Bắc Ninh: Trạm bơm Trịnh Xá treo vòi; Ninh Bình: 3.000 ha thiếu nước gay gắt Trước tình trạng hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến SX vụ ĐX ở miền Bắc, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tăng lượng xả qua phát điện (đợt 4) từ hồ Hoà Bình, Thác Bà, Tuyên Quang bổ sung nước về hạ du để các địa phương lấy nước tưới dưỡng lúa và tích trữ vào hệ thống thuỷ lợi.
Ông Đàm Hoà Bình, Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thuỷ lợi (Tổng cục Thuỷ lợi) cho NNVN biết, trong quá trình xả nước đợt 4 (từ ngày 24 - 26/3/2010), mực nước trên các triền sông Đà, Lô, hạ du sông Hồng đều tăng, bình quân 0,8 -1,5m nên các hệ thống thuỷ lợi ở Phú Thọ, Vĩnh Phúc đều lấy được nước.
Tuy nhiên trong đợt xả này mực nước sông Hồng bình quân chỉ đạt 1,6-1,8m, các cống tự chảy như Xuân Quan, Liên Mạc lấy vào hệ thống không nhiều do không thể hạ được ngưỡng cống. Vì thế trạm bơm Văn Giang (Hưng Yên) chỉ vận hành được một số máy dã chiến. Tại trạm bơm Phù Sa (Sơn Tây) mực nước cao nhất là 4,5m nên chỉ chạy được 21 máy bơm dã chiến (1.000m3/h), các máy lớn công suất 10.800m3/h đều không vận hành được do mực nước thấp.
|
Trạm bơm dã chiến Đại Định (Vĩnh Phúc) lấy nước cứu lúa ĐX |
“Dự báo trong thời gian tới nắng nóng kéo dài, các tỉnh cần tích cực triển khai chống hạn theo Chỉ thị của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Trong trường hợp nước sông xuống thấp, lượng nước trữ của hệ thống đã sử dụng hết, cây trồng bị hạn phải có văn bản báo cáo ngay Bộ NN-PTNT để Bộ yêu cầu EVN tiếp tục xả nước tưới dưỡng đợt 5”- Vụ trưởng Đàm Hoà Bình. |
Cũng trong đợt xả này, trên hệ thống Bắc Đuống lượng nước đưa về trạm bơm Trịnh Xá ít nên chỉ vận hành được từ 1 - 4 máy bơm, có thời điểm treo vòi, không đáp ứng được yêu cầu lấy nước. “Hiện chúng tôi đang đề nghị Hà Nội bơm nước từ trạm bơm Cống Thôn bổ sung cho kênh nam Trịnh Xá và mở cống Cổ Loa bổ sung nước vào hệ thống Ngũ Huyện Khê, tạo nguồn nước cho các trạm bơm dọc sông hoạt động”- ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, do nguồn nước thấp và thời gian ngắn nên tỉnh Ninh Bình lấy nước vào hệ thống rất ít, không đủ để tưới dưỡng. Hiện nay tại huyện Kim Sơn, mặn tiếp tục xâm nhập trở lại, trong khi đó 3.000 ha lúa huyện này thiếu nước gay gắt, nguy cơ mất mùa là rất lớn.
Phạm Khánh (Theo Trường Giang / Báo Nông Nghiệp)