Bởi làng nghề góp phần không nhỏ vào việc cải thiện đời sống của cư dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ổn định xã hội, đồng thời có ý nghĩa to lớn về bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc và đóng góp quan trọng trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong thời hội nhập, bên cạnh những tác nhân có lợi cũng có rất nhiều tác nhân bất lợi cho sự phát triển của làng nghề. Để khắc phục nhân tố đó, làng nghề cần có những giải pháp mang tính đồng bộ.
Thúc đẩy kinh tế phát triển
Cả nước hiện có khoảng 2.790 làng có nghề, trong đó có hơn 2000 làng nghề truyền thống. Các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11,0 triệu lao động thuộc 1,423 triệu hộ gia đình, trong đó có cả người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động nông nhàn (Hiệp hội làng nghề Việt Nam, 2008), đem lại việc làm cho hơn 1,30 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 - 5 triệu lao động thời vụ.
|
Làng nghề góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển |
Hiện nay, nhiều làng nghề đã thu hút trên 70% lao động của làng vào các nghề thủ công, đem lại giá trị sản xuất tiểu thủ công vượt trội so với nông nghiệp. Đã có nhiều xã do phát triển nhiều nghề, làng nghề mà thu nhập của dân cư có đến 70 - 80% là từ tiểu thủ công nghiệp. Làng nghề phát triển còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác, dịch vụ khác, qua đó tạo thêm việc làm, thêm thu nhập cho dân cư nhiều vùng nông thôn. Ví như nghề mây tre đan đã kéo theo sự phát triển những vùng trồng cây làm nguyên liệu; ngành chế biến lương thực, thực phẩm đã thúc đẩy ngành trồng trọt, chăn nuôi phục vụ chế biến. Do sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, các dịch vụ như tín dụng, ngân hàng, các dịch vụ khoa học kỹ thuất phục vụ nâng cao năng suất lao động, dịch vụ về đời sống,... cũng có thêm điều kiện phát triển, làm phong phú cuộc sống ở nông thôn.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề nước ta hiện nay đã được xuất khẩu tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ, một số hàng được nước ngoài đánh giá cao. Giá trị hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tăng lên nhanh và đang có nhiều triển vọng. Năm 2000 mới đạt 273,7 triệu USD, năm 2007 đã đạt 750 triệu USD. Đó là chưa kể mặt hàng gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ, năm 2007 có tiến bộ vượt bậc, đạt kim ngạch xuất khẩu 2,37 tỷ USD, năm 2008 xuất khẩu thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 800 triệu USD và đồ gỗ đạt 2,4 tỷ USD. Cả nước có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ đạt 744 triệu USD, chiếm tới 39% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ cả nước, tiếp đó là thị trường EU được 500 triệu USD.
Những con số về số lượng người lao động được giải quyết công ăn việc làm, về số ngoại tệ thu về trên đây đã phần nào nói lên vai trò to lớn của nghề truyền thống trong đời sống xã hội - đặc biệt là trong đời sống của người dân nông thôn. Có thể nói, làng nghề truyền thống đã và đang tiếp tục góp phần vào công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các vùng nông thôn, giúp cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước tiến triển thuận lợi hơn.
Bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống
Không chỉ là phát triển kinh tế theo ý nghĩa thông thường, mà làng nghề truyền thống còn đóng vai trò phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc. Trong làng nghề, đã tồn tại từ lâu đời các ngành nghề truyền thống gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người nghệ nhân được lưu truyền từ hàng trăm. Những giá trị đó được đời này nối tiếp đời kia gìn giữ, kế thừa và phát triển. (Cũng có những nghề truyền thống bị mai một nhưng nay đã và đang tiếp tục được khôi phục) Có những sản phẩm mang dấu ấn thời đại, đặc điểm làng nghề, phong cách nghệ nhân khá đậm nét. Cũng là gốm sứ, nhưng gốm Chu Đậu có những giá trị nổi bật, gốm sứ Bát Tràng khác với gốm sứ Móng Cái, gốm Chăm, gốm Bình Dương,…
Mỗi làng nghề đều có lịch sử phát triển, có sản phẩm vật thể và phi vật thể truyền thống, có những nghệ nhân tiêu biểu. Làng Gốm Chăm Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận) đã đắp hai chiếc bình gốm vào loại cao nhất nước hiện nay, bên ngoài là phù điêu các điệu múa quạt hoặc vũ điệu Apsara. Đã có những sáng tạo rất đặc biệt trong việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ làm ra những sản phẩm độc đáo mang sắc thái địa phương, như ở Bến Tre, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ dùng làm vật dụng hàng ngày và đồ trang sức từ cây dừa. Làng nghề rượu Phú Lễ (Ba Tri, Bến Tre) đã khôi phục loại rượu truyền thống có từ thời Vua Tự Đức. Đã có những sáng tạo mới nhất của các nghệ nhân như: làm tranh bằng chất liệu đá quý, làm tranh từ vỏ ốc, tranh từ hoa và lá khô, từ tre hun khói,...
