Nông dân Bát Xát xóa nghèo nhờ dưa hấu

21/06/2010

AGROINFO – Dưa hấu chỉ là một loại cây trồng phụ ở Bát Xát. Tuy nhiên, năm nay dưa hấu đã góp phần đáng kể giúp cho nhân dân các dân tộc Bát Xát xóa đói, giảm nghèo.

Vào những ngày này, khắp thành phố Lào Cai, chợ nào cũng ngồn ngộn dưa hấu. Trên đường phố, nườm nượp người đi xe máy hay xe đạp thồ bán rong dưa hấu. Màu xanh của những quả dưa làm dịu mát phố phường, vị ngọt trong màu đỏ tươi của miếng dưa xua đi cơn khát trưa hè. Dưa từ Trung Quốc sang nhập cảnh, từ các tỉnh miền Nam ngược tàu, xe ra, trong đó có nhiều dưa hấu được trồng ở các xã phía Đông Nam huyện Bát Xát.

Thu hoạch dưa hấu tại xã Quang Kim (Bát Xát). Ảnh: Cao Cường (Báo Lào Cai)

Vùng dưa Bát Xát những ngày đầu

Chúng tôi vào xã Quang Kim, địa phương trồng dưa hấu nhiều nhất huyện (30 ha), gặp vợ chồng ông Vàng A Tỷ, người bản Vĩ Kẽm đang đẩy xe đạp đèo hai sọt dưa đầy ắp đi bán. Bà Tỷ niềm nở mời chúng tôi mua dưa. Khi biết chúng tôi từ thành phố vào và còn phải đi xa, bà nhanh nhẹn lấy dao bổ một quả dưa mời: "Các bác không mua, nhưng em mời nếm thử. Bát Xát chúng em dưa nhiều mà ngon lắm, năm nay tuy nắng hạn, nhưng nhà em cũng được gần hai tấn. Nếu không vướng hai sọt dưa này, chúng em đưa hai bác về nhà xem!". Như để chứng minh cho lời nói của vợ, ông Tỷ vui vẻ kể với chúng tôi: "Trước đây, vào mùa làm cỏ hay đốt nương mới phát để tra lúa, cách chừng mươi lăm bước chân và ven nương, mọi người cuốc hố rồi tra hạt dưa hấu, cùng bầu, bí, mướp. Khi làm cỏ lúa nương, quả dưa trở thành thứ giải khát quý giá. Buổi chiều về nhà, trong thồ có quả bí, mướp làm rau và cả quả dưa hấu làm quà cho người già, trẻ con ở nhà. Đường xa lại khó đi, quả dưa nặng nên không mấy khi người ta đưa được xuống chợ. Khi Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc) mở rộng thông thương, dưa hấu ồ ạt nhập khẩu sang, nhiều người đã trồng dưa giống cũ để bán, nhưng mọi khó khăn cứ bò nhằng nhằng như dây dưa. Giống dưa hấu của mình quả ít, lại nhỏ, màu vỏ không đẹp mắt. Mười quả thì có tới năm, sáu quả bị vẹo vọ, không tròn đều. Đưa ra phố chợ Lào Cai, có người không bán được quả nào vì không bì được với dưa Trung Quốc và miền Nam, nên phải thồ về. Năm 1998, một số người trong xã mạnh dạn mời bà con sinh sống bên Hà Khẩu sang chơi và hướng dẫn cách trồng dưa hấu. Gặp năm thuận thời tiết, nên chỉ chưa đầy ba tháng, gần 2 ha dưa cho thu hơn 30 tấn quả. Những năm tiếp theo, người Quang Kim và mấy xã lân cận cũng cùng trồng, nên Bát Xát trở thành vùng dưa như bây giờ!

