Hướng đi mới cho làng nghề Bát Tràng

28/06/2010

AGROINFO - Để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, mới đây, Sở Công Thương thành phố đã có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến khảo sát, xây dựng 4 tour du lịch làng nghề, trong đó có tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Tinh hoa gốm sứ Bát Tràng

Hầu hết, đồ gốm Bát Tràng được sản xuất theo lối thủ công, thể hiện rõ rệt tài năng sáng tạo của người thợ lưu truyền qua nhiều thế hệ. Do tính chất của các nguồn nguyên liệu tạo cốt gốm và việc tạo dáng đều làm bằng tay trên bàn xoay, cùng với việc sử dụng các loại men khai thác trong nước theo kinh nghiệm nên đồ gốm Bát Tràng có nét riêng là cốt đầy, chắc và khá nặng, lớp men trắng thường ngả mầu ngà, đục. Bát Tràng cũng là làng gốm có các dòng men riêng từ loại men xanh rêu cùng với nâu và trắng cho đến men rạn với cốt gốm xốp có mầu xám nâu. Dựa vào ý nghĩa sử dụng, có thể phân chia loại hình của đồ gốm Bát Tràng như sau:

* Đồ gốm gia dụng: Bao gồm các loại đĩa, chậu hoa, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, choé và hũ.

* Đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng: Bao gồm các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, mâm gốm và kiếm. Trong đó, chân đèn, lư hương và đỉnh là những sản phẩm có giá trị đối với các nhà sưu tầm đương đại vì lẽ trên nhiều chiếc có minh văn cho biết rõ họ tên tác giả, quê quán và năm tháng chế tạo, nhiều chiếc còn ghi khắc cả họ và tên của những người đặt hàng. Đó là một nét đặc biệt trong đồ gốm Bát tràng.

* Đồ trang trí: Bao gồm mô hình nhà, long đình, các loại tượng như tượng nghê, tượng ngựa, tượng Di Lặc, tượng Kim Cương, tượng hổ, tượng voi, tượng người ba đầu, tượng đầu khỉ mình rắn và tượng rồng.

Đặc trưng về dòng men gốm sứ Bát Tràng

Gốm Bát Tràng có 5 dòng men đặc trưng được thể hiện qua mỗi thời kỳ khác nhau để tạo nên những sản phẩm đặc trưng khác nhau: men lam xuất hiện khởi đầu ở Bát Tràng với những đồ gốm có sắc xanh chì đến đen sẫm; men nâu thể hiện theo phong cách truyền thống và được vẽ theo kỹ thuật men lam; men trắng ngà sử dụng trên nhiều loại hình đồ gốm từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, men này mỏng, màu vàng ngà, bóng thích hợp với các trang trí nổi tỉ mỉ; men xanh rêu được dùng kết hợp với men trắng ngà và nâu tạo ra một đòng Tam thái rất riêng của Bát Tràng ở thế kỷ 16–17 và men rạn là dòng men chỉ xuất hiện tại Bát Tràng từ cuối thế kỷ 16 và phát triển liên tục qua các thế kỷ 17–19.

Nhiều bạn trẻ đến với Bát Tràng muốn tự tay làm các đồ gốm (Ảnh minh họa: Internet)

Một hướng phát triển mới

Giờ đây, gốm sứ Bát Tràng không chỉ phát triển các ngành nghề sản xuất thông thường. Du lịch Bát Tràng cũng đang đi lên song song cùng sự phát triển của làng nghề gốm sứ truyền thống. Nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, mới đây, Sở Công Thương thành phố đã có kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến khảo sát, xây dựng 4 tour du lịch làng nghề, gồm: tour thăm làng nghề khảm trai Chuôn Ngọ - thêu Thắng Lợi - sơn mài Hạ Thái; tour thăm làng nghề mây tre đan Phú Vinh - lụa Vạn Phúc; tour thăm làng lụa Vạn Phúc - điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng; tour thăm làng nghề gốm sứ Bát Tràng- may da, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ… để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô.

Việc xây dựng tour du lịch làng nghề góp phần khai thác lợi thế về du lịch của các làng nghề, khai thác nét truyền thống văn hóa, lịch sử của các nghề thủ công truyền thống, nét tài hoa của những người thợ thủ công mà du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất ưa chuộng. Đồng thời, thông qua phát triển du lịch làng nghề kích cầu tiêu dùng hàng thủ công mỹ nghệ, tìm đầu ra cho sản phẩm và giới thiệu tiềm năng lợi thế phát triển của làng nghề.

Để tạo sức hấp dẫn đối với du khách, Sở Công Thương Hà Nội đã lựa chọn và giới thiệu một số cơ sở tiêu biểu trong làng nghề có địa điểm thuận tiện di chuyển, có quy mô sản xuất và vệ sinh công nghiệp tốt, các gia đình có kiến trúc cổ, các công trình văn hóa của địa phương, địa danh có phong cảnh đẹp để xây dựng các điểm thăm quan cho khách du lịch. Đồng thời phối hợp với địa phương có các điểm du lịch làng nghề chỉnh trang công trình văn hóa, vệ sinh cảnh quan môi trường làng nghề, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách; triển khai tổ chức tập huấn kiến thức du lịch cho các hộ gia đình tham gia cung cấp sản phẩm, đón tiếp khách du lịch.


Lê Huê

Tin khác