Dịch bệnh bùng nổ trên cây chanh dây

29/06/2010

AGROINFO - Bất chấp mọi khuyến cáo của ngành nông nghiệp, diện tích cây chanh dây ở Đăk Nông vẫn được người dân mở rộng từng ngày. Hiện tại, người nông dân trồng cây chanh dây đang phải đối phó với nhiều dịch bệnh.

Diện tích trồng cây chang dây ngày càng được mở rộng

Diện tích trồng cây chanh dây ngày càng được mở rộng

Cây chanh dây được một số Hợp tác xã đưa vào trồng thử nghiệm ở Đác Nông từ năm 2007. Hiệu quả kinh tế từ cây trồng này mang lại khá cao, mỗi ha mỗi năm cho thu nhập từ 500-600 triệu đồng nên trong ba năm qua, diện tích cây chanh dây ở Đác Nông đã bùng phát mạnh (báo Nhân Dân điện tử đã có bài phản ảnh). Theo thống kê, toàn tỉnh Đác Nông hiện có khoảng 500 ha chanh dây, trong đó có gần 300 ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các huyện Đác R’lấp, Đác Glong, Cư Giút, Đác Song, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa… Ngoài ra, nông dân trồng nhỏ lẻ với diện tích một vài sào chưa thống kê được nên trên thực tế diện tích trồng chanh dây ở Đác Nông còn lớn hơn rất nhiều.

Theo thống kê sơ bộ đã có trên 12 ha chanh dây trồng từ năm 2008 ở hai huyện Cư Giút và Krông Nô bị dịch bệnh làm tàn lụi không cho thu hoạch. Còn tại thị xã Gia Nghĩa và huyện Đác R’lấp, một số vườn chanh dây xuất hiện hiện tượng cây chanh dây bị đùn ngọn, lá ngả màu vàng, hoa và trái non rụng hàng loạt, còn trái sắp thu thì móp méo, không lớn được.

Mặc dù chưa có kết quả xét nghiệm chính thức, nhưng bước đầu Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đác Nông xác nhận có thể là do nấm phythopthoar SP (bệnh bã trầu do vi-rút gây hại), bệnh ghẻ trái, vàng lá… tấn công các vườn chanh dây trên địa bàn tỉnh, giống như dịch bệnh tấn công các vườn chanh dây ở tỉnh Lâm Đồng những năm trước đây.

Tại huyện Đăk R'Lấp, hơn 2 năm qua, cây chanh dây mang lại cho người dân nguồn lợi không nhỏ, gấp 20 lần so với cây cà phê. Mỗi năm, cây chanh dây có thể cho thu nhập lên đến trên 500 triệu đồng/ha. Trong khi đó người trồng chỉ mất khoảng nửa năm trồng và chờ đợi. Nhưng giờ đây chỉ sau một tháng xuất hiện dịch bệnh, hộ ông Hoàng Văn Bính ở thôn 8 xã Nhân Cơ (Đăk R’Lấp) đã phải mất 40 triệu đồng để cứu 2ha chanh dây. Ông Bính cho biết: Vườn chanh dây của ông đang mắc “đa bệnh”.

Nhiều gốc chanh dây trong vườn… bỗng dưng chết khô. Để cứu vườn cây, ngoài tiền thuốc, ông Bính thuê một kỹ sư nông nghiệp cùng khoảng 5 người phụ tá thường xuyên túc trực chăm sóc. Thế nhưng chưa có một dấu hiệu nào cho thấy bệnh của cây thuyên giảm mà đang trở nên trầm trọng thêm.

Không thể kiểm soát

Do đây là một loại cây trồng mới, nên khi mới đưa vào trồng thử nghiệm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích. Tuy nhiên, do đây là loại cây trồng có lợi nhuận cao nên nhiều nông dân bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp, phá bỏ nhiều loại cây trồng khác chuyển sang trồng chanh dây. Trong khi đó, giống chanh dây trong nước chưa sản xuất được, chủ yếu nhập ở nước ngoài về bán với giá từ 25.000-35.000 đồng/cây, đồng thời người nông dân không nắm bắt được kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, mà chủ yếu là vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Vì vậy, khi xuất hiện dịch bệnh từ cuối tháng 5 đến nay, nhiều nông dân chạy đôn chạy đáo mua các loại thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường về phun trên cây, xịt quanh gốc nhưng dịch bệnh vẫn không hết mà có nguy cơ lan rộng.

Theo ông Trương Xuân Anh - Trưởng trạm BVTV huyện Đăk R'Lấp: "Tình hình dịch bệnh trên cây chanh dây đang diễn biến rất phức tạp. Trong khi đó, với việc trồng ồ ạt, thiếu quy hoạch của người dân khiến cho ngành nông nghiệp rất khó kiểm soát. Hiện là mùa mưa, là điều kiện để dịch bệnh lây lan". Theo ông thì dịch bệnh được "mang" sang từ tỉnh Lâm Đồng. Từ giữa năm 2009, dịch bệnh đã xuất hiện tại những vườn cây lấy giống từ Lâm Đồng. Ông cũng cho rằng hiện việc kiểm soát chất lượng giống từ Lâm Đồng sang là không thể. Hàng chục hộ dân từ Lâm Đồng sau khi "điêu đứng" với loại cây này đã sang Đăk Nông thuê đất tiếp tục trồng. Ông Trần Tuấn - nông dân từ Lâm Đồng tới cho biết: "Vẫn biết loại cây này bị bệnh thì không thể cứu, nhưng nếu nó "chịu" được vài năm là đã có lãi, nên rất nhiều người chấp nhận rủi ro".

Để giúp nông dân giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Nông đã chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật, một mặt tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống các vùng xảy ra dịch bệnh theo dõi, hướng dẫn nông dân dập dịch. Mặt khác, thành lập hai chốt kiểm dịch thực vật tại các chốt giao thông trên Quốc lộ 14 ra vào tỉnh để kiểm tra, theo dõi việc nhập giống chanh dây vào địa bàn… Bên cạnh đó, Sở cũng đề nghị Cục Trồng trọt xem xét bổ sung giống chanh dây vào danh mục giống cây trồng được phép sản xuất tại Việt Nam và kiểm soát công tác nhập khẩu giống phù hợp với điều kiện của từng địa phương để hạn chế dịch bệnh. Đồng thời khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích ở những địa phương có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp.


Lê Huê

Tin khác