KTNT - Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ tầm quan trọng của hệ thống các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Tuy nhiên, để xây dựng hệ thống chợ, trung tâm thương mại hợp quy hoạch, mang lại hiệu quả cao, rất cần những giải pháp đồng bộ, sự góp sức của cả cộng đồng.
Gặp khó vì thiếu vốn
Có thể khẳng định, thiếu vốn là khó khăn đầu tiên mà bất kỳ địa phương nào cũng gặp phải khi bắt tay vào xây dựng và thực hiện quy hoạch, phát triển hệ thống chợ. Bởi với số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng từ Trung ương, địa phương khó có thể hoàn thiện hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích... Vẫn biết công tác này cần sự vào cuộc của cả cộng đồng thông qua chương trình xã hội hóa việc xây chợ, nhưng chính bản thân người dân cũng chưa thực sự hiểu rõ thì làm sao có thể kêu gọi họ đóng góp, tham gia? Thực trạng xây và sử dụng chợ nông thôn ở tỉnh Bình Dương là một ví dụ.
Hiện, phần lớn chợ tại các địa phương của tỉnh Bình Dương là chợ tạm, chợ tự phát, có quy mô nhỏ, hệ thống hạ tầng kém. Hiện chỉ có 12/71 chợ xã đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, chiếm 16,9%. Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, Bình Dương đề ra mục tiêu đến năm 2010, 100% số xã trên địa bàn tỉnh phải có chợ. Mục tiêu này xem ra khó hoàn thành khi cho đến nay ở các huyện Phú Giáo, Bến Cát chưa xã nào có chợ đạt chuẩn, việc xây dựng chợ nông thôn chưa được đầu tư đúng mức. Nguyên nhân được lãnh đạo địa phương đưa ra là chưa tìm được chủ đầu tư thích hợpTrong thời gian qua, lãnh đạo các địa phương cũng đã nhận ra tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây chợ nên có sự đầu tư mạnh mẽ cho việc hình thành mạng lưới chợ. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí hạn chế, nhiều địa phương chỉ có thể cải tạo, nâng cấp, sửa chữa chứ không thể đầu tư xây mới. Trong khi đó phong trào xã hội hóa đầu tư phát triển chợ vẫn chưa đạt được kết quả cao. Lý do lớn nhất là nguồn vốn để xây dựng chợ rất lớn, trong khi khả năng hoàn vốn thấp và kéo dài. Từ đó dẫn đến thực tế các nhà đầu tư chỉ tập trung đầu tư xây dựng chợ tại các nơi có khả năng sinh lời nhanh, ngoảnh mặt với việc xây dựng chợ nông thôn hoặc ở vùng sâu, vùng xa.
Đánh giá về sự phát triển của hệ thống thương mại nông thôn, bà Nguyễn Hoàng Ngân, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: “Mạng lưới chợ vẫn là kênh lưu thông hàng hoá chủ yếu từ nay đến năm 2020; mỗi chợ là hạt nhân để quy tụ, tập trung các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hoá tổng hợp ở từng khu dân cư. Cần chú ý phát triển chợ theo địa bàn và phát triển chợ theo thị trường hàng hoá. Theo đó, nên chú trọng việc đầu tư phát triển các chợ dân sinh, phục vụ sản xuất và đời sống tại chỗ của nông dân. Trong quá trình này, cần quan tâm xây dựng cơ sở vật chất cho chợ. Đầu tư xây dựng chợ gắn với quy hoạch nông thôn và quy hoạch phát triển thương mại trên từng địa bàn cụ thể. Khuyến khích tăng số hộ kinh doanh trên chợ và tăng thời gian bán hàng hàng ngày của các hộ”. |
Chưa kể việc xây dựng, phát triển chợ còn thiếu đồng bộ. Một số chợ đã xây dựng xong nhưng chưa có đường giao thông. Không ít chợ được xây dựng ở địa điểm không hợp lý, khó thu hút được tiểu thương tham gia, dẫn đến lãng phí tiền của của Nhà nước.
Người dân thờ ơ
Một thực tế nữa là, một số chợ tại các xã vùng sâu hiện nay vẫn chưa thể hoạt động hiệu quả vì có rất ít người mua và xuất hiện tình trạng người dân không muốn vào chợ xây mới mà chỉ thích mua bán ở các chợ “xổm”. Chị Nguyễn Thị Hân ở ấp 30/4, xã An Linh (Phú Giáo - Bình Dương) cho biết: “Các mặt hàng bày bán trong chợ An Linh khá phong phú nhưng người dân rất ít vào chợ để mua vì họ quen mua ở cửa hàng tạp hóa. Có một vài người từ thị trấn vào đây buôn bán thử nhưng thấy không hiệu quả nên đã rút lui. Vào dịp lễ, Tết, đa số người dân mua sắm ở chợ thị trấn, nên chợ xã buồn hiu!”.