Quả dưa hấu: Quen mà lạ

Vào thăm nhà ông Vàng Thông Siên, dân tộc Dao, xã Phìn Ngan trồng 5.000 m2 dưa, năm nay thu hoạch được hơn 2 tấn quả. Đưa chúng tôi vào xem kho dưa chở từ ruộng về, ông Siên kể: Xã mình thuộc vùng cao, nên chỉ cấy được lúa vụ mùa. Khi thực hiện thâm canh tăng vụ đã trồng các loại cây ngắn ngày, nhưng phần do nhu cầu thị trường, phần do không phù hợp với khí hậu và đất đai, nên những loại cây này không trồng đại trà được. Năm 2003, ông Vàng A Chảo và Vàng Duần Phú là hai hộ trồng dưa hấu đầu tiên của xã. Tuy cây dưa hấu cũ đã lâu đời, nhưng sự đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật canh tác và đặc tính của giống dưa mới, nên phải nhờ một số người Giáy ở Làng San đã từng trồng, giúp đỡ. Vì không thể dùng hạt của quả đã thu năm trước làm giống được, nên họ phải mua giống từ bên Trung Quốc. Tuy cũng là giống Trung Quốc, nhưng có hai loại khác nhau. Loại quả nây tròn to, lượng nước nhiều, nhưng lượng đường thấp hơn và vỏ mềm khó bảo quản. Loại quả thon dài có ưu thế trội hơn, nhưng năng suất thấp, song giá bán bao giờ cũng cao hơn gấp rưỡi.

Thường là sau tết nguyên đán, khi vào tiết vũ thủy, trời ấm, đất ẩm là bắt đầu trồng cho đến cuối tháng 2 âm lịch. Nhưng cây nào cũng vậy, không có nước là không được ăn đâu! Năm nay nắng hạn lâu quá, ruộng nhà nào không dẫn nước vào tưới là dưa bị chết hết. Chúng tôi hỏi ông việc trồng dưa giống mới đòi hỏi kỹ thuật có phức tạp lắm không? Với sự thông thạo của người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, ông cười: Giống dưa mới này năng suất cao, nhưng khả năng chống sâu bệnh rất kém, vì vậy dứt khoát phải bón phân chuồng, phân NPK cho cây phát triển và dùng thuốc kích thích sinh trưởng và ra hoa đúng lúc. Giống dưa mới thân mềm hơn dưa cũ rất nhiều, nên lúc chăm sóc phải thật nhẹ nhàng, nếu bị dập gần gốc có khi cả khóm dưa bị chết khô. Lúc quả đã to bằng bát ăn cơm là dễ bị thối hoặc mối xông. Vì vậy, phải kê cho quả không nằm sát mặt đất. Hai hoặc ba ngày lại phải nhẹ nhàng đảo một lần từ bên này sang bên kia để quả nhận đều ánh nắng mặt trời giúp cho vỏ xanh đẹp và ngọt đều. Dưa thường chín rộ từ 15 đến 20 ngày, nên đòi hỏi phải tính toán rải thời gian trồng hợp lý, vì thế rất khó cho việc chăm sóc khi trồng đại trà.

Dưa hấu Quang Kim có mặt tại khắp các chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai. Ảnh: Cao Cường (Báo Lào Cai)

Cây trồng phụ - hiệu quả cao

Ông Trần Văn Quyền, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Bát Xát cho chúng tôi biết: Trong mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài lúa, ngô là cây chủ lực của ngành trồng trọt, huyện Bát Xát đã đưa một số loại cây có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Song song với cây trồng lâu năm như: cao su, chuối, nhãn, vải, xoài… Bát Xát chú trọng đẩy mạnh trồng các loại cây ngắn ngày nhằm giải quyết thêm việc làm cho người lao động, tận dụng đất một vụ lúa và điều quan trọng là tăng thu nhập cho nông dân. Cây dưa có thời gian sinh trưởng ngắn, lại thu hoạch trước thời vụ cấy lúa mùa và tra ngô hơn một tháng, nên không ảnh hưởng tới tiến độ làm đất trồng lúa, ngô. Vì vậy, có năm diện tích dưa hấu lên gần 100 ha. Hiện nay, dưa hấu đang được trồng ở 5 xã: Quang Kim, Bản Qua, Phìn Ngan, Tòng Sành, Cốc San, là nơi gần thành phố Lào Cai, thuận lợi trong việc tiêu thụ. Năm 2010, toàn huyện có 50 ha dưa, tổng sản lượng đạt chừng trên 1.000 tấn. Theo giá bình quân thì dưa hấu đã đem lại nguồn thu chừng 3,5 tỷ đồng và thực sự trở thành cây trồng giúp nhân dân các dân tộc Bát Xát xóa đói, giảm nghèo.


Lê Huê (Theo Báo Lào Cai)

Tin khác