Nuôi bò sữa ở Ba Vì: Chuyên nghiệp nhờ liên kết

08/04/2010

KTNT - Nhằm mở rộng vùng nguyên liệu, tạo nguồn sữa đảm bảo chất lượng phục vụ chế biến, giúp người chăn nuôi nâng cao tính chuyên nghiệp, Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì (Hà Nội) tổ chức các lớp dạy nông dân nuôi bò sữa. Đây là hình thức liên kết mới giữa doanh nghiệp và nông dân, cần được nhân rộng.

Nông dân học nuôi bò sữa

Theo Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, một trong những khó khăn của người chăn nuôi bò sữa hiện nay là chưa nắm vững kỹ thuật nên tỷ lệ rủi ro chiếm tới 12-15%. Nếu không có kinh nghiệm chăn nuôi và kiến thức xử lý các tình huống như ngã nước, sốt sữa, viêm vú, bò sữa có thể bị thải loại, dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, trong khi giá mỗi con lên tới trên 30 triệu đồng.

Nắm bắt được thực tế này và cũng là cách để đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn nguyên liệu, IDP đã mở các lớp đào tạo nông dân nuôi bò sữa một cách chuyên nghiệp. ông Phan Sĩ Minh, Phó tổng giám đốc IDP chia sẻ: “Tháng 3/2010, chúng tôi đã tổ chức các khóa học đầu tiên dành cho nông dân nuôi bò sữa ở tất cả các vùng thu mua nguyên liệu của Công ty như Ba Vì (Hà Nội), Hòa Bình, Vĩnh Phúc... Đây là dự án được đánh giá có quy mô và bài bản nhất từ trước tới nay dành cho người chăn nuôi bò. Mỗi khóa học kéo dài 7 ngày, với khoảng 45-50 người/khóa”.

 
 Nhờ được tham gia các khóa đào tạo, người chăn nuôi bò sữa ở Ba Vì đã chuyên nghiệp hơn.

Chương trình đào tạo được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, học viên được giảng viên là các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp kiến thức về kỹ năng chăn nuôi, cách chọn giống, chế độ dinh dưỡng, cách vắt sữa... Nhằm đảm bảo việc học đi đôi với hành, Công ty còn phối hợp với Trung tâm xây dựng một mô hình mẫu về chuồng trại, đồng cỏ cùng các thiết bị phục vụ chăn nuôi như máy vắt sữa, giàn nước tắm cho bò, hệ thống máng ăn... Tham gia lớp học, học viên được miễn phí hoàn toàn về ăn ở, tham quan mô hình. Giai đoạn 2, nông dân được làm quen với các kiến thức và kỹ thuật nuôi bò sữa tiên tiến, nhằm đạt năng suất và chất lượng sữa nguyên liệu cao nhất.

Theo ông Minh, để có thể mở các lớp học này, mỗi năm IDP bỏ ra 4-5 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo khoảng 1.000 học viên nông dân. “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là trường học để nông dân tiến tới việc sản xuất sữa bò một cách chuyên nghiệp. Hơn nữa, quan điểm của chúng tôi là muốn kinh doanh bền vững thì phải gắn kết chặt chẽ với nông dân”, ông Minh nói.

Là một trong những học viên đầu tiên tham gia khóa đào tạo, anh Nguyễn Viết Điệp ở thôn Hát Giang, xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, gia đình anh nuôi bò sữa đã nhiều năm nay. Hiện gia đình có 5 con bò, 1 con bê, trung bình một ngày thu được 30kg sữa/con. Sản phẩm được IDP bao tiêu toàn bộ với giá 8.700 đồng/kg. Thu nhập của gia đình cao hơn so với trồng chè, làm ruộng trước đây. Sau khi tham gia khóa đào tạo của IDP và được sự tư vấn của các chuyên gia, thời gian tới anh sẽ mở rộng quy mô đàn bò để tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh việc đào tạo, IDP cũng đang triển khai dự án cho nông dân vay vốn mua bò sữa. Theo đó, Công ty sẽ cho vay 50% giá trị mỗi con bò và người dân sẽ phải trả vốn trong vòng 18 tháng. Với cách làm này, năm 2009, IDP đã hỗ trợ cho các hộ dân trong xã Tản Lĩnh 3 tỷ đồng mua 200 con bò sữa. Nhờ đó, đến nay tổng đàn bò sữa của xã đã lên đến 1.000 con với tổng lượng sữa bán ra khoảng 7 tấn/ngày.

Theo tính toán của anh Điệp, nếu bình quân 1 con bò cho 20 lít sữa/ngày thì người dân thừa tiền trả góp cho Công ty trong khoảng 18 tháng. “Sau thời gian này, chúng tôi vừa được sở hữu bò lại vừa có nguồn thu ổn định”, anh Điệp nói.

Hiệu quả dài lâu

Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì cho biết, với lợi thế về khí hậu, đất trồng cỏ, nguồn nước, lại được sự hỗ trợ về kiến thức và vốn như hiện nay, chỉ 5 năm nữa Ba Vì sẽ trở thành vùng cung cấp nguyên liệu sữa tươi lớn nhất nước. Hiện, toàn huyện có khoảng 7.000 con bò sữa, phấn đấu từ nay đến năm 2020, tổng đàn bò sữa của huyện tăng lên 20.000 con. Do đó, việc IDP mở các lớp dạy nông dân nuôi bò vừa thiết thực, vừa mang tính xã hội cao.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhận định, nếu như những năm trước, người dân ở đây nuôi bò lấy sữa mang tính tự phát, tự lo đầu ra thì hiện nay, vấn đề tiêu thụ đã không còn phải lo như trước. Bằng việc tạo mối liên kết giữa các “nhà” nên thời gian qua, việc chăn nuôi bò sữa ngày càng thuận lợi. Đó cũng là lý do giải thích vì sao, chỉ mấy năm trở lại đây, nhiều gia đình coi chăn nuôi bò sữa là nghề làm giàu và họ quyết định chuyển diện tích trồng lúa, chè, sắn sang chuyên canh trồng cỏ. Cũng nhờ nghề nuôi bò sữa mà bộ mặt vùng quê nghèo của Thủ đô đang từng ngày thay da đổi thịt.

Ông Minh khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mô hình liên kết này sang các vùng khác, đồng thời đẩy mạnh việc bao tiêu sản phẩm tới các hộ gia đình”.

Phạm Khánh (Theo Quỳnh Hương/ Báo Kinh Tế Nông Thôn)


Tin khác