Nông dân Dak Lak giàu lên nhờ cây ăn quả

21/06/2010

AGROINFO - Cuối năm 2001, cây vải thiều Hải Dương, nhãn Hương Chi bắt đầu xuất hiện trên vùng đất khô cằn xã Ea Sô, huyện Ea Kar. Từ đó đến nay loại cây này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2001, nông dân Nguyễn Văn Hòa là người đầu tiên đưa cây vải thiều Hải Dương vào trồng thử nghiệm tại thôn 5, xã Ea Sô (huyện Ea Kar). Qua thời gian đầu trồng thử nghiệm, anh đã nắm vững được nhiều đặc tính của từng loại cây trồng trong vườn nhà, anh khoe: “Hàng nghìn cây ăn quả của tôi không có một cành lỗi, hàng lối cách nhau đúng quy định, bảo đảm cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh tốt nhất”.

 
 Vải thiều Hải Dương cho năng suất cao (Ảnh minh họa: Internet)

Được biết, vườn cây của anh Hòa quanh năm đều có quả bán, kể cả quả trái mùa. Nhờ nắm rõ đặc tính của cây na, nhãn, anh có thể cho ra quả trái vụ; hiện, anh đang trồng thí điểm thêm các loại cây khác như đào, mận, cam, chôm chôm…, ngoài ra, anh còn tận dụng đất trống khi vườn cây chưa khép tán, trồng xen rau màu các loại, nhất là rau sạch để sử dụng trong gia đình và bán ra chung quanh. Mỗi năm anh bán ra thị trường 20 tấn hoa quả, thu nhập trừ chi phí còn lãi 250 triệu đồng, chưa kể, năm qua anh còn thu được 175 triệu đồng từ việc trồng gừng xen trong vườn cây ăn quả. Lái thương khắp nơi đổ về mua tận vườn, không cần mang đi xa.

Nhờ thành công bước đầu của mô hình vải thiều Hải Dương tại vườn cây nhà anh Hòa, nông dân quanh vùng đã học hỏi kinh nghiệm. Dần dần giống cây này được nhân rộng. Hiện, anh Hòa đang hỗ trợ không lấy tiền trước 1.800 cây giống na, vải, nhãn cho bà con trong xã có nhu cầu, đồng thời đến từng gia đình hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây cho họ. Theo kinh nghiệm của anh Hòa, cây vải thiều, na dai, nhãn Hương Chi có đặc tính chịu hạn tốt, phù hợp với vùng đất Tây Nguyên, ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc, công đầu tư ít, đặc biệt sinh trưởng khá nhanh (vải từ khi ươm mầm đến lúc cho quả chừng 4 -5 năm; nhãn, na 2 năm). Vào mùa vụ chính, cây vải ở Tây Nguyên cho quả sớm hơn ngoài quê anh gần 1 tháng, chất lượng quả ngọt hơn, được thị trường ưa chuộng. Hiện, anh là một trong 9 thành viên của Câu lạc bộ cây vải Tây Nguyên, và luôn được đánh giá là một hội viên xuất sắc.

Nhìn thấy thành công từ vải thiều Hải Dương, nhãn Hương Chi, chính quyền xã Ea Sô, huyện Ea Kar đã chủ trương nhân rộng mô hình này, đồng thời phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi huyện mở lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho bà con, tiến tới tạo một thương hiệu cho cây ăn quả của địa phương.

 


Lê Huê (Theo Báo Đak Lak)

Tin khác