Bên cạnh đó, với sự kết hợp giữa các khu du lịch với làng nghề, du khách quốc tế đến với Việt Nam đang cảm thấy thích thú hơn khi họ được khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của người Viết được lưu giữ từ ngàn xưa trong những làng nghề truyền thống. Đây có lẽ là phương thức quảng bá hình ảnh đất nước, con người, và văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả nhất đến thế giới .
Những nhân tố tác động đến sự phát triển của làng nghề.
Theo số liệu thống kê cuối năm 2008, ở 38 tỉnh, thành phố, có 9 làng nghề đã phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng; việc phá sản các làng nghề làm ít nhất 2.166 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh phá sản, 468 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng trong thời kì đầu khủng hoảng kinh tế. Và, tính từ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế đi qua cho đến nay, cho dù đã có nhiều cố gắng, giải pháp nhưng nhiều làng nghề vẫn còn đang gặp không ít khó khăn.
Các chuyên gia nghiên cứu về làng nghề đã chỉ ra các tác nhân cơ bản ảnh hưởng đến sự phát triển của làng nghề đó là: Thị trường tiêu thụ sản phẩm; Vốn dành cho phát triển kinh doanh; Cơ sở hạ tầng; Nguồn nhân lực; Trình độ kĩ thuật và công nghệ; kinh nghiệm tiếp cận thị trường; Kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm; Trình độ quản lý doanh nghiệp
Như đã biết, trong thời kì khủng hoảng kinh tế, hầu hết các làng nghề không thể xuất khẩu được sản phẩm, việc tiêu thụ hàng hoá trong nước cũng bị đình trệ gây nên tình trạng dư thừa sản phẩm. Mất thị trường tiêu thụ, hoạt động của các làng nghề bị đình trệ, kéo theo các doanh nghiệp kinh doanh nguyên liệu cho đến các doanh nghiệp trung gian khác,các hộ nghề đều phải hoạt động cầm chừng, thậm chí phải đóng cửa tạm thời hoặc công bố phá sản. Không tiêu thụ được sản phẩm đồng nghĩa là vốn không được quay vòng nên hầu hết tiền vốn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị đọng vào các kho hàng. Trong khi đó, để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát của chính phủ, từ đầu 2008 nhiều ngân hàng phải xiết chặt tiền tệ, hạn chế cho vay đã làm cho các doanh nghiệp, hộ nghề tại các làng nghề mất đi nguồn huy động chủ yếu. Thêm nữa là sự mất ổn định của giá cả nguyên liệu đầu vào càng làm cho làng thêm khó khăn chồng chất. Tuy nhiên trước yêu cầu bức xúc của doanh nghiệp làng nghề, một số ngân hàng đã có động thái quan tâm hơn đến việc cho vay đối với loại hình doanh nghiệp này; nhưng trên thực tế, các điều kiện để được vay lại khắt khe hơn rất nhiều, từ việc đánh giá các tài sản thế chấp, cầm cố thường quá thấp so với thực tế, việc xem xét phương án kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn càng chặt chẽ hơn trước.
Đối với cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, các công trình dịch vụ thương mại... tại nhiều làng nghề hiện nay còn chưa đồng bộ - đây là một nhân tố không thuận lợi cho sự phát triển của làng nghề. Trong thời hội nhập, sản phẩm của làng muốn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế thì nó cần phải đạt độ tinh xảo cao. Nhưng vấn đề mà một số làng nghề gặp phải là trình độ lao động chưa cao để làm ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Do đó, nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ kĩ thuật, tay nghề cho người lao động tại các làng nghề này đang trở nên bức thiết. Cơ chế của thị trường hiện nay là sự cạnh tranh gay gắt về năng suất, chất lượng và giá cả của sản phẩm. Do đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ có tác động to lớn đến khả năng cạnh tranh, tăng năng suất lao động và chất lượng của sản phẩm. Nhưng, việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến hiện nay ở làng nghề của nước ta còn nhiều hạn chế...Để các làng nghề thủ công thật sự hồi phục và phát triển ở thời kì hậu khủng hoảng, thì cần có những giải pháp mang tính đồng bộ được áp dụng cho làng nghề.