KTNT - Ca cao thuộc nhóm cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hiện, nhiều nhà vườn ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giàu lên nhờ loại cây này. Vì thế xuất hiện trào lưu trồng xen ca cao trong vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, trồng xen ca cao với dừa hay một số cây trồng khác có thể làm lây lan nhiều loại nấm bệnh, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng vườn cây
Ca cao sốt giá
Hiện giá ca cao đang ở mức 54.000 - 55.000 đồng/kg, tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2009. Vì vậy, các nhà vườn ở ĐBSCL đã tận dụng trồng xen ca cao dưới tán dừa để tăng lợi nhuận.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Thủy ở xã Hòa Định (Chợ Gạo - Tiền Giang) trước đây chỉ trông chờ vào khoản thu nhập từ vườn dừa 7.000m2, năm 2005 bà trồng xen 400 gốc ca cao. Đến nay, gia đình bà đã thu được 28 triệu đồng/năm từ cây ca cao, còn dừa cũng tăng năng suất 30%, thu được 24 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Tư, Chủ nhiệm HTX Ca cao Chợ Gạo cho biết: “Không có loại nông sản nào được bao tiêu như ca cao. Diễn biến thị trường ca cao hàng ngày được Cargill, một công ty chuyên thu mua ca cao, cập nhật và nhắn tin vào số điện thoại di động của từng nhà vườn. HTX báo giá thu mua trái hàng tuần nên bà con rất hào hứng với loại cây này”.
Hiện, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 600ha ca cao, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 500ha, dự kiến những năm tới, diện tích có thể tăng gấp đôi, gấp ba do giá ca cao luôn giữ ở mức cao, trong khi sản lượng ca cao Việt Nam mới đáp ứng được 1/10 nhu cầu của các doanh nghiệp. Ngoài Cargill, đến nay nhiều doanh nghiệp cũng nhảy vào đầu tư lĩnh vực này. Tại khu vực ĐBSCL, diện tích ca cao cũng tăng khá nhanh, riêng tỉnh Bến Tre đã chiếm 1/3 diện tích ca cao của cả nước với khoảng 4.000ha, tỉnh Tiền Giang có hơn 1.500ha. Còn ở Tây Nguyên, ca cao đang cạnh tranh với các cây chủ lực như càphê, tiêu,... để tìm chỗ đứng.
Ông Nguyễn Hoàng Hạnh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang nói: “Cây ca cao đang được nhiều nông dân lựa chọn vì có giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định. Trong khi đó, vốn đầu tư ban đầu cho ca cao chỉ khoảng 11 triệu đồng/ha (600 cây), có thể trồng xen với các loại cây khác, công chăm sóc và chi phí đầu tư thấp, sau 4 - 5 năm cho thu nhập 30-40 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, khoảng 20 năm nữa, nguồn nguyên liệu ca cao cho sản xuất, chế biến sẽ vẫn thiếu”.
Trồng xen canh có thể làm lây lan dịch bệch
Trao đổi với chúng tôi, TS. Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam dẫn tài liệu nghiên cứu của Trường Đại học La Trobe (Australia) về 8 loại nấm tấn công trên cây ca cao và nghiên cứu của TS. Đặng Vũ Thị Thanh (Viện Bảo vệ thực vật) cho rằng, không nên trồng xen ca cao với dừa (đang phổ biến ở ĐBSCL) hay sầu riêng (ở miền Đông Nam Bộ), vì hai loại cây này có bệnh xì mủ (ký chủ nấm Phytophthora palmivora) và bệnh vàng lá (citrophthora). Hai loại bệnh trên sẽ tấn công ca cao. Do vậy, nếu trồng xen canh đại trà rất có thể gây ra dịch bệnh lớn.
Tìm hiểu thực tế tại những vườn ca cao trồng xen dừa ở khu vực huyện Chợ Gạo, chúng tôi được nhiều nhà vườn phản ánh về tình trạng này. ông Võ Văn Tợ, xã viên HTX Ca cao Chợ Gạo cho biết: “Đúng là có ảnh hưởng của nấm Phytophthora palmivora từ cây dừa xuống ca cao và ngược lại. Tuy nhiên, nếu dừa bị nhiễm bệnh thì đỡ thiệt hại hơn, còn khi lây lan xuống ca cao thì trái ca cao bị thối rất nhanh”.
Ông Nguyễn Hoàng Hạnh, một nông dân từng tham gia dự án 1.200ha ca cao trồng xen dừa từ năm 2005 cho biết: “Việc phòng trị nấm lây lan từ dừa sang ca cao không quá khó khăn, vì bệnh chủ yếu lây qua nước mưa. Vì thế, bà con không được để đọng nước ở gốc ca cao, nếu bị thối rễ do nấm Fusarium thì phải đào rửa bộ rễ và bón phân chuồng trộn với nấm đối kháng. Nếu bị thối trái do nấm Phytophthora, bà con cần tỉa cành, tạo tán và phun thuốc nấm đối kháng Tricoderma theo hướng dẫn của ngành chức năng”.
TS. Đặng Vũ Thị Thanh cho biết: “Hiện Viện Bảo vệ thực vật vẫn tiếp tục nghiên cứu và điều tra sâu bệnh hại trên cây ca cao. Mới đây, qua đợt khảo sát thực tế tại vùng trồng ca cao các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đắk Nông, chúng tôi thấy ca cao bị nhiễm nấm bệnh rất nhiều. Với điều kiện thời tiết ở khu vực phía Nam, nấm bệnh càng dễ phát triển và lây lan. Do vậy, các địa phương khi phát triển trồng xen ca cao với dừa, sầu riêng cũng như một số loại cây có múi khác cần hết sức lưu ý, hướng dẫn nông dân cách phòng trừ nấm bệnh để tránh thiệt hại”. |
Phạm Khanh(Theo Đình Tú / Báo Kinh Tế Nông Thôn)