Quản lý thịt ngoại – cần chặt chẽ hơn nữa

17/06/2010

AGROINFO - Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, lượng thịt lợn nhập khẩu vào nước ta trong 5 tháng đầu năm đã tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái và đã đạt trên 50 nghìn tấn. Trong số này chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm thịt đông lạnh (chiếm 95%). Đặc biệt, từ đầu tháng 5 đến nay lượng nhập khẩu đang có xu hướng tăng mạnh. Để hạn chế tình trạng này, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29 về quản lý chặt chẽ thịt nhập khẩu, có hiệu lực từ 1/7/2010.

Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 29/2010/TT-BNNPTNT về danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép về VSATTP đối với một số sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu, sản xuất lưu thông trong nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT.

Theo ông Phùng Hữu Hào - Phó Cục trưởng Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT, căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu, mức giới hạn cho phép cũng như các quy trình, thủ tục kiểm tra là các bộ tiêu chuẩn của Ủy ban Codex (Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế) và sẽ tương đương với quy định của EU và Mỹ, là những nước có tiêu chuẩn và quy trình kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu khắt khe nhất thế giới hiện nay.

 
 Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, cơ quan chức năng của nước xuất khẩu hàng vào Việt Nam sẽ phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền trong nước tên các cơ sở sản xuất kinh doanh đáp ứng được các điều kiện VSATTP mà chúng ta quy định và chỉ những đơn vị này mới được phép đưa hàng vào Việt Nam. Ngoài ra, các lô hàng nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận VSATTP do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ kiểm tra hồ sơ đăng ký, kiểm tra thực tế tại nước xuất khẩu về hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất đăng ký kinh doanh xuất khẩu vào Việt Nam và công nhận danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh này.

Tất cả các lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam phải được đảm bảo sản xuất bởi cơ sở kinh doanh đã được các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận. Mặt khác, sản phẩm nhập khẩu, ngoài quy trình kiểm tra tại cửa khẩu, nơi tập kết sẽ còn được kiểm tra, giám sát quá trình lưu thông trên thị trường.

Đối với những lô hàng vi phạm, ông Hào cho hay, ngoài việc buộc tái xuất hoặc tiêu hủy, Việt Nam sẽ đình chỉ nhập khẩu đối với các doanh nghiệp vi phạm hoặc quốc gia mà kết quả kiểm tra không đáp ứng đầy đủ quy định.

Ông Phùng Hữu Hảo cũng cho rằng: “Khi hàng nhập khẩu tốt hơn, giá thấp hơn mà chất lượng đảm bảo thì khi đó, hàng sản xuất nội địa cũng phải tốt hơn mới cạnh tanh được. Do vậy, tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn được thế giới công nhận như VietGAP, GAHP, GMP… chính là cách để các doanh nghiệp và bà con nông dân biết sức ép thành lực đẩy, không để mất thị trường”.

Mặc dù vậy, người tiêu dùng trong nước vẫn còn nhiều băn khoăn. Nguyên nhân là do thời gian qua, các sản phẩm động vật của Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là nội tạng, và phần nhiều là hàng nhập lậu. Tại tất cả các cửa khẩu, gần như không ghi nhận lô hàng nội tạng động vật nào được nhập khẩu chính ngạch. Trong khi đó trên thị trường, các cơ quan chức năng lại phát hiện liên tiếp các lô sản phẩm động vật nhập khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn đang được lưu thông. Và cũng không ít người lo ngại về việc cho phép các doanh nghiệp tạm nhập tái xuất đối với sản phẩm động vật. Nguyên nhân chính được đưa ra là các doanh nghiệp có thể lợi dụng việc này để xé lẻ, tuồn vào nội địa tiêu thụ, nhất là khi hàng hóa liên tiếp bị ùn ứ, như hiện tại ở cảng Hải Phòng là một minh chứng. Và đây cũng không phải lần đầu, tại cảng Hải Phòng cũng như một số cảng trên cả nước rơi vào tình trạng thịt đông lạnh, nội tạng động vật bị ùn ứ do tạm nhập tái xuất.


Lê Huê

Tin khác