạm Khánh (Theo Trần Mạnh – Báo Tuổi Trẻ)