Ờ địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, các sản phẩm nông sản chủ yếu được cung ứng theo hai loại hình. Người sản xuất (chủ yếu là nông hộ nhỏ lẻ) bán cho các đầu mối thu gom, các đầu mối mang đi tiêu thụ tại chợ trung tâm huyện, tỉnh hoặc bán cho các nhà máy chế biến. Trường hợp thứ hai là người sản xuất bán cho các đầu mối thu gom, đại lý. Các đại lý bán (chủ yếu là gạo và các loại đặc sản của địa phương) trực tiếp cho người tiêu dùng. Cũng có người tự mang nông sản đến bán tại chợ (các loại rau quả)... Chính vì vậy, nhiều người chưa thấy hết được vai trò, lợi ích của chợ trong hoạt động giao thương.
Bên cạnh đó, do thu nhập của người dân nông thôn còn thấp nên nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao khá hạn chế. Thành phần tham gia tại các chợ nông thôn là các hộ nông nghiệp với các mặt hàng kinh doanh chủ yếu là nông sản, thực phẩm tươi sống tự sản xuất và nuôi trồng. Các hộ tự trao đổi hàng hoá với nhau hoặc cung ứng cho thương lái. Các hộ tiểu thương kinh doanh hàng hoá và dịch vụ tại chợ chiếm số lượng ít, chủ yếu là vải sợi, quần áo may sẵn, bách hoá tổng hợp, dịch vụ ăn uống giải khát. Chính vì vậy, hoạt động thương mại ở nông thôn chưa phát triển, chưa kích thích sản xuất và hình thành nền nông nghiệp hàng hóa.
Cách làm của Lào Cai
Ở Lào Cai, ngoài các chợ trung tâm cụm xã, toàn tỉnh đã có thêm 7 cửa hàng đại lý thương nghiệp bán lẻ tại các điểm: cụm xã Thanh Bình, Nậm Chảy (Mường Khương); Bản Liền, Cốc Ly (Bắc Hà); Tả Phìn, Bản Hồ (Sa Pa); Dương Quỳ (Văn Bàn) và Tòng Sành (Bát Xát)..., nâng số lượng cửa hàng bán lẻ toàn tỉnh lên hàng trăm điểm, cung cấp đủ các mặt hàng cho nông dân, đồng thời tổ chức tiêu thụ nông sản cho bà con. Nhiều địa phương như Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát và Mường Khương, hệ thống thương nghiệp phát triển nhanh và bài bản. Ở đâu có đường giao thông là có điểm đại lý cung cấp đầy đủ mặt hàng thiết yếu cho người dân và thực hiện thu mua nông sản cho nông dân tới đó. Mới đây đã xuất hiện một số doanh nghiệp và cá nhân ở Bảo Thắng, Bảo Yên đứng ra thu mua hàng hoá nông sản cho nông dân và nhận làm điểm đại lý trao đổi thu mua hàng khi nông dân có nhu cầu.
Ngoài ra, Lào Cai còn chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX thương mại dịch vụ, cán bộ ban quản lý chợ và lao động nông thôn tham gia kinh doanh thương mại, có chính sách hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng hỗ trợ là những sản phẩm đã được bình chọn, đáp ứng các tiêu chí cơ bản về chất lượng, tính đặc trưng, có giá trị đặc biệt trên thị trường và mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất và có khả năng sản xuất với khối lượng lớn như rau sạch, hoa cao cấp, gạo Séng Cù, lúa hương thơm, tương ớt Mường Khương và sản phẩm thổ cẩm các loại. Đổi lại, người dân sẽ được các nhà phân phối đưa những mặt hàng sản xuất trong nước đến tận nơi có nhu cầu với giá hợp lý và thanh toán thuận tiện nhất.
Cả nước hiện có khoảng 9.000 chợ, trong đó chợ ở nông thôn chiếm 76%; chỉ có 11% chợ kiên cố (chủ yếu tập trung ở đô thị, thị trấn), 31% chợ bán kiên cố, hơn 33% chợ lều lán, gần 25% chợ họp ngoài trời. Có khoảng 2 triệu hộ kinh doanh thường xuyên tại chợ, chiếm 40% số người hoạt động thương mại dịch vụ trong cả nước, trong đó người buôn bán cố định tại chợ chiếm khoảng 51%. Doanh số bán lẻ của chợ ước đạt khoảng 40% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội; số người thường xuyên trao đổi tại chợ chiếm 80% người tiêu dùng. |
Phạm Khánh (Theo Nguyễn Tố - Báo Kinh Tế Nông Thôn)