Nỗi buồn làng nghề truyền thống

01/07/2010

AGROINFO - Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 20 làng nghề truyền thống. Trong đó, chỉ có 60% làng nghề hoạt động hiệu quả, số còn lại đa phần trong tình trạng dần “mất tích”.

Người dân làng Phương Ngạn nhớ nghề nên mang tre làm quạt.
“Chiếu buồn" đất Lâm Xuân

Cách đây chục năm, tôi có dịp về làng chiếu Lâm Xuân, xã Gio Mai (Gio Linh), vừa đến đầu làng đã nghe tiếng thoi dệt chiếu lách cách, rộn ràng.

Ông Võ Viết Thành, Trưởng thôn Lâm Xuân buồn rầu: “Làng tui chừ không còn nghề dệt chiếu nữa. Mất từ lâu rồi”. Nguyên nhân khiến nghề dệt chiếu ở đây bị mai một là từ ngày ngăn sông Cánh Hòm để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ không còn nước mặn cho cây lạc, cói phát triển. Không có nguyên liệu, đồng nghĩa với việc nghề dệt chiếu của làng không còn tồn tại. Nguyên nhân nữa là do chiếu Lâm Xuân dệt ra tuy chắc, bền nhưng mẫu mã không đẹp, trong khi đó chiếu Trung Quốc, Thái Lan ồ ạt tràn vào với mẫu mã bắt mắt, kiểu dáng đẹp, giá cả phải chăng đã đẩy chiếu Lâm Xuân vào tình cảnh không tiêu thụ được. Ngày trước, cả làng có hơn 100 khung dệt với 2/3 số hộ dân trong làng theo nghề dệt chiếu, mỗi ngày cho ra lò hơn 300 sản phẩm. Thế mà nay, chỉ còn 2 hộ giữ lại khung dệt, thỉnh thoảng dệt vài chiếc chiếu cho đỡ nhớ nghề.

Ông Thành đưa tôi tới gia đình bà Trần Thị Nậy (75 tuổi), người còn giữ một trong hai khung dệt chiếu cuối cùng của làng. Căn nhà nhỏ lụp xụp nhưng bà Nậy vẫn dành một không gian trang trọng để đặt khung cửi. Bà buồn buồn cho biết: “Chừ người làng Lâm Xuân không còn mặn mà với nghề dệt chiếu nữa. Xưa, cứ độ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, người làng bắt đầu rủ nhau ra vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ bứt lác, cói về phơi nắng. Lác, cói phơi nắng khoảng 3-4 ngày là có thể đem dệt chiếu. Chiếu Lâm Xuân có ưu điểm là bền, chắc, nằm mát về mùa hè, ấm về mùa đông”. Ông Thành trầm ngâm: “Hiện cả làng Lâm Xuân có đến 50% số hộ chuyển sang làm nghề bán chiếu. Nhưng trong tâm khảm, chúng tôi vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ nghề dệt chiếu từng một thời vàng son”.

Còn đâu nghề quạt giấy?

Cũng giống làng Lâm Xuân, làng quạt Phương Ngạn giờ chỉ còn trong hoài niệm. “Làng tui chừ có ai làm quạt giấy nữa mô. Mà làm ra thì cũng chẳng có ai mua. Nghề làm quạt giấy của làng tui có từ thuở lập làng. Xưa, cứ vào tầm tháng 11 đến tháng Chạp, người dân Phương Ngạn bắt đầu chặt tre thành từng khúc, sau đó mang trui lên lửa rơm cho khô rồi chẻ thành nan. Nan chẻ xong bó lại thành bó để lên gác bếp. Sau Tết, người làng vác cuốc lên vùng gò đồi Tây Triệu Phong tìm đào rễ sim mang về rửa sạch, cạo vỏ giã nhỏ cho vào hũ sành ngâm với nước. Khi nước ngâm có màu tím thẫm là đến công đoạn phết nước ngâm rễ sim lên giấy bồi. Nan tre mang xuống đóng lại thành bộ khung rồi dán giấy bồi lên là ra sản phẩm. Cách đây chục năm, hầu hết người làng Phương Ngạn đều làm quạt giấy trong những lúc nông nhàn. Bình quân, mỗi người làm ra 20 chiếc quạt giấy/ngày, mỗi chiếc quạt bán với giá 500-1.000 đồng. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước, giờ cả làng Phương Ngạn không còn một ai làm quạt giấy”, ông Nguyễn Thanh Duệ, Trưởng thôn Phương Ngạn cho biết.

Tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Mãng nằm ở cuối thôn. Chỉ vào đống nan tre, bà cười buồn: “Bó nan ni là do tui nhớ nghề nên mang ra làm cho vui chứ có dự định bán mua chi mô. Thấy tui ngồi tỉ mẩn vót từng nan quạt, mấy đứa con bảo tui lẩn thẩn. Tui nói với con là không nhờ mấy chiếc quạt giấy ni thì liệu mấy đứa có được ăn học đến nơi, đến chốn. Giận con thì nói rứa, chứ biết làm ra mấy cái quạt cũng không dùng vào việc chi”.

Có thể nói, trước cơn lốc của hàng ngoại nhập và cả sự kém năng động của người dân mà nhiều làng nghề ở Quảng Trị phải sống trong cảnh chợ chiều. Nếu có sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc hỗ trợ kinh phí cho bà con học tập kỹ thuật, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, tin rằng, nhiều làng nghề sẽ hồi sinh.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác