Nuôi cá tra thời khủng hoảng

29/06/2010

AGROINFO - Khi con cá tra được giá, người ta ùn ùn kéo nhau đi mua đất đào ao nuôi cá. Nhưng hiện nay, những ao nuôi bạc tỉ lại bị bỏ hoang hoặc rao bán, cho thuê mà cũng chẳng ai mặn mà. Đằng sau sự bất ổn của nghề nuôi cá tra đã dẫn đến nhiều hệ lụy.

Bán ao trả nợ

Thời điểm 2004 - 2006, phường Tân Lộc (Thốt Nốt - Cần Thơ) được mệnh danh là cù lao tỉ phú. Nhờ nuôi cá, bán đất, không ít gia đình tậu xe hơi, sắm canô. Ngày ấy, giá đất ở vị trí đắc địa lên tới 280 - 300 triệu đồng/công (1.000m2), nghĩa là gần 3 tỉ đồng/ha. Những nơi không thuận lợi, giá cũng 180 - 200 triệu đồng/công.

Những ao nuôi cá như thế này đang được rao bán hoặc cho thuê nhưng không mấy ai mặn mà.
Tại Tiền Giang, giá đất nuôi cá tra thời hoàng kim năm 2004 là 70 - 100 triệu đồng/công, sau đó tăng lên 200 - 300 triệu đồng/công. Khi nghề nuôi cá còn vượng, đất bán giá nào cũng có người mua. Thậm chí, có người ở TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến mua. Nay nghề nuôi cá thua lỗ, dù bán với giá chỉ bằng một nửa so với trước mà cũng không ai ngó ngàng. Hiện, đi dọc sông Tiền, thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những ao nuôi cá bỏ trống, cỏ mọc um tùm. Hỏi ra mới biết, chủ những ao này do thua lỗ mấy năm trước nên đang rao bán hoặc cho thuê. ông Nguyễn Văn Nghĩa ở xã Hòa Hưng (Cái Bè - Tiền Giang) cho biết: “Sau vụ cá thua lỗ cuối năm ngoái, gia đình tôi ôm nợ ngân hàng hơn 1 tỉ đồng, đành phải treo bảng bán ao nuôi cá tra trả nợ”.

Ông Trần Quân Mão ở xã Hoà Khánh (Cái Bè - Tiền Giang) chỉ vào ao nuôi cá tra chừng 5.000m2 của mình nói: “Ao này tôi đang rao cho thuê, đã 3 tháng rồi mà chưa có ai hỏi”. ông Mão cho biết thêm: “Sau vụ cá cuối năm 2009, tôi lỗ hơn 300 trăm triệu đồng, không có tiền đầu tư tiếp nên đành phải bỏ không. Hiện nay, hộ nào may mắn thì tìm được mối cho thuê với giá 500 đồng/kg cá thành phẩm khi thu hoạch và làm công trực tiếp trên ao cá của mình. Nhưng những trường hợp này rất ít”.

Tại An Giang, nơi mà nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra được xem là mũi nhọn kinh tế, diện tích nuôi cá tra cũng giảm xuống dưới 1.000ha, bằng 70% so với năm 2009. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang, nợ quá hạn cho vay nuôi cá tra của các ngân hàng trên địa bàn đã lên đến 52 tỷ đồng. Khoảng 155 hộ nuôi cá tra thua lỗ, hết vốn đang đứng trước nguy cơ bỏ nghề.

Ngân hàng, DN làm khó

Trong khi nghề nuôi cá tra đang gặp khó thì hộ nuôi cá tra lại rất chật vật trong việc tiếp cận đồng vốn ngân hàng. Anh Nguyễn Văn Khánh ở xã Hoà Hưng cho biết, một trong những điều kiện để được vay vốn là người vay phải có hoá đơn đầu vào. Thế nhưng, các cơ sở cung cấp thức ăn, thuốc thú y, hoá chất xử lý đều không có hoá đơn, chưa kể đến trường hợp nuôi bằng thức ăn tự chế nên bị ngân hàng từ chối cho vay.

Theo báo cáo của các địa phương về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra 5 tháng đầu năm 2010, tại Đồng Tháp, chỉ có khoảng 40% số hộ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Rất nhiều hộ do chưa trả xong nợ cũ nên khó vay vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Mặt khác, theo quy định của ngân hàng, hộ nào có phương án sản xuất đáp ứng điều kiện mới được vay và được hưởng lãi suất ưu đãi. Với đa phần nông dân thì đây là điều kiện, không dễ đáp ứng. Tại Tiền Giang, số trường hợp vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra lại công bố đã chủ động được 60 - 80% nguyên liệu nên hạn chế mua cá tra nguyên liệu của nông dân. Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, qua khảo sát thực tế, hiện có rất ít doanh nghiệp xây dựng được vùng nuôi riêng. Trong khi, tổng công suất của các nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đến nay đã gấp đôi sản lượng cá nguyên liệu toàn vùng. Việc công bố thông tin không mua thêm cá tra nguyên liệu thực chất chỉ là cách để các doanh nghiệp giành quyền quyết định giá thu mua cá của nông dân.


Phạm Khánh (Theo Báo KTNT)

Tin khác