Lao động làng nghề lao đao sau khủng hoảng

30/06/2010

AGROINFO - Theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, thời gian gần đây, số lượng lao động thường xuyên trong các làng nghề giảm tới 35% mỗi năm. Thiếu nhân lực là một trong những trăn trở lớn đối với các doanh nghiệp hiện nay.

Lao động làng nghề giảm về số lượng?

Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, hiện nay các làng nghề đang dần dần hồi phục. Tuy nhiên, tại nhiều làng nghề truyền thống, việc quay trở về thời “hoàng kim” không phải là chuyện ngày một ngày hai. Làng nghề đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về lao động. Thói quen chỉ làm nghề theo mùa vụ hoặc làm trong những lúc nông nhàn của người dân đã có từ xưa. Khi các làng nghề đang cố gắng để chuyên nghiệp hơn trong các khâu sản xuất, câu chuyện thiếu lao động đang ngày càng trở thành vấn đề được quan tâm và đã tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.

Cần nhiều hơn nữa những lao động lành nghề để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao (Ảnh minh họa: Internet)

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, đến năm 2008, cả nước có khoảng 11 triệu lao động làng nghề, trong đó có khoảng 4,5 – 5 triệu lao động thường xuyên. Tuy nhiên, sang đến năm 2009, do sự suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động của các làng nghề bị ảnh hưởng, số lao động lành nghề vẫn thiếu so với yêu cầu. Việc thanh niên ngày càng không mặn mà với nghề truyền thống khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng không ký được hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Và với chính bản thân người lao động, do nhu cầu nhân sự của các doanh nghiệp giảm nên sau khủng hoảng, nên vấn đề tìm việc cũng khó hơn. Theo ước tính, chỉ riêng khu vực làng nghề gỗ Đồng Kỵ và Phù Khê thời kỳ cao điểm đã tạo việc làm cho khoảng hơn 10.000 lao động địa phương và trong vùng. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 50-60%, dự đoán trong thời gian tới tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra. Thực tế trên đã gây ra không ít khó khăn cho người lao động.

Khu vực “chợ lao động” phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn) không còn nhộn nhịp như cách đây 3-4 năm, 8h30 mà vẫn còn khá nhiều lao động chưa kiếm được việc làm, nhất là các lao động phổ thông. Chị Nguyễn Thị Thường, quê Yên Phong cho biết: “Trước đây, chỉ đến tầm 7h30 là tất cả các lao động đến Đồng Kỵ đã bắt tay vào làm việc. Nhiều lúc thiếu nhân công, các chủ cơ sở sản xuất phải dặn những người đã thuê hôm sau đến làm tiếp. Nhưng gần 2 năm nay công việc ít đi, ngày nào cũng có khá nhiều lao động đến Đồng Kỵ mà không tìm được việc làm.

Tăng chất lượng lao động làng nghề, yêu cầu cần thiết

Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục (Đại Bái) cho biết: “Trong khi nhiều lao động phổ thông bị thất nghiệp thì số lao động có tay nghề cao, có trình độ vẫn rất thiếu, chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30 % nhu cầu”.

Có thể nói, đúc đồng là nghề thủ công đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh tế, công phu vào hạng nhất. Công việc chạm khắc đòi hỏi người thợ phải thật kiên trì, cần mẫn và tập trung cao độ mới làm được. Ông Lục giải thích: “Nghề này đào tạo cũng khá nhanh, nếu người nào yêu nghề, lại có khiếu thì chỉ cần 6 tháng đến 1 năm là có thể làm được việc. Tuy nhiên, nhiều người nóng tính, không cẩn thận hay bị búa đập vào tay, vài hôm là bỏ nghề... Do đó, lao động thực sự có tay nghề cao, gắn bó với nghề thì thiếu nhiều, nhất là lao động trẻ”.

Nghề thủ công mỹ nghệ không phải học được ngày một, ngày hai mà phải học lâu dài, phải có cái tâm với nghề, có bàn tay khéo léo và óc sáng tạo. “Để đào tạo được một thợ chạm gỗ cũng như chạm khắc đồng đạt đến độ tinh xảo thì phải mất từ 5-10 năm” - Nghệ nhân Vũ Quý (Đồng Kỵ) tâm sự. Nghề làm gỗ mỹ nghệ cũng chạm khắc theo những công thức, quy ước nghiêm ngặt như: tứ quý, tứ linh rồi ngư, tiều, canh, mục... Ở một số cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trong làng nghề Đồng Kỵ, Phù Khê còn sản xuất theo luật phong thủy. Do đó đòi hỏi sự hiểu biết, tài năng và cảm nhận tinh tế của người thợ để cho ra những sản phẩm có hồn.

Theo quan điểm của ông Quý thì chỉ có những thợ vụng mới thất nghiệp, còn những người có tay nghề cao thì không bao giờ thất nghiệp. Giá một ngày công của thợ tay nghề cao ở Đồng Kỵ hiện là khoảng 150.000-200.000 đồng/người/ngày trong khi thợ bình thường chỉ khoảng 70.000 - 80.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên, tìm được thợ tay nghề cao cũng rất khó, vì số lượng thợ này không nhiều, các cơ sở sản xuất luôn đưa ra những hình thức nhằm giữ chân những người thợ giỏi.

Cần đầu tư hơn nữa cho hoạt động đào tạo lao động lao động làng nghề

Không phải ngẫu nhiên mà lao động làng nghề đang rơi vào tình trạng vừa thừa vừa thiếu như thế. Nguyên nhân có thể một phần do tiền lương còn thấp nên chưa khuyến khích được người lao động, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó còn phản ánh phần nào hạn chế của công tác đào tạo nghề. Một thực tế cho thấy trên địa bàn Bắc Ninh, tỉnh tập trung nhiều làng nghề ở Đồng bằng Sông Hồng hiện có rất nhiều các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề song trong những cơ sở này chưa có bất cứ một lớp dạy nghề gỗ mỹ nghệ hay chạm khắc đồng nào. Việc đào tạo nghề chủ yếu vẫn là truyền nghề do các cơ sở sản xuất tự thực hiện theo kinh nghiệm.

Việc đào tạo một thợ lành nghề đã khó nhưng, việc giữ cho người thợ ấy gắn bó và nhận thức đúng về nghề lại là cả một quá trình gian nan. Đứng trước việc chảy máu chất xám làng nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã có những đề xuất để tháo gỡ những khó khăn này cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng không phải là chuyện một sớm một chiều.

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội làng nghề Việt Namcho biết: Trước tình hình lao động ở nông thôn đang thiếu như vậy, đặc biệt là trong các làng nghề, chúng tôi đã đề xuất và được chính phủ chấp nhận là tham gia đào tạo 1 triệu lao động, năm 2010 dự kiến đào tạo 3000 – 7000 người. Họ học xong là có việc ngay, và trong khi đào tạo không phải đóng một khoản phí nào cả mà thậm chí còn được thu thêm. Tôi tin rằng, việc đó sẽ đảm bảo sức lao động ở nông thôn phát triển tốt hơn”.

Hiệp hội làng nghề Việt Nam cũng cho biết, theo dự tính, các lớp học đầu tiên sẽ được khai giảng vào tháng 8 tới đây tại 13 tỉnh ở miền Bắc và miền Trung. Chắc chắn sẽ cần nhiều hơn nữa những chính sách như thế để “người làng nghề yên tâm sống với nghề hơn”. Tuy nhiên, trước khi bài toán thiếu lao động được giải quyết triệt để vẫn rất cần một nhận thức đúng đắn của người dân về công việc làm nghề.


Lê Huê

Tin khác