AGROINFO – Nhờ có nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NH NN&PTNT) Lào Cai, hơn 80 hộ đã phát triển việc thu mua nông sản với thu nhập cao. Quan trọng hơn, nguồn vốn đó đã giúp nông dân thay đổi nhận thức, lề lối canh tác theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa.
Với 98 xã vùng cao đặc biệt khó khăn đang thụ hưởng chương trình 135, giai đoạn 2 của Chính phủ, gần 90% dân số của Lào Cai sống ở khu vực nông thôn, chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp. Tại Lào Cai, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, với dân trí còn thấp. Do những khó khăn về giao thông, những khó khăn về địa hình đã làm cho đời sống người nông dân Lào Cai đã “khốn” càng thêm “khó”. Nông dân Lào Cai đang rất cần vốn, cần kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất.
|
Vốn vay từ NH NN & PTNT phát huy hiệu quả cao với người nông dân Lào Cai (Ảnh minh họa: Internet) |
Nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt của nguồn vốn với việc phát triển nông nghiệp tỉnh nhà, Ngân hàng NN& PTNT Lào Cai đã chỉ đạo 11 chi nhánh loại ba và 10 phòng giao dịch (đặt tại các cụm dân cư) lấy kinh tế hộ gia đình nông dân làm đối tượng cho vay vốn, coi đó vừa là khách hàng chiến lược, vừa là đối tượng phục vụ. Được biết, hoạt động của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở địa bàn miền núi khó là nguồn vốn huy động tại chỗ ít, trong khi nhu cầu vay lớn, có hơn 85% số nông dân cần vốn để trồng trọt, chăn nuôi, mua vật tư nông nghiệp. Do những đặc thù riêng về địa hình, về đặc điểm dân cư..nên để đưa được vốn đến tận tay người nông dân vùng cao, vùng sâu, cán bộ ngân hàng phải liên kết chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội địa phương, chúng tay giúp nông dân thoát đói, giảm nghèo.
Huyện Bảo Thắng là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đất đai Bảo Thắng chủ yếu là đất lâm nghiệp. Đất canh tác ít, tập trung ở các thung lũng ven sông, suối còn lại là đất Feralít thuận lợi cho trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả. Để hỗ trợ nông dân kịp thời có vốn phát triển sản xuất, chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại đây có sáng kiến đưa vốn nhanh, kịp thời, đáp ứng số lượng theo yêu cầu của khách hàng. Được biết, nhờ hiệu quả của vốn vay từ Ngân hàng NN & PTNT Lào Cai, hơn 80 hộ đã phát triển dịch vụ thu mua nông sản, đem lại thu nhập cao. Điều quan trọng là nhờ nguồn vốn này, nông dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, thay đổi nhận thức, lề lối canh tác theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, đồng thời bảo đảm đầu ra cho nông dân. Huyện chỉ đạo cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các hộ thu mua nông sản, cấp giấy chứng nhận cho hơn 200 trang trại nông - lâm nghiệp, giúp nông dân vay vốn của ngân hàng để phát triển, sản xuất hàng hóa.
Mường Khương là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, có 16 xã và 226 thôn, bản thuộc khu vực khó khăn. Dân số toàn huyện là 52.097 người, bao gồm 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85%. Trong đó, 3 xã chậm phát triển nhất là Pha Long, Dìn Chin, Tả Gia Khâu. Thế mạnh của địa phương là phát triển chăn nuôi trâu, ngựa, dê….Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương Nguyễn Đình Hiếu cho biết: “Huyện có 16 xã đều thuộc diện vùng 2, vùng 3 còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, nên cán bộ tín dụng phải "kiêm" cả công tác dân vận để tìm hiểu nhu cầu vốn, điều kiện thổ nhưỡng, tập quán canh tác... để giải ngân đúng đối tượng, trúng nhu cầu, tiếp sức cho nông dân thoát nghèo hiệu quả. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mường Khương đã cho 766 hộ vay hơn 32 tỷ đồng vốn. Tại ba huyện nghèo là Si Ma Cai, Bắc Hà và Mường Khương đã có gần 4.000 hộ nông dân được vay 252 tỷ đồng để phát triển sản xuất”.
Lê Huê