Gỗ Đồng Kỵ “suy thoái” cùng kinh tế

28/06/2010

AGROINFO - Nguồn vốn “chết”, thị trường tiêu thụ tụt dốc khiến doanh nghiệp phá sản… là thực trạng ở Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) - 1 trong những làng nghề có nghề đồ gỗ mỹ nghệ “thịnh” nhất trong các làng nghề ở miền Bắc.

Kinh tế suy thoái, làng nghề “thảnh thơi”

Đến Đồng Kỵ sau tháng ăn chơi, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi là con phố rộng rãi vắng hoe. Hình ảnh những chuyến xe tải lớn nhỏ ồ ạt chạy về làng chở gỗ, chuyển hàng làm chật cứng cả con đường như trước kia nay không còn thấy.

Đồ gỗ Đồng Kỵ - sản xuất cầm chừng qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế (Ảnh minh họa: Internet)
Trong làng nghề vốn bận rộn vì làm ăn và mải mê làm giàu, nay tiếng máy cưa, máy xẻ… ở các xưởng gỗ chỉ còn nghe “loáng thoáng”. Người dân “thảnh thơi” ngồi ở các quán cóc tán chuyện vẫn như thể đang “hưởng thụ” cái tháng ăn chơi.

Khoảng gần 1 năm nay, dân Đồng Kỵ đã có “không gian” sống như thế. Cuộc khủng hoảng kinh tế “thôn tính” cả làng nghề, việc sản xuất kinh doanh đình trệ, thị trường tụt dốc, sản phẩm làm ra không bán được và không thu hồi được vốn. Bà Hiền (chủ 1 cơ sở sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ) bày tỏ: “Năm nay làm ăn khó khăn gấp nhiều lần năm ngoái, năm xưa. Gia đình tôi không xuất khẩu được mà chỉ bán ở trong nước nhưng sức tiêu thụ rất kém”. Khó khăn về thị trường nên nhiều sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao còn mới nguyên nhưng dân kinh doanh phải đem bán theo kiểu thanh lý hàng tồn kho để “vớt vát” vốn được ít nào tốt ít đấy.

Đơn cử như từ chủng loại gỗ trắc (loại gỗ rất tốt) làm ra các sản phẩm mỹ nghệ cao cấp, trước kia bán ra với giá trung bình là 120 triệu đồng/bộ sản phẩm thì nay chỉ bán được 40 triệu đồng. Người dân phải bán rẻ, bán lỗ vốn nên thua thiệt.

Ông Nguyễn Tiến Nhuận (Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ) cho biết: “Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã có tiếng, thị trường tiêu thụ ở cả trong nước và ngoài nước (xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 70%).

Thế nhưng nay sản phẩm làm ra không bán được, việc kinh doanh sản xuất đã giảm gần 60% so với năm trước, thị trường Trung Quốc chỉ tiêu thụ được 25% sản phẩm”.

Chủ phá sản, công nhân thất nghiệp

Cái thời hàng hoá sản xuất ra không đủ tiêu thụ thúc các ông chủ cơ sở sản xuất phải tìm thợ khắp nơi. Khi đó, nhiều xưởng sản xuất lớn tập trung tới 20, 30 thậm chí là 40 công nhân mà làm vẫn không hết việc.

Trong thời buổi khó khăn hiện nay, các xưởng sản xuất “ế” người làm, hầu như toàn bộ công nhân ngoại tỉnh “được” nghỉ việc và cơ sở sản xuất chỉ hoạt động với quy mô “hộ gia đình”. Nguồn vốn kinh doanh không thể quay vòng, sản phẩm khó tiêu thụ nên hộ nào có thể sản xuất cầm chừng đã là may mắn. Nhiều cơ sở sản xuất theo kiểu có đơn đặt hàng thì làm còn không thì “gác máy” cho đỡ lỗ nặng hơn. Chưa hết, trong cơn bão suy thoái kinh tế, có không ít hộ làm ăn lớn, đã từng là tỷ phú thì nay bị thua lỗ dẫn tới phá sản và kéo nhau ra toà để kiện tụng.

Thực tế, do hàng làm ra không bán được, nguồn gỗ buôn về không thể tiêu thụ, còn các cơ sở sản xuất rất cầm chừng nên không thể nhập gỗ về để chế biến khiến cung thừa cầu, vốn bỏ ra đầu tư nay “chết” cùng đống gỗ nên đã dẫn tới phá sản.Bị phá sản chủ yếu là những hộ buôn bán gỗ. Trước tình hình này, địa phương chúng tôi chưa có định hướng gì mới cho người lao động mà chỉ biết trông chờ vào những giải pháp của Nhà nước để cứu vãn tình thế ” - ông Nhuận cho hay.


Theo dantri.com

Tin khác